Phơi bày bí mật về "thầy Quảng Lâm" bên ngôi biệt thự xa hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau vài lần hỏi đường, ngôi biệt thự trông rất xa hoa của “thầy lang” hiện ra trước mắt chúng tôi. Đang hướng dẫn tốp thợ thi công sân vườn, hồ bơi trong khuôn viên ngôi nhà mới, thấy có người lạ tới, người đàn ông dáng vẻ thấp đậm nhưng đôi mắt đảo vòng rất nhanh, cất giọng hỏi: “Đến bốc thuốc à?
Không chứng chỉ hành nghề, không kê đơn bắt mạch, chỉ cần vài thủ thuật đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội, “thầy lang” tự phong Quảng Lâm (tên thật là Nguyễn Thanh Sơn) đã bán thuốc online với giá cao cho rất nhiều người. Con đường khiến bệnh nhân (BN) trở thành nạn nhân của“thầy lang” này chỉ cách nhau một cú nhấp chuột…
Nhiều tháng qua, không ít cư dân mạng đồn đoán, xen lẫn phẫn nộ trên facebook về một người tên Quảng Lâm, ở thôn Phú Gia, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa tự xưng là thầy thuốc chữa khỏi nhiều căn bệnh mà y học hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu. Trong số đó, có rất nhiều người đã bị đẩy vào cảnh tiền mất tật mang. Để hiểu rõ thực hư, chúng tôi quyết định tìm đến nhà “thầy lang” này.
Chữa được bá bệnh?
Sau vài lần hỏi đường, ngôi biệt thự trông rất xa hoa của “thầy lang” hiện ra trước mắt chúng tôi. Đang hướng dẫn tốp thợ thi công sân vườn, hồ bơi trong khuôn viên ngôi nhà mới, thấy có người lạ tới, người đàn ông dáng vẻ thấp đậm nhưng đôi mắt đảo vòng rất nhanh, cất giọng hỏi: “Đến bốc thuốc à? Ai giới thiệu thầy mà biết để tới?”. “Dạ em thấy trên mạng”, chúng tôi trả lời cho qua chuyện. Nghe vậy, người đàn ông huyên thuyên: “Nói đến thầy Quảng Lâm trên mạng ai chẳng biết. Thầy chữa khỏi nhiều bệnh lắm rồi. Đặc biệt, các bệnh tổ đỉa, vảy nến, á sừng… hiện nay y học thế giới vẫn không thể chữa khỏi nhưng uống thuốc của thầy đảm bảo sẽ khỏi 100%. Thầy đã chữa khỏi cho không biết bao nhiêu người trong nước và trên thế giới”. Như để tạo thêm niềm tin cho người nghe, ông Nguyễn Thanh Sơn đưa chúng tôi vào phòng khách của căn biệt thự để khoe các giải thưởng danh giá.
 
 
Có điều lạ, tuy ông Sơn bán thuốc không có biển hiệu, cũng chẳng thành lập doanh nghiệp nhưng trên tường nhà treo đầy bằng chứng nhận...
Sau hơn 1 giờ khoe các thành tích đã đạt được, “thầy lang” lôi ra một bọc ni-lông bên trong có nhiều gói thuốc và cho biết đây là thuốc do ông tạo ra từ những loại dược liệu quý hiếm và chỉ mình ông có bí kíp bào chế, chuyên trị bệnh vảy nến. Ông Sơn ra giá: “2,6 triệu đồng một liệu trình (1 tháng). Chỉ cần 3 ngày là thấy kết quả ngay, nhưng để hết hẳn chú phải uống từ 3 liệu trình trở lên”. Nhìn bịch thuốc nhỏ xíu đã được nghiền thành dạng bột nhưng có giá gần bằng 1 tháng lương của viên chức mới đi làm, chúng tôi không khỏi giật mình. Lấy cớ không đem đủ tiền, chúng tôi xin lấy trước nửa liệu trình. Tuy đồng ý nhưng lúc cầm tiền, “thầy lang” có vẻ không vui…
 
Các vận đơn thuốc được Quảng Lâm gửi qua đường bưu điện.
Ngồi trò chuyện thêm một lúc, nghe chúng tôi nói có người thân mắc bệnh ung thư, “thầy lang” tiếp tục nhận chữa và cho biết ông có thuốc chữa loại bệnh này. “Thuốc chữa bệnh ung thư đắt hơn nhiều so với thuốc chữa các bệnh khác. Tuy thầy đã chữa khỏi bệnh ung thư cho một số người, nhưng còn tùy vào mức độ bệnh và có hợp với thuốc của thầy hay không. Nếu đồng ý, thầy sẽ hốt thuốc cho uống và giảm cho nửa tiền thuốc, coi như hỗ trợ trong thời gian đầu điều trị”, ông Sơn nói.
Nạn nhân lên tiếng
Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nhận thấy “thầy lang” Quảng Lâm dường như không bán thuốc và chữa bệnh cho người dân địa phương. Tất cả các BN biết đến ông ta đều thông qua mạng xã hội facebook và zalo. Với các giải thưởng có được, “thầy lang” Quảng Lâm dễ dàng tạo được uy tín cho các khách hàng online trên cả nước. Nhiều BN sẵn sàng bỏ tiền triệu để lấy một bịch thuốc không rõ thành phần và nguồn gốc về dùng.
Một nạn nhân tố cáo Quảng Lâm trên facebook.
Một nạn nhân tố cáo Quảng Lâm trên facebook.
Là nạn nhân đầu tiên lên tiếng vạch trần việc chẩn trị này, ông Vũ Minh Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bức xúc: “Tôi suýt mất mạng vì thằng cha Quảng Lâm này!. Ông ta quảng cáo trên facebook chữa hết bệnh ngứa cơ địa sau 48 giờ dùng thuốc, nhưng tôi uống được 1 tuần vẫn không thuyên giảm. Ông ta khuyên tôi uống tiếp 1 tuần và chuyển đổi liều dùng mạnh hơn. Ngay lập tức tôi có hiện tượng phù nề, vào viện khám bác sĩ chẩn đoán tôi dùng phải thuốc nam có trộn nhiều chất kháng sinh. Từ đây, Quảng Lâm chặn luôn facebook của tôi”.
Theo ông Vũ Minh Quang, những gói thuốc được đăng trên facebook cá nhân của “thầy lang” loại nào cũng có. Từ thuốc trị bệnh vảy nến, trĩ nội, trĩ ngoại, tới tăng cân, xương khớp… thậm chí các bệnh nan y. Với phương châm bán thuốc không cần bắt mạch vẫn khỏi bệnh, thuốc đến tay người bệnh mới phải trả tiền nên không ít người tiền mất tật mang. Một số BN lên tiếng về việc điều trị không hiệu quả thì đều bị Quảng Lâm khước từ không trả lời.
Nạn nhân mới nhất lên tiếng tố cáo lang băm trị bách bệnh là một người Nghệ An. Khi được hỏi, bà Trần Mai Sương (đường Hà Huy Tập, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) bất bình: “Tôi biết ông Quảng Lâm do thấy quảng cáo trên mạng. Lúc đầu, tôi không tin, nhưng vào trang facebook của ông ta thì thấy rất nhiều giải thưởng nên nghĩ là thầy thuốc giỏi. Sau này, khi biết bị lừa, tìm hiểu mới hay các giải thưởng đó toàn là mua để lấy lòng tin của bệnh nhân”. Bà Sương cho biết thêm, bà mua thuốc trên mạng của Quảng Lâm từ tháng 2 nhưng uống mãi không khỏi.
Sau 4 tháng với hơn 8 triệu đồng tiền thuốc, bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, cơ thể phù nề. “Hoảng quá, tôi vào Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Nghệ An để khám. Qua xét nghiệm, bác sĩ xác định tôi dùng thuốc bị trộn tân dược chống dị ứng có thành phần corticoid. Chính vì thành phần này quá liều đã dẫn đến suy thận, tích nước, phù nề. Sau khi dừng uống thuốc của Quảng Lâm nửa tháng, tôi bị tụt tới 7kg. Mong cơ quan chức năng sớm xử lý người này để mọi người không bị lừa như tôi”, bà Sương đề nghị.
Sự thật phơi bày
Mặc dù trên mạng xã hội, “thầy lang” tự phong Quảng Lâm luôn khoe là nhà thuốc gia truyền với hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng về xã Ninh An hỏi thăm dường như không mấy người biết tiếng tăm của ông ta. Ghé vào quán nước ven đường ở thôn Ninh Ích (xã Ninh An), đem chuyện “thầy lang” Quảng Lâm ra hỏi, bà chủ quán lắc đầu không biết. Mãi khi chúng tôi gợi ý đó là ông Nguyễn Thanh Sơn thì chủ quán nước mới cười sặc sụa và nói: “Tưởng ai, ông này mà thầy bà gì!. Nghe đâu ngày trước làm cán bộ văn hóa phường nhưng lập am, cúng bái gì đó bị đuổi việc. Mấy năm gần đây, nghe bảo bán thuốc chữa bệnh trên mạng được nhiều tiền lắm. Vợ làm giáo viên, chồng ở nhà bán thuốc mà xây được căn biệt thự to nhất thị xã. Nhiều người hiếu kỳ hay bàn tán về việc ông này bán thuốc gì mà nhanh giàu thế?!”.
Trao đổi với cơ quan quản lý y tế địa phương, ông Đoàn Hánh - Trưởng phòng Y tế thị xã Ninh Hòa khẳng định, việc bán thuốc chữa bệnh của Nguyễn Thanh Sơn (hay Quảng Lâm) là trái phép. Ông ta chưa được cấp giấy phép hành nghề. Bản thân ông ta trước đây là cán bộ văn hóa của phường Ninh Thủy nhưng do lập am, cúng bái nên bị cho nghỉ việc. Mặc dù ông ấy nói có bài thuốc gia truyền nhưng chưa bao giờ đăng ký. Sau khi nhà báo thông tin, chúng tôi đã xuống tận nơi lập biên bản kiểm tra và yêu cầu ông Sơn cam kết dừng việc bán thuốc trên mạng.
Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã có động thái, nhưng hàng ngày, trên trang facebook của “thầy lang” Quảng Lâm vẫn tiếp tục bán thuốc online. Với những vận đơn công khai, mỗi ngày ít nhất có hơn 20 liệu trình được gửi qua đường bưu điện và sẽ có khoảng mấy chục triệu đồng “chảy ngược” về tài khoản của ông Sơn. Điều này đồng nghĩa với số BN trở thành nạn nhân của “thầy lang” online này sẽ tiếp tục được nối dài.

Bác sĩ Từ Đức Minh - Phó bộ môn Y học cổ truyền - Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa: Hiện nay chưa có phương pháp nào kể cả Tây y và thuốc y học cổ truyền có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến như ông Quảng Lâm quảng cáo. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu, giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn. Tuyệt đối không tin lời đồn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến bằng thuốc nam gia truyền để tránh tiền mất mà bệnh lại nặng thêm.

NLĐO (Theo Báo Khánh Hòa)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...