Một thời đổi hàng vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Người Tây Nguyên xưa có thói quen trao đổi với cư dân trên khắp bán đảo Đông Dương những thứ mình sẵn có từ rừng để lấy về những thứ mình cần mà không có, không làm ra được.

Trong đó, sự trao đổi nhiều nhất là với cư dân vùng đồng bằng ven biển. Thứ người Tây Nguyên sẵn có là măng le, mật ong, sáp ong, vỏ quế, trầm hương-kỳ nam, ngà voi, sừng tê giác, gạc nai… Họ mang về Tây Nguyên các loại muối, vải, đồ đồng, cồng chiêng, ghè, ché, rìu, dao… Thời thịnh, họ về vùng đồng bằng đổi hàng bằng voi, ngựa. Thời suy, họ mang vác, gùi cõng, bộ hành vượt rừng rậm suối sâu giữa đại ngàn thăm thẳm.

Đến thời hiện đại, những buôn làng vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên vẫn gần như biệt lập, giao thông đi lại rất khó khăn. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu giữa các làng xa xôi và thế giới văn minh được kết nối bởi một hệ thống những người đổi hàng vùng sâu, miệt mài ngày này tháng khác với những hình thức rất đa dạng, phong phú và sống động.

Năm 1985, tôi tăng cường xuống xã Ia Lâu, một xã vùng biên giới của huyện Chư Prông. Bấy giờ, giao thông đến làng, đến xã vào mùa mưa chỉ có đi bộ. Đường vào làng chỉ là lối mòn xuyên rừng khộp hun hút cây cổ thụ xen lẫn những bãi cỏ xanh rờn rợn. Luồn rừng tầm 50 cây số, phải vượt qua 2 con suối mới tới được làng đầu tiên. Để qua suối Nước Đục trong ngày lũ lớn, người làng chỉ còn cách hạ những thân cây cổ thụ ven bờ suối cho ngã gác ngang dòng chảy, thành một chiếc cầu “độc mộc”. Qua chiếc cầu ấy phải leo bộ chân trần, lần lượt từng người một. Thế mà mùa mưa vẫn có những đoàn phụ nữ mang gùi vào làng đổi hàng. Họ đổi đủ thứ từ bánh kẹo, mì tôm, mắm muối, quần áo, giày dép,… lấy lúa gạo, bắp hạt, măng khô… Tất cả đều quy đổi hàng lấy hàng, rất hạn hữu dùng đến tiền mặt. Đường xa vất vả, có lúc bị ốm đau, thậm chí bị FULRO chặn bắt, lấy hết hàng hóa, thế nhưng chẳng có trở lực nào ngăn nổi bước chân của những người phụ nữ đổi hàng kiên gan một thuở.

Quãng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi về công tác ở điểm kinh tế mới Chư Đông (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) thấy một nghề dịch vụ cũng kỳ lạ. Trong điểm kinh tế mới có một anh chắc là bộ đội phục viên, biết nghề nhiếp ảnh. Anh có một cái máy ảnh cũ chụp bằng phim và một chiếc xe đạp đòn giông. Sáng sáng, anh mang máy ảnh đạp xe vào các làng người Jrai, chiều đã có một bao tải nặng chứa đầy những trái bắp tươi khô đủ loại và lủng lẳng mấy con gà. Thì ra anh đi chụp ảnh dạo, lấy nông sản. Đồng bào dân tộc thiểu số hồi ấy chưa có thói quen dùng tiền nên tất tần tật mọi khoản thanh toán đều quy ra gạo, bắp và gà. Thời thực dân Pháp mới đến Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số rất kiêng và sợ chụp hình. Họ bảo người chụp ảnh thì sẽ bị chớp mất hồn. Thế mà thời anh kinh tế mới, nghề ảnh không dưng hóa phát đạt. Những tấm ảnh đen trắng, càng nhiều người, càng đông, đồng bào càng thích, có khi còn được thưởng thêm mấy trái bắp.

Một dạo làng Dlâm, làng Dung Dăng “mất tích”. Họ bỏ vùng lúa Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) lặng lẽ lên lại vùng lòng hồ trên tít mé thượng nguồn, sống cô lập giữa một bên là hồ nước mênh mang rộng 3.700 ha, một bên là dãy núi cao lừng lững. Cái làng cô lập ấy được cung ứng hàng hóa đủ thứ từ gia vị, cái mặc, đến thuốc lá, rượu đế… bởi một gia đình người Kinh “cộng sinh”. Họ từ xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) vào hồ dựng một căn nhà sàn tranh tre nứa lá làm nơi giao dịch hàng hóa với các làng Bahnar. Người làng thiếu cái gì cũng đều mua nợ. Uống rượu đến say cũng nợ. Khi tỉnh rượu, họ trả sòng phẳng. Thiếu thứ gì đến mùa họ đều nhớ và trả đủ cả gốc lẫn lãi. Đó là hộ gia đình người Kinh duy nhất biết các làng Bahnar đi đâu về đâu giữa mênh mông trời nước!

Khoảng đầu năm 2000, một loại dịch vụ cho các làng ra đời khá tiện lợi, đó là nghề xát gạo lưu động. Thông thường, mấy làng có một hộ người Kinh biết chạy máy xay xát, có vốn mua sắm máy. Chiếc máy xát được gắn trên xe công nông đầu ngang, thành ra một cỗ máy xát “tự hành”, luồn lọt khắp các làng vùng sâu, vùng xa. Tất cả các khoản dịch vụ xay xát đều được thanh toán trừ lùi bằng hiện vật. Xay một gùi lúa loại trung, người cần xay để lại cho chủ máy tất cả số cám và cấn thêm một lon gạo, coi như số gạo rơi rớt khi giã chày tay. Chủ máy xát lưu động tự lập sẵn lịch xát gạo xoay vòng cho các làng một cách khoa học sát sao, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm hộ gia đình định sẵn.

Trước đây, xã Kon Pne (huyện Kbang) bị cô lập bởi sông sâu đèo cao cũng có một hộ người Kinh cất nhà tạm, làm dịch vụ trao đổi hàng với 3 làng Bahnar trong vùng. Đó là chị Nguyễn Thị Xuân từ An Khê vào đổi hàng mưu sinh. Từ việc trao đổi hàng hóa, chị Xuân đã có được tình thương và lòng mến mộ của người dân, được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã trong mấy năm liền.

Bây giờ, nhớ lại những chuyện ở làng vùng sâu, vùng xa một thời, rất nhiều người sẽ khó tin nổi. Nhưng người viết bài này đã từng gặp gỡ, trải nghiệm qua các dịp công tác vùng sâu, thậm chí bằng nhiều đợt tăng cường cơ sở dài ngày. Đó là ký ức sâu đậm khó quên với buôn làng Tây Nguyên từ những tháng ngày đầy khó khăn gian khổ.

 

PHẠM ĐỨC LONG

 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Mai Ka

Nghề nuôi ong ở Chư Nghé

(GLO)- Đó là chuyện của mấy chục năm về trước ở thị tứ Chư Nghé, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Anh Trần Văn Huynh-một người bạn của tôi-kể: Năm 1995, anh rời Hà Nam vào Ia Grai lập nghiệp.

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ký ức vùng biên

(GLO)- Mới đó mà đã hơn 20 năm kể từ ngày tôi về nhận công tác tại Huyện Đoàn Đức Cơ. Ngày ấy, tôi quyết định rời xa phố xá đông vui để lên làm việc tại vùng biên giới xa xôi trước sự ngạc nhiên của bè bạn. Chuyến đi mang theo hoài bão lớn lao với khát vọng của một thanh niên đang căng tràn sức trẻ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 2322/UBND-KTTH triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Các đơn vị thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, quầy Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Công bố 3 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 561/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính (TTHC) mới và quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong lĩnh vực chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Huyện Đak Pơ thăm hỏi, tặng quà Đội K52. Ảnh: Ngọc Minh

Lãnh đạo huyện Đak Pơ thăm, tặng quà Đội K52

(GLO)- Chiều 8-10, ông Nguyễn Trường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Pơ làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, tặng quà Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại tổ 4, thị trấn Đak Pơ từ ngày 30-9 đến nay.

Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển

Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển

(GLO)- Xã Đăk Tơ Ver (huyện Chư Păh) đã triển khai các dự án hỗ trợ nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo nông thôn.

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

(GLO)-Triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, UBND tỉnh vừa có Tờ trình số 2289/TTr-UBND trình HĐND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.