(GLO)- Từ nhiều năm nay, các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mang Yang đã nỗ lực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bằng nhiều mô hình hiệu quả.
Nhiều mô hình hiệu quả
Hiện nay, Hội LHPN huyện Mang Yang có 11.338 hội viên đang sinh hoạt tại các chi-tổ Hội. “Chúng tôi rất phấn khởi khi hàng năm, số hội viên vẫn không ngừng tăng lên ở 13/13 tổ chức cơ sở Hội. Chủ đề thi đua năm 2017 là “Năm hội viên” là một thuận lợi để Hội LHPN huyện hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua”-bà Đinh Thị Lệ-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang, cho biết.
Huyện Mang Yang tổ chức dạy dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ xã Kon Thụp. Ảnh: Đức Thụy |
Cũng theo bà Lệ, việc chị em tham gia vào Hội ngày càng nhiều là nhờ quá trình nỗ lực hoạt động của những người làm công tác Hội. Trong đó, Hội LHPN huyện Mang Yang đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ giúp hội viên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.Từ nhiều năm nay, mỗi chi-tổ Hội phụ nữ đều tạo điều kiện giúp đỡ 1-2 hội viên nghèo bằng nhiều phương thức như vần đổi công, giúp con giống, cây giống và các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, các chi hội còn duy trì nhiều mô hình như: “Kho thóc tình thương”, “Nuôi bò tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Kho cà phê”... để giúp đỡ hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
“Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 29 “Kho thóc tình thương” với 48 tấn thóc để giúp gần 150 lượt chị em vay. Riêng tại xã Kon Chiêng, Hội LHPN xã đã gây quỹ để mua bò giao cho các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn nuôi rẽ. Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Kho cà phê” cũng được các chi-tổ Hội duy trì và hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, các tổ “Góp vốn xoay vòng” được Hội LHPN huyện duy trì với số tiền lên tới gần 1,5 tỷ đồng để tạo nguồn vốn cho chị em có nhu cầu vay phát triển kinh tế. Không những thế, Hội LHPN huyện đánh giá rất cao tinh thần giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn của các hội viên. Điển hình là mới đây, chi hội làng Roh (xã Lơ Pang) đã vận động chị em quyên góp được 500 kg gạo và 200 ngày công giúp đỡ gia đình chị Nanh khi căn nhà của chị không may bị cháy. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất thì đây còn là sự động viên lớn về mặt tinh thần cho các hội viên để từ đó, chị em thấy được ý nghĩa khi tham gia vào tổ chức Hội”-bà Đinh Thị Lệ cho biết thêm.
Chỗ dựa bền vững của hội viên
Với đa số chị em phụ nữ, khi có một chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất lúc khó khăn, hoạn nạn là điều rất đáng quý. Như trường hợp chị Lê Thị Thu (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng), Hội thực sự trở thành một điểm tựa vững chắc. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo bởi không có vốn làm ăn, lại phải nuôi 2 con ăn học. Thấy hoàn cảnh của chị như vậy, các chị em hội viên đã vận động chị vào Hội để Hội có điều kiện giúp đỡ...
Từ ngày vào Hội, cuộc sống của gia đình chị Thu đã dần thay đổi. Chị xúc động nói: “Đầu tiên thì Hội là nơi động viên tinh thần cho tôi những lúc cuộc sống bế tắc. Sau nữa, Hội đã giúp tôi bằng nhiều việc làm thiết thực như tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, vay vốn từ nguồn vốn xoay vòng của Hội... Chính những nguồn vốn này đã giúp tôi phát triển kinh tế gia đình. Từ chỗ là một hộ nghèo không có nguồn thu nhập, đến nay, tôi đã trồng được 300 trụ hồ tiêu cho thu nhập cao”. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, nuôi các con học hành đến nơi đến chốn, chị Thu còn có điều kiện giúp đỡ các chị em khác về vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị khi tham gia tổ chức Hội.
Có thể thấy, những năm qua, Hội LHPN huyện Mang Yang đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình mang lại hiệu quả cao. Kết quả này có được là nhờ vào tâm huyết của những người làm công tác Hội. Bà Trịnh Thị Liên-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kon Dơng, nói: “Giúp chị em cũng như giúp bản thân mình bởi cùng là phụ nữ thì dễ đồng cảm với nhau. Tôi nghĩ, làm công tác Hội thì phải thực sự có tâm, phải coi chị em hội viên như ruột thịt của mình. Có như vậy, mỗi chi-tổ Hội mới đúng là một mái nhà chung, một chỗ dựa vững bền cho chị em”.
Nguyễn Giang