Điện sinh khối thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bên cạnh việc khai thác lợi thế về thủy điện, điện gió và điện mặt trời thì việc tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ ngành chế biến nông-lâm nghiệp để phát triển điện sinh khối là hướng đi đầy tiềm năng.

Giàu tiềm năng

Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với hơn 98.700 ha cà phê, gần 88.000 ha cao su, hơn 29.000 ha cây ăn quả, trên 23.300 ha điều, 79.300 ha mì, 76.000 ha lúa nước và gần 37.000 ha mía; diện tích đất có rừng gần 647.000 ha. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy chế biến nông sản, hàng ngàn cơ sở xay xát lúa gạo; cùng hơn 280 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng; hàng trăm cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú để tạo ra sản lượng điện sinh khối lớn, ước lượng khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng đạt khoảng 620.000 tấn/năm. Trong đó, bã mía có sản lượng khoảng 520.000 tấn/năm; chất thải hữu cơ từ chế biến nông-lâm sản như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa… có sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Công nghệ được áp dụng hiện nay là đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) với quy mô công suất có thể đạt khoảng 850 MW.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 144,6 MW đã đi vào vận hành, gồm Nhà máy Điện sinh khối Ayun Pa (34,6 MW) và Nhà máy Điện sinh khối An Khê (110 MW). 2 nhà máy này tận dụng phụ phẩm là bã mía của chính các nhà máy đường trên địa bàn nên hoạt động rất hiệu quả.

Việc tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp là hướng đi tiềm năng để phát triển điện sinh khối. Ảnh: Vũ Thảo

Việc tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp là hướng đi tiềm năng để phát triển điện sinh khối. Ảnh: Vũ Thảo

Thực hiện chủ trương “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” và các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, Gia Lai rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Với tiềm năng phát triển và hạ tầng lưới điện cơ bản đã thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89 MW. Mặc dù có 2 nhà máy điện sinh khối đang vận hành nhưng so với các nguồn năng lượng tái tạo khác thì vẫn còn khá nhỏ. Do vậy, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Công thương quan tâm, hướng dẫn và quy hoạch công suất các dự án điện sinh khối trên địa bàn trong Quy hoạch điện VIII nhằm thúc đẩy công tác trồng rừng, xử lý môi trường tại địa phương.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trong Kế hoạch số 2541/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Gia Lai đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông-lâm-thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.

Gia Lai có gần 37.000 ha mía là vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường, cũng như là nguồn sinh khối dồi dào để phát triển năng lượng điện. Ảnh: Vũ Thảo

Gia Lai có gần 37.000 ha mía là vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường, cũng như là nguồn sinh khối dồi dào để phát triển năng lượng điện. Ảnh: Vũ Thảo

Trong chuyến công tác cùng với Bộ Công thương, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết: EU đang tập trung vào chuyển đổi xanh, trong đó có lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Khi nghe được thông tin và chia sẻ của lãnh đạo tỉnh về những tiềm năng thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo của Gia Lai, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển điện sinh khối, EU rất quan tâm quá trình chuyển đổi này. Vì vậy, EU sẽ có trình tự để giúp địa phương có những bước đi cụ thể, trên cơ sở hợp tác giữa EU và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để tiến tới quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Giám đốc Sở Công thương, nhằm khai thác nguồn phụ phẩm, phế phẩm để tạo ra nguyên liệu sinh khối, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang khảo sát để tiến hành đầu tư cụm dự án điện sinh khối tại xã Gào (TP. Pleiku) với công suất 100 MW. Dự án sẽ sử dụng chính nguồn phụ phẩm của các nhà máy thuộc Hoàng Anh Gia Lai đóng chân trên địa bàn. Trước đó, Tập đoàn T&T đã tiến hành khảo sát tại thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) để xây dựng nhà máy điện sinh khối có công suất khoảng 100 MW. Theo quan điểm khai thác dựa trên những tiềm năng thế mạnh của địa phương, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các dự án để khai thác tối đa nguồn điện sinh khối trên địa bàn. Nếu được sử dụng hiệu quả thì có thể đưa lại nguồn lợi kinh tế cao, giúp giảm phát thải, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân khi tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu sinh khối và trồng cây sinh khối cho các nhà máy.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào cuối tháng 11-2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng: Gia Lai là tỉnh nông nghiệp nên sẽ rất tiềm năng để đầu tư phát triển điện sinh khối. Thứ trưởng Bộ Công thương muốn tỉnh quan tâm phát triển điện sinh khối dựa trên việc tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp nhằm hạn chế phát thải, mang lại hiệu quả cao trong phát triển nguồn năng lượng sạch.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.