Phía sau những ngôi chùa ấy.... - Bài 3: Trục lợi dưới mái chùa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Con người chính là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình, và chỉ có sống thiện lành, tu tâm tích đức mới có thể biến họa thành phúc. Thế nhưng, những phong tục tốt đẹp trong đi lễ chùa lại đang bị một số người nhuốm màu thực dụng.
Buôn thần, bán thánh
Từ phường Quang Trung, TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), theo quốc lộ 18 vào hơn 3 cây số, đi thêm gần 1 cây số theo các bậc thang đá, chúng tôi đến chùa Ba Vàng. Chùa thuộc hàng to nhất Việt Nam, nằm trên lưng chừng ngọn núi Thành Đẳng, phía trước là sông dài, phía sau là núi cao, hai bên cũng là núi, tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Trong khuôn viên chùa còn có khu nhà trọ để khách nghỉ sau hành trình dài, không phải đi ngược trở về TP Uông Bí. 
Hai năm trước, chùa Ba Vàng xôn xao dư luận với việc để cho bà Phạm Thị Yến (là một thợ may) tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như “thỉnh vong”, “gọi hồn”, “cúng oan gia trái chủ”. Thậm chí, bà này còn ngang nhiên thuyết giảng và trực tiếp chữa bệnh tại chùa bằng công thức: cúng dường, tu tập, chuyển nghiệp. Mãi đến khi clip về các hoạt động trái pháp luật này được tung lên mạng, thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. 
Anh L., nguyên cán bộ Cục A92 (Bộ Công an), kể lại câu chuyện cách nay hơn 3 năm, anh và một số phật tử chùa Từ Quang, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bị đại đức Thích Giác Th. lôi kéo tham gia vào đường dây mua bán thiên thạch, đồng đen và đi tìm kho báu theo lời truyền dạy của một đấng siêu nhân: “Người nào sở hữu một mẩu thiên thạch sẽ được trường sinh, phú quý”, “Kho báu với vô số của cải của những kiếp trước để lại là có thật, có tin và dám dấn thân đi tìm sẽ có”. Theo anh L., trong các bài thuyết pháp, thầy Th. thường đưa các thuyết lý về sự tái sinh, luân hồi cuộc sống thực tại của mỗi người hôm nay là hình ảnh, hiện thân chính mình ở nhiều kiếp trước. Kiếp này ta nghèo khó, thân phận thấp hèn là do phải trả nợ của những kiếp trước giàu có…
Từ vụ án Nguyễn Thành Chơn tung tin kho báu trăm tỷ USD để lừa đảo, cơ quan điều tra phát hiện thầy Th. có liên quan trong hành vi chuyển tiền ra nước ngoài để được quyền sở hữu các hộp Bond (hộp chứa phôi in tiền đôla Mỹ) có giá trị hàng trăm tỷ USD. Trong vụ này, thầy Th. đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ các phật tử tin theo lời truyền dạy về sức mạnh kỳ bí của thiên thạch, đồng đen và các kho báu. Trong đó có bà Nguyễn Thị L. đưa nhiều lần cho thầy Th. số tiền hơn 30 tỷ đồng. Anh L. cũng đưa hơn 1,4 tỷ đồng. Thầy Th., thế danh Huỳnh Văn Chính, sau đó bị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Từ Quang, tước bỏ tư cách tỳ kheo, không còn là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì đã có những vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng, làm mất uy tín đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều người sau một thời gian “mất tích” tại địa phương bỗng nhiên trở về với tấm giấy “nghiên cứu tiềm năng con người” và mở phủ đệ, điểm coi bói, cúng giải hạn, khiến không ít con nhang đệ tử đi theo, kinh tế gia đình từ chỗ khá giả bỗng chốc tan biến theo những chầu cúng bái. Chính vì sự thiếu hiểu biết đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận như: hoạt động kinh doanh trong khuôn viên cơ sở thờ tự, hoạt động rải tiền khắp các ban thờ, nhét tiền vào tay tượng, ném tiền xuống hồ, xuống giếng, gài vào gốc cây trong chùa, chen lấn dâng lễ với những mâm to, mâm nhỏ bánh trái, tiền lẻ, thậm chí có cả heo quay, gà luộc, đặt trên bàn thờ để cầu khấn cho được những điều mình mong muốn.
Đừng lợi dụng tâm linh
Chúng ta đã quen mắt với cảnh người dân đến dâng sao giải hạn ở nhiều ngôi chùa từ Bắc chí Nam. Rồi hoạt động đốt vàng mã của nhiều người, đặc biệt vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy (dân gian gọi đó là ngày xá tội vong nhân), vàng mã trong những ngày này được đốt không biết bao nhiêu mà kể. Vàng mã cũng hội nhập, hòa nhập, nó không còn đơn giản là những tập tiền vàng âm phủ và những con vật như ngựa, voi, thuyền (ở miền Bắc và miền Trung), hay nhà lầu, xe hơi (ở miền Nam)… mà hiện nay là các vật dụng của thời 4.0 như điện thoại iPhone 12, Samsung Galaxy Note 20, giày cao gót, thậm chí cả bikini, đều được chế tác bằng đồ vàng mã, để người sống mua về đốt cho cõi âm. Vật phẩm đốt ra tro, còn “nhà sản xuất” thì mua xe hơi thật, xây nhà lầu thật, xài điện thoại iPhone 12 thật. Nhưng đó chẳng là bao so với việc thu lợi từ du lịch, dịch vụ dựa vào chùa to, cảnh lớn của một số đại gia, doanh nghiệp. 
Theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, trong quy định của Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nói rõ: Một cơ sở Phật giáo hình thành phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh/thành chấp thuận bằng văn bản. Việc xây dựng các cơ sở mới phải do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh/thành đứng ra thực hiện. Đối với tăng ni mà có nhu cầu xây dựng cơ sở mới, phải đúng quy trình và được sự cho phép của Giáo hội thì mới được xem là hợp pháp. 
Trước thực trạng hiện nay có nhiều ngôi chùa được xây dựng có yếu tố lợi dụng tôn giáo, tâm linh, hoạt động kinh doanh, Thượng tọa Thích Thiện Quý khẳng định là sai trái, Nhà nước phải có biện pháp quản lý hữu hiệu. Cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng tâm linh, tôn giáo cho mục đích kinh doanh, thương mại hóa thì ngay trong Giáo hội cũng kịch liệt lên án. Giáo hội thường xuyên sinh hoạt với các cấp giáo hội từ trung ương đến tỉnh thành trong quản lý, có biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 
Chia sẻ về hội chứng nhiều địa phương xây chùa hoành tráng, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13, nói: Từ xưa dân gian đã có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, điều ấy có thể hiểu được quan trọng nhất là tâm của mỗi người. Có những chùa bé nhưng lại chứa đựng hồn cốt dân tộc, hồn cốt con người; trong khi chùa mà lại không có giáo lý, đạo đức và tâm linh của người Việt, phù hợp và tương thích với người Việt thì cũng không có ý nghĩa. Nhiều nơi xây chùa với mục đích làm du lịch tâm linh, điều này cần phải xem lại. Cần phải phân định rành rọt giữa kinh doanh và tâm linh. Chùa chiền, nơi thờ tự không phải là nơi để thương mại hóa. Nếu xây chùa thật lớn với mục đích tạo ra các giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận là sai trái, bởi chùa là nơi các phật tử gửi gắm tâm hồn, niềm tin, là hướng tới thiện tâm. Theo ông Lê Như Tiến, với khu du lịch tâm linh, hay chùa cũng đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Có một số nơi sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để làm chùa là trái pháp luật.
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng: Phật giáo chú trọng tới cao siêu của tuệ và tâm, chứ không phải là vật chất, bởi vật chất càng to thì càng xa đạo, đây chính là lý do mà nhà Phật nói “hảo tự ố tăng”. Tiếc thay, gần đây một số ngôi chùa mới tu sửa đã có phần xa lạ, kiến trúc “Tây chẳng phải Tây, Tàu chẳng phải Tàu, nhưng rõ ràng không phải Việt”, đã làm ảnh hưởng tới “hình” và “thể” thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi có tính áp chế, khiến con người khi bước vào ngôi chùa thì tâm hồn bị “ngợp” bởi sự hoành tráng, hình thức, làm người ta nhẹ cái tâm đi, tâm hồn bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó.
Từ trung tâm Hà Nội, vượt hơn 20km đường đê sông Hồng, chúng tôi đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, tìm đến chùa Viên Minh (chùa Ráng). Trụ trì chùa là Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ bảng hiệu chỉ báo trên đê, xa xa dưới đê lấp ló mái ngói rêu phong của ngôi chùa nằm cạnh những thửa ruộng đang trổ mạ non. Chùa Viên Minh trang nghiêm, tĩnh mịch, nhiều cây xanh, được chia thành 3 phần, gồm phần cổng, phần lõi thờ Tổ và phần 10 pháp giới. Một cụ già đang quét sân chùa cho biết, Pháp chủ hiện đang nằm viện vì tuổi cao sức yếu, năm nay đã qua 100 tuổi. Không gặp được ngài, sau khi hành lễ, chúng tôi ra về lòng trĩu nặng những lời ngài răn dạy cách đây hơn 2 năm: “Nay có ai đó xao nhãng tu học mà chạy theo danh lợi phàm tình, xuống cấp đạo hạnh, bị thế gian chê cười, giáo luật và phật luật can thiệp, thì với bản thân mình tất phải chịu quả báo. Đồng thời, các cá nhân và tổ chức có liên quan cũng phải cộng nghiệp chịu trách nhiệm liên đới vì dạy không nghiêm, quản không chặt”.
NHÓM PHÓNG VIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.