Thị trường bất động sản Gia Lai “hạ nhiệt”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sau cơn sốt đất năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) tại Gia Lai đang trong điểm rơi về giá khi khả năng thanh khoản ở các loại hình đều giảm mạnh. Những diễn biến của thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, khả năng giá BĐS sẽ tiếp tục giảm sâu trước khi bước vào chu kỳ ổn định giá mới.

Theo khảo sát thị trường chung, số lượng giao dịch thanh khoản đối với nhà ở đô thị khu vực trung tâm hiện giảm 80-90% so với thời điểm năm 2022 do giá trị cao, vốn đầu tư lớn; giá trị giao dịch nhà ở đô thị cũng giảm khoảng 15-20%. Đối với loại hình đất vị trí đẹp, đất rẫy, số lượng giao dịch thanh khoản cũng giảm 75-85%, giá trị giao dịch giảm 20-25% vì đặc thù nhóm sản phẩm này ở phân khúc đầu tư dài hạn và diện tích lớn. Trong khi đó, đối với loại hình đất nền thổ cư ven thành phố, số lượng giao dịch giảm 60-65%, giá trị giao dịch giảm 10-15%.

Ông Phạm Vân Đài-Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới nhà đất.VIP (201 Lê Duẩn, TP. Pleiku) phân tích: “Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình thanh khoản chậm diễn ra ở tất cả các loại hình BĐS. Các giao dịch phát sinh thời điểm này là dành cho người có nhu cầu đầu tư sở hữu thật sự, có khả năng chủ động về dòng tiền, nhất là tiền mặt. Ngược lại, một bộ phận giới đầu tư đang tiếp tục theo dõi tình hình thị trường liên quan đến các chính sách mang tính vĩ mô, tài chính. Một bộ phận giới đầu tư mang tính chất dài hạn sẽ quyết định xuống tiền đối với khu vực tiềm năng cao, vị trí đẹp và giá cả rẻ. Với tình hình này, nhiều khả năng giá đất sẽ còn tiếp tục giảm cho đến hết năm 2023”.

Trước tình hình đó, ông Võ Trần Hải Nguyên-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản BSO (168B Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) khuyến nghị: “Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng vì có nhiều quyền lựa chọn hơn trên 2 phương diện, đó là chọn loại hình BĐS và chọn đơn vị uy tín minh bạch. Đồng thời, kiểm soát nguồn vốn, phân bổ hợp lý và đặc biệt hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy ngân hàng”.

Số lượng hồ sơ liên quan đến đất đai tại Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đ.T

Số lượng hồ sơ liên quan đến đất đai tại Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đ.T

Từ những diễn biến của thị trường BĐS, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vừa tiếp tục tìm kiếm cơ hội, vừa kiên nhẫn chờ thị trường thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới. Bà Trần Thị Hoàng Anh (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: “Năm 2022, giá đất bị đẩy lên quá cao khiến những người đầu tư cuối cùng bị mắc kẹt. Vừa qua, tôi khảo sát lại giá đất tại một số khu vực từng sốt ở Biển Hồ, Chư Păh thì thấy giá đất giảm mạnh nhưng không có người mua. Có vị trí đất giá năm ngoái 75-80 triệu đồng/m ngang thì hiện nay chỉ còn 31 triệu đồng/m. Quan điểm của tôi là đầu tư món nhỏ, giá vừa phải, có tiềm năng và khả năng thanh khoản trong ngắn hạn hoặc 2-3 năm. Vì vậy, thời điểm này, tôi sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm kiếm cơ hội, sản phẩm với mức giá phù hợp”.

Áp lực về lãi suất, khả năng thanh khoản thấp là một trong những yếu tố tác động mạnh đến giá BĐS hiện nay. Nhiều dự báo cho thấy, từ nay đến hết quý II-2023, giá BĐS sẽ tiếp tục đà giảm mạnh khi nguồn cung và nhu cầu chênh lệch lớn. Ông Phạm Quốc Toàn (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho rằng: “Với tình hình thị trường BĐS đang chững lại như bây giờ, tôi chưa vội quyết định ngay mà sẽ tiếp tục chờ thị trường ổn định về giá, tiệm cận với mức giá thực trước cơn sốt đất năm ngoái”.

Vào giai đoạn cao điểm năm 2022, trung bình mỗi ngày, Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku có hơn 600 hồ sơ đăng ký thì từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ liên quan đến nhà đất như giao dịch bảo đảm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất có xu hướng giảm mạnh. Bà Hà Thị Hồng Yến-Trưởng Bưu cục Hành chính công (Bưu điện tỉnh) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ liên quan đến nhà đất được tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, thời gian cao điểm về sốt đất năm 2022, trung bình mỗi ngày có hơn 100 hồ sơ ra thông báo nộp thuế thì hiện nay chỉ còn 30-40 hồ sơ. Ông Trần Phan Quốc Chương-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-thông tin: “Trong tháng 1-2023, Chi cục thu tiền sử dụng đất đạt 47,4 tỷ đồng. Trong đó, 7,9 tỷ đồng là thu từ các dự án của thành phố, số còn lại thu từ hồ sơ lẻ. So với cùng kỳ năm 2022, số thu tiền sử dụng đất giảm 13,2 tỷ đồng. Từ ngày 1 đến 17-2, thu tiền sử dụng đất đạt 21 tỷ đồng. Thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chuyển nhượng BĐS của tháng 1-2023 là 3,1 tỷ đồng, giảm 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022”.

Có thể bạn quan tâm