Đêm lũ mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nước đã dâng lên đến nửa tầng một của Đồn Biên phòng Cửa Phá. Lúc này, những người dân chạy lụt đã lên hết tầng hai. Họ đứng ngồi ở cầu thang, trong phòng làm việc và tràn ra cả hành lang. Thỉnh thoảng tôi lại thấy một con trâu bơi nhấp nhô, một con chó lóp ngóp trên mặt nước hoặc một vài con gà chết nổi, trôi trên eo Hà Duân. Chốc chốc lại một cái mủng con của dân táp vô, một cái bè chuối chở vài người ướt sũng, mặt tái mét về đồn.  

Phá Tam Giang mênh mông, ngờm ngợp.

Ôi trời ơi! Thương em anh chẳng dám vô. Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Khi bình thường, phá Tam Giang đã là nỗi lo sợ, ám ảnh rồi. Còn khi lũ lụt thì sự lo sợ kinh hoàng còn gấp biết bao lần. Câu ca xưa cũ ấy thoáng trong đầu làm tôi rờn rợn. Chẳng dám men theo bờ phá Tam Giang, tôi bơi mủng theo con đường rải đá mạt liên huyện. Con đường mà mọi ngày ô tô qua lại bụi mù trời thì lúc này xuồng cao tốc có thể xé nước lao trên đó được.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Thôi rồi, mủng ơi. Nước xoáy mạnh quá, một chóp mái nhà tôn thò cả rui mè ra lao vào đâm thủng luôn cái mủng của tôi. Cái mủng chao nghiêng dạt ngay vào bụi tre bên đường. Không bơi được nữa, một tay tôi bịt lỗ thủng, một tay tát nước. Cũng không ổn, tôi phải xé luôn cái áo vo lại nhét vào lỗ thủng, nhưng nước vẫn vào. Tôi hốt hoảng, hai tay lóng ngóng như người sắp chết rét. Còn mắt thì cố ngóng ra chung quanh cầu cứu.

Một cái mủng. Thật rồi! Tôi đã thấy một cái mủng đang bơi ngang qua chỗ tôi. Người đàn ông vừa gạt  nước mưa ở mặt vừa chèo.

- Giúp tôi vớ… với!- Tôi la to.

Người đàn ông ấy vẫn im lặng, ghì gẫm bơi mủng. Tiếng tôi la chìm vào gió mưa, dường như chẳng có nghĩa lý gì với anh ta. Tôi lại gào muốn đứt họng:

- Tôi bị kẹt ở đâ…ây.. đây... Mủng của tôi bị thủ... thủng...

Lần này thì người đàn ông đứng dậy ghìm chèo. Anh ta gầy, cao lênh khênh. Dưới chân anh ta là một buồng chuối xanh và mấy con gà chết. Cái mủng đã dừng lại. Anh ta cố ghìm bai chèo cho mủng khỏi trôi. Tôi mừng quá gọi anh ta đến lạc cả giọng. Nhưng anh ta đã ngập ngừng nửa muốn đến chỗ tôi, nửa lại muốn bơi đi. Nếu vậy thì tôi sẽ nguy khốn mất.

- Còn nhiều người cũng bị kẹt như anh. Tui vớt sao hết được. Anh thông cảm cho tui.- Anh ta nói, giọng rất lạnh lùng, rồi bơi mủng đi.

- Đừng... giúp tôi. Tôi đi cấp cứu người-tôi rướn cổ to lên- “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Anh biết không?

Người đàn ông gầy, cao lênh khênh đứng trên mủng, chắp tay xá, miệng cứ kêu: “Xin xá tội. Đừng oán tui...”. Rồi anh ta bơi mủng đi. Cái mủng con và anh ta cứ khuất dần, nhòe dần vào những chóp nhà và lùm cây phập phều trong nước đục. Tôi bất lực và thất vọng, nước mắt ứa ra, hòa lẫn nước mưa lăn xuống miệng mằn mặn.

Mưa cứ rơi cheo chéo như vãi hạt xuống đầm phá mang mang, rờn rợn. Dòng nước lũ như lại xoáy mạnh hơn làm bụi tre nghiêng ngả dưới nước đục. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình hoảng sợ, trơ trọi, cô đơn đến như vậy. Một mình tôi, một túi cứu thương, một cái mủng rò nước trong lúc cuối chiều lũ mưa hoang vắng. Tôi nghĩ đến lúc cái mủng cứ chìm dần, chìm dần. Tôi sẽ bấu, bám vào một hai cây tre đang cong mình dưới nước. Và lạy trời lũ ác đừng cuốn cả bụi tre đi. Bất chợt tôi nhớ đến con, đến vợ. Năm ni mưa dữ. Lũ từ núi cao, đồi trọc tràn qua Huế, về Phú Vang rồi đổ ra phá Tam Giang, ra cửa biển Thuận An. Lũ tràn qua nhà tôi trước. Vợ con tôi bị lũ lụt trước cả tôi. Vợ tôi bán hàng ở chợ Đông Ba. Con sáu tuổi một buổi đi học, một buổi khóa cửa nhốt ở nhà. Vợ tôi có kịp chạy về nhà đưa con lên sân thượng không. Một vài anh em ở đồn cũng hoàn cảnh như tôi. Biết vậy mà không thể lội lũ mưa về với vợ con được. Ở dưới này dân đang cần chúng tôi. Thôi đành đi cứu người, lại có người khác đi cứu vợ con của mình. Vậy mà giờ tôi bị kẹt lại đây. Tôi có làm sao thì uổng quá. Vợ con tôi có làm sao thì... Tôi rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Thôi, cầu trời cho hai mẹ con được bình yên. Tôi khắc khoải chờ đồng đội tôi đến, dù biết rằng số phận mình đang rất mong manh.

Cái mủng chìm nghỉm. Túi quân y khoác chéo ngực, tôi kịp bám vào bụi tre. Những cây tre cong mình nghiêng ngả chống chọi với lũ mưa. Gai tre chọc, khể vào tay, vào người tôi chảy máu. Tôi giật mình co tay lại thì chạm phải cái dây leo loằng ngoằng. Không phải dây leo mà một con rắn. Không phải một con rắn mà 8, 9 con đang quấn trên ngọn tre, tay tre. Một con quấn nửa mình phía đuôi, còn nửa mình phía đầu thì nguềnh ngoàng với đến chỗ tôi. Hai mắt nó mở thao láo nhìn, lưỡi đen chẻ hai nhánh thia lia. Nhưng chúng không phóng sang chỗ tôi, không trườn đến chỗ tôi để cắn. Có lẽ chúng bị mưa lũ đập cho mệt mỏi, rã rời rồi, không đủ sức đuổi cắn kẻ đã chiếm chỗ. Cũng có thể, chúng thấy tôi không đáng sợ và tôi cũng đang nguy khốn như chúng nên cho nương nhờ.

Lại có một cái mủng to trong làn mưa trắng mờ đang trôi về phía tôi. Mừng rồi, tôi phấp phỏng hy vọng. Không thấy người trên đó, có lẽ nào mủng trống không? Mắt tôi nhòe nhoẹt nước mưa. Trời ơi! Tôi đã lóa mắt nhìn nhầm. Không phải cái mủng mà là một con trâu đen to kềnh chết nổi và một đàn vịt 5, 6 con đậu trên mình nó, đang trôi ngang qua chỗ tôi. Con trâu chết thì đã hết kiếp của nó rồi. Còn đàn vịt chưa chết nhưng lũ lụt cũng đã đập tơi bời, lấy mất hồn vía của chúng. Đàn vịt lặng im, vô cảm, không nhúc nhích, chẳng kêu. Sao lúc đó tôi thèm nghe một vài tiếng kêu cạc... cạc... của chúng. Tiếng vịt kêu sẽ làm cho lòng tôi bớt hoang vắng và sợ hãi. Tiếng vịt kêu sẽ báo cho tôi biết trong cơn đại hồng thủy này vẫn còn sự sống và hy vọng. Nhưng tịnh như không, chỉ có gió mưa và lũ lụt.

Cuộc đời hình như cũng không đến nỗi quá ưu ái với người này và bất công với người khác. Tôi đã gào lên xuýt phát xỉu khi thấy cái xuồng cao tốc màu đỏ của Đồn Biên phòng đang còn thấp thoáng trong mưa trắng mù mịt từ xa...     

- Trời ơi! Sao lại ở đây?-Đại úy Đồn phó kêu lên.

Cái xuồng dừng lại hẳn, mấy cánh tay chìa ra thì tôi chẳng cần gì phải gồng mình gắng gượng nữa. Tôi đã mềm oặt người ngả hẳn vào vòng tay của đồng đội.  

Đại úy hỏi tôi dồn dập, cơn cớ nào mà đến nông nỗi này. Tôi bảo:

- Một ca đẻ khó ở xóm Mới. Em bơi mủng đến đây thì bị chìm. Chẳng biết giờ họ ra sao mà trời sắp tối rồi.

Xuồng nhằm hướng xóm Mới lao đi.

Mọi cảm xúc, suy nghĩ cứ ào ạt đến với tôi. Không biết đồng đội có nghĩ như tôi không mà cứ lặng lẽ đội mưa, thay nhau cầm lái cho con xuồng lao về phía xóm Mới. Tôi cứ miên man nghĩ cho đến khi cái xuồng cao tốc lao phải một chóp mái nhà tranh đang trôi, tôi mới giật mình. Chàng lính trẻ lái xuồng loay hoay gỡ rơm rạ quấn vào chân vịt. Tôi đã thấy cái mủng và người đàn ông lúc trước từ chối giúp tôi, đang bơi gấp gáp trong màn mưa giăng giăng. Quả thực, tự nhiên lúc ấy tôi muốn xuồng lao qua trước mặt anh ta. Làm cho sóng to lên để cho mủng anh ta chìm thì dứt khoát không, mà tôi muốn cho anh ta nhìn thấy tôi được người khác cứu, tôi đang sống như thế nào. Nhưng tôi đã không làm vậy, vì ở phía trước đang có nhiều việc cần hơn. Đã gần tới nơi rồi. Con xuồng lại lao đi.

Trời đã xâm xẩm tối. Xóm Mới chìm trong lũ lụt. Nhà thấp nước đã chấm mái tranh, nhà ngói cao nước cũng sắp ngập hết cửa sổ. Một vài cái mái bằng có nhiều người đang đứng, ngồi lố nhố trên đó. Một vài cái mủng đen di động xa xa trên mặt nước. Thỉnh thoảng lại một đống rạ lừ lừ trôi đi. Lũ lụt đã xóa hết dấu vết địa hình của làng xã. Chỉ còn mái nhà và ngọn cây xập xòa trong nước. Thỉnh thoảng ánh đèn pin, đèn bão lập lòe, nhấp nháy, loang loáng trên nóc nhà, sân thượng trong màn mưa giăng giăng. Những người sơ tán thì đã đi rồi. Người chạy lên nóc nhà, sân thượng thì cũng đã lên rồi. Còn ai đang kẹt trong nhà nữa? Trời đã tối, nước vẫn dâng cao, biết đâu mà lần. Xuồng giảm tốc độ, lách trên mặt nước theo các ngõ nhỏ. Đi lòng vòng rồi xuồng tấp vô vào trụ sở Ủy ban xã. Nước cũng đã ngập sâu đến lưng tầng một, những người chạy lụt khoác ni lông đã ngồi đầy trên sân thượng. Anh Xã đội trưởng nhảy luôn xuống xuồng:
- Quay xuồng đi các đồng chí. Vợ chồng nhà cu Nhắng ở gần đây thôi.
- Không khéo đã đẻ tọt xuống nước rồi. Nhanh lên. Chồng nó bơi mủng đi từ sáng chưa về đâu-Có tiếng người ở sân thượng nói chõ xuống.
Xuồng cao tốc lại lao đi.
Một cái đầu đàn bà thò lên chỗ dỡ ngói kêu, rồi lại thụt xuống. Có tiếng ngói rơi, lăn lộc cộc.
- Chị nhà đã đẻ chưa?-Tôi hỏi ngay.
- Đang thò ra rồi.
Đồn phó bảo:
- Neo xuồng chắc vào. Phá mái ngói nhanh lên.
- ...

Tôi bấm đèn pin. Trời đất ơi! Một người đàn bà ngồi ở xà nhà. Còn người đàn bà đang đẻ nằm trên cái gác xép để đồ. Hình như cái gác xép cũ, gỗ đã mục nên người đàn bà kia không dám ngồi cùng. Chị ta ngồi ở xà nhà chìa  hai tay sang đỡ. Đứa bé đã thò cái chỏm đầu ra.

- Mẹ khỉ. Cu Nhắng đâu mà để vợ con thế này?-Anh Xã đội trưởng hỏi.
Người đàn bà đẻ sụt sịt. Người đàn bà kia bảo:
- Nhà nó... bơi mủng đi... từ sáng. Chả biết có làm sao không?
- Thôi đừng khóc nữa. Lo cái thân cô và đứa bé đã.

Chúng tôi đành phải phá tường, tấp xuồng vào gác xép. Lựa thế đỡ, chúng tôi khiêng cả người mẹ và đứa bé đang thò ra. Một con người mỏng manh sắp chào đời đang bị lũ lụt, gió mưa đón ở ngoài đời. Người đàn bà kia, anh Xã đội trưởng, chàng lính trẻ lái xuồng và Đồn phó, bốn người cầm bốn góc tấm ni lông che, để cho tôi làm nốt phận sự của bà đỡ.

Khi cái xuồng cao tốc đã quay đầu chuẩn bị lao khỏi cái nhà bị phá tường, dỡ ngói thì có một cái mủng tấp vào mạn. Có tiếng la hốt hoảng:
- Trời ơi! Vợ tôi...
- Mẹ thằng cu Nhắng. Mày xéo đi đâu. Có phải lại dò đi ăn trộm vặt không? Quen cái nết đánh chết không chừa. Cả làng cả tổng đi chống lụt, còn mày...
- Tui... tui...
- Thôi lên xuồng đi. Còn tui tui cái gì nữa.- Đồn phó giục giã.
Người đàn bà đang đẻ bảo với tôi, giọng chị ta nghẹn ngào, van vỉ:
- Chồng tui đó. Ảnh bảo đi kiếm con gà, con vịt chết trôi bồi dưỡng cho tui. Vậy mà đi từ sáng. Tui cứ tưởng...

Tôi kéo khẽ tấm ni lông nhìn ra. Trời ơi! Trong ánh đèn pin loang loáng là người đàn ông gầy cao lênh khênh và cái mủng có mấy con gà chết với buồng chuối xanh.

Anh ta lập bập trèo lên xuồng rồi sà đến sát bên vợ. Người đàn bà lại nhắm nghiền mắt dồn hết sức cho cuộc sinh nở trong lòng xuồng. Ba cái đèn pin chĩa vào...

Đến khi có tiếng khóc oe... oe... của đứa bé thì tất cả mọi người đều thở phào. Còn người đàn ông thì thốt lên một tiếng: “Con ơi”. Không biết có phải vì lạnh, hay vì cái gì nữa mà đứa bé khóc quá trời. Tiếng khóc như xé vải, như tiếng kêu xuyên vào màn đen dày đặc của đêm mưa lũ.

Sương Nguyệt Minh

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

Gương mặt thơ: Đoàn Hữu Nam

(GLO)- Lâu nay, tôi cứ nghĩ, Đoàn Hữu Nam chỉ là người viết văn xuôi lừng danh xứ Bắc. Anh đã từng nhận giải A với tiểu thuyết “Rễ người” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2019; giải A cho tiểu thuyết “Thổ phỉ” năm 2004 do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

Thơ Nguyễn Đình Phê: Trước hồ sen

(GLO)- Bài thơ "Trước hồ sen" của tác giả Nguyễn Đình Phê không chỉ khắc họa vẻ đẹp thanh tao của hoa sen mà còn gợi mở một không gian tĩnh lặng, trầm tư. Nơi đấy con người tạm xa bộn bề ưu phiền, tìm đến sự thành thản tâm hồn...

Những cuốn “sách sống”

Những cuốn “sách sống”

(GLO)- Qua thời gian và với sự phát triển của khoa học công nghệ, cách thức tiếp thu kiến thức từ sách dần thay đổi và đa dạng hơn, từ sách in truyền thống đến sách điện tử, sách nói. Sẽ như thế nào nếu ta được “đọc” một cuốn sách đặc biệt hơn, đó là trò chuyện với người có những trải nghiệm thú vị?