Nhịp sống mới trên vùng “đất khát” Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiều tuyến đường bê tông rộng mở, buôn làng xanh-sạch-đẹp, nhà cửa khang trang, vững chãi cùng nhịp sống tất bật của người dân là điều dễ nhận thấy ở các xã nông thôn mới (NTM) của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) hiện nay.

Sau hơn 10 năm nỗ lực phấn đấu, xã Uar được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021. Khi bắt tay xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên triển khai các giải pháp thực hiện. Xác định hệ thống giao thông là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xã kết hợp các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vận động người dân, doanh nghiệp ủng hộ để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Ông Nguyễn Đức Thái (thôn An Bình) cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên hệ thống đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản”.

Cùng với đó, UBND xã vận động người dân tích cực tham gia đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại kinh tế cao. Trước đây, hàng ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Thanh Bình) phải thuê 4 nhân công để tưới 1 ha thuốc lá. Tuy nhiên, sau khi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, chị chỉ cần mở van là nước được bơm đến tận gốc cây. Chính vì vậy, năm 2023, gia đình chị mở rộng diện tích thuốc lá lên hơn 4 ha.

Bộ mặt nông thôn xã Phú Cần (huyện Krông Pa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Chi

Bộ mặt nông thôn xã Phú Cần (huyện Krông Pa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Chi

Dọc các trục đường bê tông ở xã Phú Cần là cuộc sống yên bình thể hiện qua bộ mặt nông thôn tươi mới. Đứng trên đường bê tông nối từ buôn Thim ra cánh đồng lúa xanh rì trước mắt, anh Rơ Chăm Gie tự hào khoe: “Có được con đường này, gia đình tôi đã hiến hơn 1.400 m2 đất, góp nhiều ngày công lao động để hoàn thành”.

Ông Lê Tiến Hải (buôn Lúk) cũng nhìn nhận: Giao thông thuận lợi đã kéo theo sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Sau khi xã về đích NTM, cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá được Nhà nước đầu tư rất bài bản, khang trang. Có đường bê tông kiên cố, bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn so với trước đây. Môi trường sạch sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.

Trong khi đó, từ năm 2011 đến nay, xã Ia Mlah cũng đã huy động trên 61,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và nâng cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, điển hình là xây dựng được gần 15 km đường giao thông nội thôn, đảm bảo đi lại thuận lợi. Cùng với đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,88%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 29%; hơn 99% số hộ sử dụng điện an toàn; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt hơn 89%; 100% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Uar đã trở thành 1 trong 3 xã của huyện Krông Pa về đích NTM. Ông Nay Châm-Phó Chủ tịch UBND xã Uar-khẳng định: Diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Hiện toàn xã chỉ còn 214 hộ nghèo. “Đảng bộ và Nhân dân xã một lòng đoàn kết, người dân tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp rất nhiều công sức, tiền của cũng như ngày công để có được sự đổi thay toàn diện một cách rõ nét như hôm nay”-Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

Phú Cần là xã NTM đầu tiên của huyện Krông Pa về đích từ năm 2018. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Xuyến nhấn mạnh: Hàng năm, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Trên cơ sở nghị quyết này, xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí. Đến cuối năm 2022, sau khi rà soát tổng thể, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt gồm: hộ nghèo, thu nhập và môi trường. “Năm 2023, Đảng ủy xã cũng sẽ có nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể để hướng tới việc hoàn thành các tiêu chí này trong năm”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Tin-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã thực sự tạo ra động lực lớn để người dân vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2023, huyện tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn NTM; các xã còn lại phấn đấu đạt 1-2 tiêu chí. Đến cuối năm 2023, bình quân mỗi xã đạt 14,9 tiêu chí. Để hoàn thành mục tiêu này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và quần chúng nhân dân về xây dựng NTM. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, thôn trực tiếp gắn với phát triển đời sống hàng ngày của người dân như: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường; phát triển gắn với tổ chức lại sản xuất, duy trì chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và phát triển chuỗi liên kết mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp.

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.