Pleiku: Đô thị giàu tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ ngày 3-12-1929 đánh dấu sự ra đời của thủ phủ “Đại lý hành chính” Pleiku. Hội tụ và kết tinh những giá trị tốt đẹp, suốt 92 năm qua, TP. Pleiku không ngừng vươn mình trỗi dậy, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và là đô thị giàu tiềm năng phát triển ở khu vực Bắc Tây Nguyên.

Những bước tiến vững chắc

Có khá nhiều điều thú vị khi quay ngược thời gian để tìm hiểu về sự phát triển của phố núi Pleiku. Theo sử sách ghi chép lại, khu vực trung tâm Pleiku đầu thế kỷ XX chỉ có các làng đồng bào dân tộc Jrai sinh sống như: Kring Dêr, Blo, Ngo, Ốp, Roh... với làng gốc mang tên Pleiku. Xung quanh đều là rừng rậm bao trùm, cảnh vật khá hoang sơ. Cuộc sống người dân ở đây cứ êm đềm trôi qua như thế cho đến khi thực dân Pháp chiếm đóng. Nhằm đảm bảo an ninh phòng thủ, thực dân Pháp đuổi người dân tộc bản địa ra cư ngụ ở vùng ven. Tháng 5-1925, Pháp thành lập “Đại lý hành chính” Pleiku, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Kon Tum. Đến ngày 3-12-1929, thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum chính thức được thành lập theo Nghị định của Khâm sứ Trung Kỳ. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của đô thị Pleiku.

Tuy nhiên, từ thời điểm đô thị Pleiku thành lập đến năm 1945, thực dân Pháp vẫn không tổ chức bộ máy chính quyền cấp thị xã. Mãi đến sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), chính quyền cấp thị xã ở Pleiku mới được thành lập. Ban đầu, dưới cấp thị xã có cấp vùng, sau một thời gian ngắn thì đổi thành xã, phường.

Trung tâm TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Pleiku trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn

Ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng: Tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình dự thảo Nghị quyết Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo quy hoạch, dân số TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2030 đạt khoảng 585.300 người, đến năm 2040 đạt khoảng 670.000 người. Quy mô đất xây dựng của thành phố đến năm 2030 khoảng 6.000-8.000 ha, trong đó có khoảng 4.500-5.500 ha đất dân dụng; đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 8.000-10.000 ha, trong đó có khoảng 6.000-7.500 ha đất dân dụng. Phạm vi ranh giới quy hoạch thành phố khoảng 35.000 ha gồm: TP. Pleiku 26.077 ha, vùng phụ cận tại huyện Đak Đoa 3.085 ha, vùng phụ cận tại huyện Ia Grai 2.975 ha, vùng phụ cận tại huyện Chư Păh 2.863 ha...

Bước vào công cuộc tái thiết đất nước, Pleiku xuất phát điểm khá thấp, gần như phải xây dựng lại từ cơ sở hạ tầng đô thị đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Đến tận bây giờ, bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 4, phường Phù Đổng) vẫn vẹn nguyên ký ức về hình ảnh đô thị Pleiku ngày mới giải phóng. “Cơ sở vật chất khi ấy hầu như không có gì. Các con đường nhựa ở nội thị như: Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Lê Lợi… khá nhỏ, chỉ vừa 2 làn xe ô tô tránh nhau; còn lại đều là đường đất, mùa khô bụi nhuộm đỏ người, mùa mưa trơn trượt. Điện thắp sáng chạy bằng dầu nên rất yếu; vùng ven nhà cửa thưa thớt, không có điện, chủ yếu thắp đèn dầu. Người dân chúng tôi chủ yếu sản xuất tự cung tự cấp, cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn”-bà Hoa hồi tưởng.

Nhưng rồi, từ đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Pleiku dần trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như khu vực. Có thể nói, mốc son đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của đô thị Pleiku chính là ngày 24-4-1999, khi thị xã được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Với sự nỗ lực không ngừng, 10 năm sau (25-2-2009), thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngày 22-1-2020, TP. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Thật khó để diễn tả niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc của thành phố nói riêng, tỉnh nhà nói chung trong thời khắc đó.

Anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku-chia sẻ: “Tuổi trẻ thành phố rất tự hào khi Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để duy trì và phát huy thành quả đó, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân, đoàn viên, thanh niên thực hiện những công trình, phần việc nhằm phấn đấu giữ vững các chỉ tiêu cũng như xây dựng con người đô thị loại I. Đồng thời, xây dựng các chuyên đề, ý tưởng sáng tạo đổi mới trong đoàn viên, thanh niên để góp phần chung tay cùng thành phố xây dựng nông thôn mới, chính quyền điện tử, đô thị thông minh…”.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Pleiku, ông Ksor Hyuih (75 tuổi, làng Bruk Ngol, phường Yên Thế) không giấu được niềm phấn khởi trước những đổi thay của quê hương. “Pleiku bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Phố phường, đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Với vai trò già làng, mình sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Jrai để xây dựng làng du lịch cộng đồng trong lòng thành phố”-ông Hyuih bày tỏ.

Hướng đến thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”

Đô thị Pleiku hôm nay đã mang trên mình một vóc dáng mới, khang trang và hiện đại. Trên nền tảng vững chắc ấy, cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Ảnh: Phạm Quý
 Nắng sớm Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý


Theo ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng đô thị Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thành phố ưu tiên đầu tư và thu hút kêu gọi đầu tư một số công trình trọng điểm tạo diện mạo khang trang cho đô thị. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, thành phố sẽ đề xuất, kêu gọi đầu tư các trục đường tránh quốc lộ 19, các trục giao thông Bắc-Nam, đường tránh Đông Nam Pleiku, đường Nguyễn Văn Linh, Lý Tự Trọng, Hoàng Sa nối dài… và nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường nội thị hiện có. Ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ, chú trọng xây dựng Trung tâm Thương mại Pleiku; khách sạn và nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo; tổ hợp khách sạn, siêu thị và nhà phố thương mại đường Nguyễn Văn Cừ… Đối với du lịch, thành phố sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các tổ hợp nhà ở sinh thái kết hợp du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe xung quanh những khu vực quy hoạch các miệng núi lửa âm, quy hoạch phát triển du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya. Cùng với đó, duy trì cảnh quan nông nghiệp bên trong và tại các khu vực gần với đô thị nhằm củng cố “hình ảnh đô thị xanh”, tạo sự đa dạng về cảnh quan, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và môi trường sống dễ chịu cho cư dân thành thị. Ngoài ra, thành phố sẽ quan tâm kêu gọi, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải, rác thải đô thị hướng đến mục tiêu một miền đất sinh thái, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

“Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển đô thị, chúng tôi phối hợp cùng Sở Xây dựng hoàn thành việc điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Song song với đó, chúng tôi sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị; kêu gọi, thu hút đầu tư bằng các chính sách mở; tăng cường công tác quản lý đất đai và nhà ở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng thời xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, ngành trong công tác quản lý đô thị theo hướng tăng cường phân cấp cho chính quyền xã, phường… Thành phố cũng đã lựa chọn 10 nhiệm vụ để triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin.

Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Quang Tấn
Đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Quang Tấn


Ngoài ra, hướng tới mục tiêu “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, thành phố còn đặc biệt chú trọng đến quy hoạch, phát triển và mở rộng không gian công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh nâng cấp, cải tạo các công trình sẵn có, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, khai thác tối đa không gian dọc suối Hội Phú, suối Ia Linh với định hướng phát triển không gian xanh và mặt nước; tăng cường thiết kế đô thị, cải tạo chỉnh trang gắn với bảo tồn hệ sinh thái cây xanh các tuyến đường: Hùng Vương, Lê Duẩn… nhằm hình thành các tuyến phố dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng; xây dựng các không gian mở đa dạng với trục cảnh quan du lịch-văn hóa-nghệ thuật đặc trưng kết nối Biển Hồ và núi Hàm Rồng; tạo lập các không gian sinh hoạt cộng đồng...

Với sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, TP. Pleiku sẽ không ngừng đổi thay và phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

 MỘC TRÀ - QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.