(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Phú Thiện (Gia Lai) tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương và xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Nhờ vậy, huyện đã tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực
Ông Trịnh Xuân Cầu-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hiao-cho hay: Nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã có bước phát triển tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, hình thành chuỗi liên kết, phát triển kinh tế vườn hộ, nhân rộng cánh đồng một giống đối với cây lúa, tăng diện tích sản xuất rau an toàn. Đến nay, trong sản xuất lúa nước, địa phương đã cơ giới hóa trên 94% khâu làm đất và thu hoạch. Xã có 80 ha lúa trồng theo cánh đồng lớn một giống, chiếm 11,47% diện tích lúa 2 vụ; có 5 ha rau an toàn, chiếm 12,9% diện tích đất trồng rau màu trên địa bàn.
Nông dân xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) thu hoạch lúa. Ảnh: M.N |
“Nghị quyết Đảng bộ xã đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là nhân rộng cánh đồng lúa một giống từ 80 ha lên 150 ha, tăng diện tích rau an toàn từ 5 ha lên 8 ha. Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng lúa, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho nông dân sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đảng bộ xã quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp”-ông Cầu nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh. Trong đó, cánh đồng mía lớn thực hiện cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí, nâng cao sản lượng. Hàng năm, huyện duy trì 1.200 ha cánh đồng lớn đối với cây lúa, 180,7 ha mía và 15 ha rau màu. Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp đưa một số cây trồng mới vào thí điểm, nhân rộng, từng bước xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ các nhà máy thu mua và chế biến nông sản. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện-Gia Lai” (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận), qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết thêm, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu gắn với thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã được sử dụng nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện-Gia Lai” để nâng cao giá trị sản phẩm trên diện rộng. Huyện cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, không để hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào địa bàn gây thiệt hại cho người dân.
Tiếp tục nâng tầm thương hiệu
Theo ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu sản xuất gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo nên chuỗi giá trị nhằm tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hộ trồng rau sạch cho thu nhập cao. Ảnh: Minh Nguyễn |
Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cho biết, huyện đã xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện-Gia Lai” với 1.200 ha cánh đồng lớn lúa một giống. Huyện cũng đã triển khai thí điểm trồng 15 ha xoài bản địa ghép xoài Úc trên địa bàn các xã Chư A Thai, Ia Piar, Chrôh Pơnan, hướng đến việc nhân rộng 180 ha xoài bản địa có trong dân. Ngoài ra, huyện cũng được doanh nghiệp “đặt hàng” trồng 200 ha xoài, 300 ha dứa và 500 ha bắp ngọt, rau an toàn. “Huyện đang cùng doanh nghiệp xúc tiến thí điểm các mô hình này, nếu đạt hiệu quả sẽ tổ chức nhân rộng. Cùng với đó, huyện xây dựng đề án sản xuất lúa giống từ 10 ha lên 20 ha, hướng đến cung cấp giống chất lượng cho 6.000 ha lúa của địa phương. Làm được điều đó cũng có nghĩa đã giải được bài toán năng suất cao, chất lượng thấp; chất lượng cao, năng suất thấp tồn tại nhiều năm nay tại địa phương”-ông Đỗ Ngọc Thành khẳng định.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Phú Thiện, phát triển mạnh nông nghiệp nhưng phải nâng lên tầm cao mới, hướng đến việc xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt quan tâm công tác nhân giống. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy nên việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị và thu nhập cho người dân trên địa bàn.
MINH NGUYỄN