Phổ quát hóa những tấm gương tốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm gần đây, quan sát các thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng chính thống lẫn thông tin trên các trang mạng xã hội, đôi khi chúng ta lại rơi vào cảm giác bất an. Cảm giác hình như cuộc sống xung quanh hiện có quá nhiều điều tiêu cực, những điều gây hại cho cuộc sống trong xã hội.

Quả vậy, truyền thông đã từng nhiều lần phản ánh những “tấm gương lệch lạc” như hiện tượng giang hồ mạng lại nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Minh chứng là các kênh YouTube hoặc fanpage của những đối tượng này nhận được hàng triệu lượt theo dõi và đăng ký.

Xét về mặt xã hội học, truyền thông đại chúng, trong đó có các trang mạng xã hội, là một trong những nhân tố tác động quan trọng đến suy nghĩ, lối sống, lối ứng xử của những người tiếp nhận. Vì thế, khi những “hình mẫu lệch lạc” thu hút được sự quan tâm, theo dõi của nhiều người, nhất là những người trẻ, thì khả năng “cái xấu được nhân rộng” là một nguy cơ rõ ràng.

Thế nhưng, trong thực tế đời sống xã hội, những điều tốt, những tấm gương tốt luôn luôn chiếm đa số. Nhờ vậy mà đời sống xã hội mới diễn ra một cách trật tự và chỉ như thế, con người mới sống được trong xã hội.

Thế nhưng vì sao chúng ta ít khi nhìn ra được những người tốt, những tấm gương tốt? Có lẽ có 2 lý do. Thứ nhất, do các phương tiện truyền thông ngày càng chạy theo xu hướng muốn truyền tải các thông tin, hình ảnh gây chú ý nhằm có được lượng người đọc, người xem, người theo dõi càng nhiều càng tốt.

Dĩ nhiên, những thông tin giật gân, lệch chuẩn luôn là những thông tin mà công chúng truyền thông thường quan tâm theo dõi vì nó gần với bản năng của họ hơn là những thông tin tốt, những tấm gương tốt bởi khó bắt chước hơn là cái xấu, cái lệch lạc. Lý do thứ hai khiến chúng ta ít khi nhận ra được những tấm gương tốt là bởi thường những người làm việc tốt họ tuân theo nguyên tắc “việc gì tay phải làm thì không cho tay trái biết”.

Quả vậy, các tập thể, cá nhân có những hoạt động, việc làm đậm chất nhân văn, nghĩa tình, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng thường làm những việc ấy trong sự âm thầm, không phô trương, không nhằm gây tiếng tăm hay được vinh danh và khen thưởng. Họ làm những việc ấy với xuất phát điểm là tình yêu thương và mong muốn được đóng góp một phần công sức của mình để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn chứ không vì mục đích khác.

Chính vì 2 nguyên nhân trên mà chúng ta mới có cảm giác cái tốt, cái đẹp hình như bị lấn át bởi cái xấu, cái lệch lạc trong xã hội. Cũng vì lẽ đó mà nhiệm vụ của các cấp quản lý Nhà nước, các phương tiện truyền thông chính thống cần phải thể hiện vai trò của mình trong việc đưa những tấm gương tốt, những hành động đẹp đến với công chúng, nhất là giới trẻ, một cách thường xuyên hơn.

Ngoài việc mỗi năm vinh danh các tấm gương tốt một lần, chúng ta cũng phải nghĩ cách để làm sao những tấm gương tốt, những hành động đẹp được nhân rộng hơn nữa. Và không gì nhân rộng hiệu quả hơn là việc đưa những tấm gương, những hành động tốt ấy đến với giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh.

Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM nên có chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn thành phố phổ biến những tấm gương này đến với các em học sinh. Chẳng hạn, trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần, ngoài những nội dung thường kỳ nên chiếu một video về các tấm gương người tốt, việc tốt cho các em học sinh xem, vì không có cách giáo dục nào hiệu quả hơn việc giáo dục bằng những tấm gương thực tế trong đời sống.

Thiết nghĩ, việc phổ quát hóa các tấm gương ấy đến với nhiều người trong xã hội hiện nay là rất cần thiết, bởi cái xấu sẽ sinh ra cái xấu, còn cái tốt không những sẽ sinh ra cái tốt mà còn có khả năng truyền cảm hứng, làm chuyển hóa cái xấu trở nên tốt đẹp hơn.

Theo LÊ MINH TIẾN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Vun bồi khát vọng cho người trẻ

Vun bồi khát vọng cho người trẻ

Nhân 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, T.Ư Hội Sinh viên VN, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" và đã tạo ra rất nhiều giá trị cho người trẻ.
Đừng đụng đâu ăn đó

Đừng đụng đâu ăn đó

Thông tin từ Bộ Y tế, tính chung quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.
Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Hòa bình

Hòa bình

(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.