Phụ nữ xã Ia Băng: Nhiều mô hình hiệu quả, ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để từng bước giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Băng (huyện Chư Prông) đã duy trì các câu lạc bộ: “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”.
Giúp hội viên tiết kiệm
Sau 1 năm tham gia Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, chị Kpă Bem (làng Bak Kuao) đã tiết kiệm được 1,2 triệu đồng, đủ tiền mua chiếc xe đạp cho con gái đang học lớp 7. Trước đây, chị Bem là công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Hiện chị đã nghỉ hưu với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Năm 2017, khi tham gia CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, mỗi tháng sau khi nhận lương hưu, chị tiết kiệm 100 ngàn đồng đem đến gửi Chủ nhiệm CLB. “1 năm sau, mình đã có đủ tiền mua xe đạp cho con gái và năm tiếp theo mình mua bảo hiểm y tế cho chồng. Năm nay, mình dự định sẽ dùng số tiền tiết kiệm được để mua vài con heo về nuôi”-chị Bem phấn khởi cho biết.
Chị Kpă Bem (ở giữa; xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã mua được xe đạp cho con gái nhờ tham gia CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Ảnh: A.H
Chị Kpă Bem (ở giữa; xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã mua được xe đạp cho con gái nhờ tham gia CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Ảnh: A.H
Bà Nguyễn Thị Ánh Hường-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Băng-cho hay: Hầu hết hội viên là người dân tộc thiểu số và chị em vẫn chưa có thói quen tiết kiệm. Làm được bao nhiêu chi tiêu hết bấy nhiêu, khi nào có việc cần họ lại đi vay mượn, đi mua nợ ở các hàng quán. Thậm chí, có hội viên mỗi năm thu cả trăm triệu đồng từ cà phê, mì nhưng cuối năm cũng chẳng dư dả. Với mục đích giúp hội viên hình thành thói quen tiết kiệm, biết chi tiêu hợp lý, năm 2017, CLB đã được thành lập. 15 hội viên đều thống nhất quyết tâm sẽ tiết kiệm 100-200 ngàn đồng/người/tháng và giao cho Chủ nhiệm CLB quản lý bằng cách gửi sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bà Kpă Gơch-Chủ nhiệm CLB tại chi hội Phụ nữ làng Bak Kuao-thông tin: “Năm đầu tiên, số tiền tiết kiệm của các hội viên được trên 29 triệu đồng, có chị đã dùng vào việc mua xe đạp cho con đến trường, mua bếp gas, ti vi, mua heo, gà về nuôi để cải thiện cuộc sống”.
Nhận thấy hiệu quả mà CLB mang lại, năm 2019, Hội LHPN xã tiếp tục ra mắt thêm 1 CLB ở làng Phun Thanh với 10 hội viên. Hiện tại, cả 2 CLB đều duy trì số tiền tiết kiệm 100-200 ngàn đồng/hội viên/tháng. Bà Kpă An-Chủ nhiệm CLB tại làng Phun Thanh-cho biết: “Nếu gửi ngân hàng thì phải đến kỳ hạn mới rút được nên chị em muốn nhờ Chủ nhiệm CLB giữ tiền mặt. Hội viên nào khó khăn, cần vay mượn trong thời gian ngắn để giải quyết việc gia đình thì có thể mượn tạm, tránh đi vay nóng, lãi suất cao. Hơn nữa, khi nào hội viên thấy số tiền tiết kiệm đã đủ để mua các vật dụng như dự định thì sẽ rút ra”.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Cùng với việc nhân rộng CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, năm 2019, Hội LHPN xã Ia Băng còn thành lập CLB “Phụ nữ với an toàn giao thông” tại thôn Phú Mỹ. Theo bà Hường, sở dĩ thành lập CLB tại đây là vì các hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 14 khá đông, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên trục đường nhiều, luôn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Chưa kể, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan theo kiểu đi gần không cần đội mũ bảo hiểm hay tiện đường cho đi nhờ xe dù biết chở 3, chở 4 là sai luật.
Các thành viên câu lạc bộ phụ nữ với an toàn giao thông tại lễ ra mắt. Ảnh: A.H
Các thành viên câu lạc bộ phụ nữ với an toàn giao thông tại lễ ra mắt. Ảnh: A.H
Cứ 3 tháng CLB lại tổ chức sinh hoạt 1 lần, trong đó lồng ghép tuyên truyền về việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và cả những vấn đề đang phát sinh trên địa bàn. Bà Trương Thị Ánh cho biết: “Tham gia CLB, tôi thấy mình có thêm kiến thức bổ ích về pháp luật và cũng học hỏi được nhiều điều từ những chị em khác. Mỗi khi khoác lên người chiếc áo của CLB, bản thân tôi thấy cần làm gương và có trách nhiệm hơn để những người xung quanh nghe theo, làm theo”.
Qua gần 1 năm thành lập, số hội viên đăng ký tham gia CLB ngày một tăng; ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của hội viên nói chung, người dân nói riêng được nâng lên rõ rệt. Bà Phạm Thị Thanh Thủy-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Phú Mỹ kiêm Chủ nhiệm CLB-nhận xét: “Mỗi hội viên CLB đều trở thành tuyên truyền viên nhiệt tình, tích cực. Không chỉ nhắc nhở người thân, các chị còn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành luật khi tham gia giao thông. Người dân trong thôn giờ đây dù đi gần hay đi xa, chỉ cần ngồi lên xe gắn máy là đội mũ bảo hiểm, tình trạng chở 3, chở 4 cũng không còn”.
Xã Ia Băng có 1.270 hội viên tham gia sinh hoạt tại 6 thôn, làng, trong đó, hội viên dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Ngoài CLB “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”, thời gian qua, Hội còn duy trì các mô hình: “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Mỗi hộ một vườn rau và cây ăn quả”. Bà Siu H’Thoan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông-đánh giá: “Nhìn chung, các CLB từ khi thành lập đến nay đều hoạt động rất hiệu quả và được hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Riêng CLB “Phụ nữ với an toàn giao thông” đã giúp chị em nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ để bảo vệ bản thân, gia đình, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.