Phú Thiện tổng kết mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 6-10, Hội Nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổng kết mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ tại thị trấn Phú Thiện.

Mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ được Hội Nông dân huyện Phú Thiện triển khai từ tháng 6-2022 bằng nguồn vốn Khoa học công nghệ huyện trên quy mô 27 ha với 23 hộ tại tổ dân phố 10 (thị trấn Phú Thiện) tham gia. Tổng kinh phí mô hình hơn 858,9 triệu đồng; trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 385 triệu đồng, Nhân dân đối ứng hơn 473,9 triệu đồng.

Mô hình sử dụng 100% phân bón hữu cơ do Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ cung ứng. Trong quá trình triển khai, Hội Nông dân huyện phối hợp với Công ty tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho 100 nông dân, tổ chức hội nghị tham quan học tập, hội thảo đầu bờ cho 120 lượt hội viên nông dân của huyện; đồng thời, mời cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, các chuyên gia về cây lúa thường xuyên kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Hội Nông dân huyện Phú Thiện cùng các Công ty, doanh nghiệp, bà con nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Chi
Hội Nông dân huyện Phú Thiện cùng các doanh nghiệp, bà con nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Chi

Ban Chủ nhiệm mô hình đã huy động đồng loạt các máy cơ giới làm đất, sạ lúa, bơm thuốc, bón phân cùng thời điểm; trong đó, ứng dụng máy bay không người lái thử nghiệm trong các khâu gieo sạ và bơm thuốc. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, sự tin tưởng, đồng hành của người dân triển khai thực hiện dự án theo đúng quy trình, toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bông lúa dài, cứng cây; đặc biệt trước ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, diện tích lúa bị ngã đổ rất ít. Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, 27 ha lúa tham gia mô hình đã được thu hoạch, bình quân năng suất lúa tươi đạt 7,5 tấn/ha.

Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã cam kết thu mua toàn bộ sản lượng lúa tham gia mô hình với giá 7.500 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư, bà con lãi trên 27 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1-2 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Sau khi tham quan cánh đồng lúa ST24, các đại biểu đã dự hội nghị tổng kết để cùng nhau thảo luận những thuận lợi, khó khăn khi tham gia mô hình. Với hiệu quả mô hình mang lại, nhiều xã đã đăng ký tham gia mô hình trong thời gian tới. Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển cam kết bao tiêu cho bà con với sản lượng khoảng 1.000 tấn/vụ với giá cả thỏa thuận từ đầu vụ. Đây được coi là một cơ hội để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

(GLO)- Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hòa tổ chức tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn xã với sự tham gia của các hợp tác xã và 25 hộ trồng chanh dây trên địa bàn.

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.