Phụ nữ Chư Pưh thoát nghèo nhờ mô hình "3 biết, 2 hỗ trợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên để hỗ trợ phương tiện sinh kế và kiến thức, giúp chị em thoát nghèo bền vững là cách làm thiết thực được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Pưh triển khai hơn 1 năm nay.
Thiếu tư liệu sản xuất, vợ chồng chị Siu H'Brăm (làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa) đã rất vất vả để có cuộc sống gia đình ổn định, đặc biệt là lo cho 4 người con ăn học và mẹ già đau ốm. Vợ chồng anh chị chăm chỉ chăm sóc vườn mì, ruộng lúa ít ỏi rồi đi làm thuê nhưng gia đình cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Đầu năm 2018, gia đình chị được Hội LHPN thị trấn chọn tham gia mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” và trao 1 con dê gần tới kỳ sinh sản để làm tư liệu sản xuất.
 Chị Siu H'Brăm (làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chăm sóc con bò của gia đình. Ảnh: B.L
Chị Siu H'Brăm (làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chăm sóc con bò của gia đình. Ảnh: B.L
Từ khi được cấp con giống, 4 người con của chị có việc để phụ giúp bố mẹ sau mỗi giờ lên lớp và trở nên chăm ngoan hơn. Nhờ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh thường xuyên của Hội nên dê sinh sản đều và khỏe mạnh. Đầu năm nay, anh chị quyết định bán đàn dê để mua bò, nâng cao giá trị kinh tế gia đình. Chị H'Brăm phấn khởi nói: “Hiện nay, cháu lớn đã tốt nghiệp lớp 12 và làm công nhân ở Bình Dương, 3 cháu còn lại sau khi đi học về vẫn chăm chỉ thay nhau đi chăn thả gia súc, giúp bố mẹ có thời gian đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Gia đình tôi giờ đã thoát nghèo”. Cũng theo chia sẻ của chị H'Brăm, chồng chị mới phát hiện bị bệnh xơ gan nên gia đình rất hoang mang. Tuy nhiên, nhờ sự gần gũi, động viên của chị em trong chi hội nên chị đã bình tâm hơn và khuyên chồng an tâm điều trị.
Cách đây 3 năm, chồng chị Đoàn Thị Liên (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa) bị tai nạn giao thông liệt nửa người. Chị phải bán đất, bán bò chạy chữa cho chồng. Thấy cuộc sống gia đình chị Liên rơi vào cảnh khốn khó, đầu năm 2019, Hội LHPN thị trấn đã quyết định giúp đỡ thông qua mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Sau khi tìm hiểu nhu cầu của gia đình, Hội LHPN thị trấn quyết định hỗ trợ chị Liên mua một con bò. Đến nay, con bò sinh trưởng khỏe mạnh và sắp bước vào thời kỳ sinh sản, gỡ khó phần nào về kinh tế cho gia đình chị.
Bằng cách gần gũi, biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên, Hội LHPN huyện Chư Pưh đã giúp đỡ hàng chục hội viên thông qua mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Trong năm 2018, toàn huyện đã ra mắt được 13 mô hình tại 9/9 xã, thị trấn, giúp đỡ 17 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Những hội viên được trao sinh kế phải thông qua sự lựa chọn kỹ càng, đáp ứng yêu cầu gắn bó với sinh kế để tạo ra những tấm gương điển hình tiên tiến cho chị em tại các khu dân cư phấn đấu học tập.
Trong năm 2019, nhờ sự tích cực trong vận động nguồn lực từ nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ, Hội LHPN huyện Chư Pưh đã trao sinh kế gồm giống cây trồng, vật nuôi cho 10 hội viên, giúp 4 hộ hội viên thoát nghèo bền vững. Chị Kpă H'Mi -Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Djriêk-bày tỏ: “Chị em hội viên trong làng hưởng ứng tích cực mô hình này vì nó rất thực tế. Những chị em chưa được hỗ trợ thì phấn đấu siêng năng hơn để được lựa chọn. Những chị em có điều kiện hơn thì tích cực tham gia bằng cách đóng góp quỹ để giúp đỡ thêm nhiều gia đình khó khăn, góp phần vào sự phát triển chung của thôn, làng mình”.
Trao đổi thêm về kế hoạch nhân rộng mô hình này, bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh-cho biết: “Những kết quả ban đầu của mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” thể hiện nỗ lực lớn trong công tác dân vận  của các cấp Hội trên địa bàn. Để làm tốt hơn nữa, chúng tôi yêu cầu các cấp Hội rà soát, lập danh sách và tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh từng gia đình để có sự hỗ trợ thiết thực, đồng thời nhanh chóng nhân rộng mô hình này”. Hiện nay, Hội LHPN huyện đang tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên là thành viên của mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” đăng ký giúp đỡ những hội viên khó khăn tại nơi cư trú, giúp chị em cùng phát triển, ổn định cuộc sống.
 BẢO LAM

Có thể bạn quan tâm

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

(GLO)- Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi qua mỗi ngày. Khi ta biết cách nhân lên niềm hạnh phúc, cuộc sống trở nên ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn. Đó là cách mà nhiều gia đình đang tạo lập cũng như chung tay gìn giữ.

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta chứng kiến những cô gái tưởng chừng yếu đuối, nhưng lại trở thành trụ cột vững chãi cho gia đình khi biến cố ập đến. Đối mặt với khó khăn, bằng nghị lực phi thường, họ xây dựng tương lai cho những người thân yêu.

Ảnh minh họa: GOLDYNGOC

“Không đâu bằng về nhà”

(GLO)- Chiếc xe vừa chớm tới đèo An Khê, một hành khách bật thốt lên: “Tới đèo An Khê cũng coi như về tới nhà, thật nhẹ hết người!”. Câu nói đã nhận được sự đồng tình của nhiều người khác: “Ừ, đúng vậy”, “Mình cũng thấy thế”, “Không đâu bằng về nhà”...