Pleiku bảng hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ trước năm 1975, Pleiku đã có rất nhiều thành phần cư dân buôn bán kinh doanh; trong số đó, nổi bật là cộng đồng người Việt, Ấn, Hoa. Trên những con phố chính, nhà san sát nhà, bảng hiệu trưng dày, buôn bán sầm uất… Ngay từ thời kỳ đó, cư dân Pleiku đã có các phương thức kinh doanh rất thức thời, thậm chí có những cách nhận diện thương hiệu độc đáo.

“Má ơi, đến tiệm con gà…”

Hầu như những người sống lâu năm ở Pleiku không ai không biết hình ảnh chú gà trống bằng sắt oai phong “đứng” bên lề đường ở đoạn giữa dốc võng Hội Phú (phường Hội Phú, TP. Pleiku). Những người qua lại nhìn thấy biểu tượng này mỗi ngày bởi chiều cao của nó lên đến gần 2 m. Chỉ có điều, không phải ai cũng tường tận xuất xứ của chú gà đặc biệt ấy.

 

Các tiệm vải của người Ấn thời điểm bảng hiệu toàn tiếng Anh.
Các tiệm vải của người Ấn thời điểm bảng hiệu toàn tiếng Anh.

Tình cờ, từ một cuộc gặp với ông Lê Văn Mã, 64 tuổi (trú tại 500 Hùng Vương, TP. Pleiku, xưa là số nhà 221 Hoàng Diệu), con trai ông chủ cửa hiệu tạp hóa Gà Cồ nổi tiếng một thời, chúng tôi mới có câu trả lời chính xác. Ông Mã kể lại: Ông theo gia đình (gốc Bắc) di cư vào Pleiku từ năm 1958. Bố ông là ông Lê Văn Thăng, mẹ là bà Đỗ Thị Lý. Để có kế sinh nhai trên vùng đất mới, bố mẹ ông quyết định mở một cửa hàng tạp hóa.

Cửa hàng bán đủ thứ thượng vàng hạ cám: từ gạo, phân bón, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… đến thuốc tây, thuốc bắc, dầu lửa, than, mắm muối… Tiệm tạp hóa ban đầu lấy tên Trung Tín, khá đông khách nhờ giá rẻ, uy tín, mua 9 bán 10… Tuy nhiên, nhận thấy đối tượng khách hàng là người dân tộc thiểu số thời bấy giờ nhiều người không biết chữ, khó xác định vị trí cửa hàng khi được người quen chỉ dẫn đến mua, ông Thăng quyết định làm biểu tượng một chú gà cồ cao đến gần 2 m bằng gỗ và bìa các-tông, sau đó cắm trụ đặt sát mép đường trước nhà để khách hàng nhìn từ xa là đã biết. Vì sao lại là gà cồ mà không phải là con vật nào khác? “Theo bố tôi kể lại, đó là vì con gà cồ thường siêng năng, dậy sớm gọi người thức giấc. Con gà cồ cũng rộng rãi, phóng khoáng, khi tìm được thức ăn thường gọi gà mái và gà con đến ăn cùng chứ không bao giờ ăn một mình. Vì thế, bố tôi rất thích biểu tượng này”-con trai ông chủ cửa hiệu lý giải.

Giờ ngồi nhớ lại chuyện về người cha đã qua đời khá lâu, ông Mã vẫn không ngừng thắc mắc: “Ông cụ mới học hết bậc tiểu học thôi, mà không hiểu sao thời đó lại có ý tưởng kinh doanh hay vậy?”. Chưa hết, ông cụ còn viết lên tường nhà ở mặt tiền 2 câu thơ tự chế: “Má ơi, đến tiệm con gà/Mua hàng giá hạ, có quà con ăn”. Lý do: ông chủ cửa hiệu rất thích con nít, hễ thấy khách dắt hoặc địu con đến mua hàng là lấy kẹo bánh ra “khuyến mãi”. Có lẽ vì cách bán buôn quá dễ thương nên khách mỗi lúc một đông. Có những ngày ông chủ tiệm phải đi bộ đến 3-4 chuyến lên chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku) lấy hàng mới đủ bán.

Sau 1975, gia đình mở lại tiệm tạp hóa nhưng không còn cái không khí bán buôn như trước nên chuyển sang mở cơ sở xay xát. Năm 1978, ông Mã học nghề cơ khí rồi mở tiệm cơ khí tại đây và lấy luôn cái tên Gà Cồ, thương hiệu nổi tiếng gần 20 năm qua của gia đình. Lúc này, chú gà cồ bằng gỗ, sau nhiều thăng trầm thời cuộc, đã được thay bằng một chú gà sắt. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sau công cuộc đường thông hè thoáng, chú gà “bay” lên ban công đứng. Làm xưởng cơ khí 13 năm, ông Mã và gia đình chuyển sang kinh doanh thời trang.

Điều đáng nói, “Gà Cồ” từ chỗ chỉ là một cách nôm na để nhận diện vị trí bán buôn đã trở thành “thương hiệu độc quyền”. Chưa kể, đây đã trở thành tên xóm trong cách gọi của cư dân Pleiku đối với những hộ trong khu vực này-xóm Gà Cồ, cũng như xóm Diệp Kính hay xóm chợ Nhỏ bây giờ. Dốc Hội Phú đoạn từ đường Nguyễn Viết Xuân đến ngã 3 Phù Đổng cũng nghiễm nhiên được gọi là dốc Gà Cồ. Có lẽ cái ngày dựng biểu tượng chú gà trứ danh ấy, ông cụ thân sinh của ông Mã đã không ngờ rằng mình sẽ ghi một dấu ấn sâu đậm vào ký ức của người Pleiku.

Chút dư vị quá khứ

Trò chuyện cùng P.V, ông Nguyễn Quang Hiền (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), người sinh sống tại Pleiku từ những năm 1960 và rất am hiểu về vùng đất này, khá hào hứng khi chia sẻ kiến văn và hình ảnh mà mình sưu tầm được quanh chuyện những tấm bảng hiệu cũ. Chúng là vật chứng cho tư duy kinh doanh mới mẻ, thức thời chẳng thua chị kém em của cư dân Pleiku bấy giờ.

Ông Hiền nhớ lại, cùng với người Việt, 2 nhóm cộng đồng làm nên bộ mặt giao thương sầm uất của Pleiku trước 1975 là người Ấn và người Hoa. Người Ấn nổi tiếng với các cửa hàng vải vóc nằm trải dọc trên đường Hoàng Diệu đoạn từ Nguyễn Thái Học đến Phan Bội Châu. Các tiệm vải này được biết đến với những bảng hiệu bằng tiếng Anh rất thu hút về mặt thị giác như: Happy, Star, New Delhi, New Bombay, New India… “Những năm 1970, chính quyền lúc bấy giờ yêu cầu các bảng hiệu kinh doanh không được để tiếng Anh mà phải Việt hóa. Thế là lục tục thay đổi bảng hiệu: Happy thành Hạnh Phúc; Star-Tinh Tú; New Dehli-Tân Delhi; New Bombay-Tân Bombay, New India-Ấn Độ Mới… Sau năm 1975, hầu như những chủ tiệm người Ấn này đều rời khỏi vùng đất cao nguyên để lập nghiệp nơi khác”-ông Hiền cho biết.

Cũng không thể không kể đến cộng đồng người Hoa với những đóng góp rất đáng kể cho sự hình thành văn hóa kinh doanh ở Phố núi. Họ buôn bán đa dạng, với những cái tên Hán-Việt trên bảng hiệu: Chấn Hưng, Hiệp Phát (chuyên kinh doanh tạp hóa), Xuân Lợi, Hào Huê (tiệm ăn-billiards), Mỹ Vị, Quốc Tế, Đại Chúng (tiệm ăn), Bảo Xuân Thọ, Tế Phước Đường (thuốc Bắc)… Vốn là những người nổi tiếng giỏi bán buôn, họ thường chọn kinh doanh trên những con phố chính, nhất là gần khu vực chợ Mới. Và hiện giờ, vẫn có thể tìm thấy những cửa hiệu này, sau hàng chục năm ra đời như: Vĩnh Lợi, Tế Phước Đường, Nhơn Thọ Đường, Mỹ Tâm… Đáng chú ý, tiệm Cơm gà Mỹ Tâm 1 trên đường Quang Trung, ngay ngã ba Diệp Kính, gần như không thay đổi gì về hình thức, kết cấu của ngôi nhà từ mấy mươi năm nay, có chăng chỉ sơn phết lại. Phải chăng họ hoài cổ? Phải chăng họ muốn giữ lại chút dư vị quá khứ cho những thực khách đến đây? Có thể nói, đó cũng là một cách làm thương hiệu rất độc đáo.

Giờ đây, lang thang trên đường phố Pleiku nhộn nhịp, sôi động từng giờ, người ta khó có thể tìm lại các cửa hàng với những tấm bảng hiệu xưa cũ gợi những bâng khuâng. Thì ngắm những tấm hình cũ vậy. Nhìn lại, đó là cách để ta thêm trân trọng lịch sử một vùng đất và yêu hơn những gì mình đang có.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.