(GLO)- Sự kiện 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức ký kết hợp tác phát triển tuyến du lịch thác Phú Cường-hồ Ayun Hạ-Di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi vào đầu tháng 11 vừa qua được xem là động thái tích cực, mở ra triển vọng cho vùng đất đầy tiềm năng này.
Đánh thức vùng thắng cảnh, di tích
Nằm cách TP. Pleiku khoảng 45 km về phía Đông Nam, thác Phú Cường (xã Dun, huyện Chư Sê) có độ cao chừng 45 m, nằm giữa không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi có dịp ghé thăm Gia Lai.
Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm về trước. Để đặt chân xuống thác nước kỳ vĩ này, du khách sẽ qua một hệ thống cầu thang dài bằng sắt rất chắc chắn. Bên dưới là hàng trăm phiến đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau với những hình thù kỳ thú. Không gian càng thơ mộng khi giữa tiếng nước reo là tiếng chim muông véo von trên các cành cổ thụ gần đó.
Thêm một điều tuyệt vời khác là nơi đây luôn có sự xuất hiện của cầu vồng. Khi nắng lên chiếu ngang qua làn hơi nước, chiếc cầu vồng xuất hiện khiến du khách không khỏi trầm trồ. Có lẽ vì vậy mà đây được xem là một trong những ngọn thác đẹp nhất ở cao nguyên Gia Lai. Tuy nhiên, sự tráng lệ, nguyên sơ và kỳ vĩ của thác Phú Cường vẫn như một “nàng công chúa ngủ trong rừng” chưa được đánh thức.
Di tích Plei Ơi. Ảnh: Đ.P |
Theo quốc lộ 25, xuống dưới chân đèo Chư Sê là vùng đất Hỏa xá nơi có Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Nơi đây còn in đậm huyền tích về các đời Vua Lửa sở hữu thanh gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Cạnh đó là hồ Ayun Hạ, công trình đại thủy nông lớn bậc nhất Tây Nguyên. Lòng hồ thoáng rộng với diện tích hơn 37 km2, dung tích trung bình 253 triệu m3 nước, tạo không gian mát mẻ, khí hậu trong lành.
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai (nay đã sáp nhập vào Công ty cổ phần Gia Lai CTC)-bồi hồi nhớ lại: “Gần 20 năm trước, chúng tôi đã tổ chức tour du lịch từ thác Phú Cường “phượt” xuyên rừng khoảng 5 cây số xuống hồ Ayun Hạ, rồi lên thuyền du ngoạn lòng hồ thưởng thức trời mây, sông nước. Sau đó, du khách xuôi theo dòng chảy xuống đập chính của hồ Ayun Hạ. Phía bên kia chân đập là Di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi. Thậm chí, trước đây, chúng tôi còn tổ chức cho khách Tây cưỡi voi băng rừng từ suối Ia Hlốp sang thác Phú Cường rồi xuôi về Di tích Plei Ơi, vào thăm nhà Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh để nghe ông kể về truyền thuyết thanh gươm thần và lễ cúng cầu mưa của các đời Vua lửa. Tiếc là vì nhiều lý do mà tour du lịch này buộc phải tạm dừng”.
Ông Rơ Lan Hieo-phụ tá vua lửa thứ 14 tái hiện lễ cúng cầu mưa ở Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đ.P |
Mở cánh cửa đầu tư du lịch
Theo chương trình hợp tác giữa huyện Chư Sê và Phú Thiện, lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất trình cấp thẩm quyền chủ trương xây dựng đề án liên kết phát triển du lịch. Trong đó, dựa trên tiềm năng sẵn có của từng địa phương và sự tương quan về địa lý, văn hóa, 2 bên xây dựng kế hoạch phát triển và mở tour du lịch phù hợp. Đầu tiên, đến Chư Sê, du khách sẽ tham quan thác Phú Cường nằm cách thị trấn Chư Sê khoảng 3 km. Sau khi hòa mình vào thiên nhiên với cây rừng, thác nước trong tiểu vùng sinh thái khí hậu trong lành, thoáng mát, du khách di chuyển xuống lòng hồ Ayun Hạ theo quốc lộ 25. Từ thác Phú Cường đến xã Hbông khoảng 12 km, rẽ vào đường xuống hồ Ayun Hạ khoảng 4 km (song song khu vực Di tích Chiến thắng Plei Ring). Tại khu vực lòng hồ có các hạng mục như: cầu tàu, thuyền rồng, nhà hàng nổi, bãi đỗ xe, khu ngắm cảnh, nhà nghỉ dạng bungalow bằng gỗ hoặc mây, tre nứa, đặc biệt dự kiến xây dựng trường đua xe địa hình ở đây.
Sau khi tham gia các dịch vụ, du khách sẽ được đưa về bờ đập Ayun Hạ (thuộc huyện Chư Sê) bằng thuyền rồng để tiếp tục tour của huyện Phú Thiện. Ngoài ra, từ khu vực thác Phú Cường đến hồ Ayun Hạ còn có thể phát triển loại hình du lịch trekking vốn được các bạn trẻ ưa thích. Loại hình này hiện đã được một doanh nghiệp du lịch của tỉnh đăng ký khảo sát để đưa vào hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Ông Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy Chư Sê-tiết lộ thêm, gần đây có một doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng đầu tư vào thác Phú Cường với rất nhiều hạng mục để đánh thức “nàng công chúa” kiều diễm này.
Du thuyền trên hồ Ayun Hạ. Ảnh: Đ.P |
Chưa hết, từ bến thuyền giáp chân đập hồ Ayun Hạ (thuộc huyện Phú Thiện), du khách tiếp tục đi bộ đến chùa Quang Sơn (xã Ayun Hạ) để tham quan, sau đó chèo thuyền từ kênh chính hồ Ayun Hạ đến Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Tại đây, du khách có thể đi bộ hoặc đi ô tô điện tham quan núi Chư Tao Yang, bến nước, khu vực nhà mồ các Vua Lửa, thăm nhà Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh, khu vực ao Ơi Y, tham quan 33 ngôi nhà sàn truyền thống. Du khách cũng sẽ có cơ hội chứng kiến quang cảnh phục dựng lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui-di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận năm 2015. Và còn gì hơn khi được tham quan hồ sen mênh mông ở xã Ia Yeng, cách Di tích Plei Ơi khoảng 30 km, sau đó di chuyển khoảng 20 km về xã Ia Piar để chứng kiến lễ rước nước và thưởng thức các món ăn truyền thống tại Plei Rbai. Theo Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành, huyện đã kêu gọi đầu tư, tu bổ 33 căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Jrai tại làng Vua Lửa và vận động người Jrai bản địa cùng làm du lịch homestay.
Góp ý về chương trình hợp tác du lịch của 2 huyện, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng cả 3 địa danh trên tuyến du lịch này vốn đã có sức hút rất lớn đối với du khách, vì vậy nên liên kết và hình thành tour du lịch kết hợp lưu trú ở Chư Sê 2 ngày, Phú Thiện 1,5 ngày. “Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh có việc lãnh đạo 2 huyện cùng ký kết làm du lịch. Chúng tôi rất hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện tập huấn, bồi dưỡng nhân lực cho 2 địa phương, kể cả đào tạo người dân tại chỗ làm du lịch”-ông Hoàng cho hay.
ĐỨC PHƯƠNG