Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số chung sống lâu đời, Sa Pa (Lào Cai) tập trung phát triển du lịch cộng đồng (homestay), hướng về người dân, để vừa giảm quá tải cho khu vực đô thị chật hẹp, vừa xóa nghèo, tạo thế phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái địa phương.
Cuối thu, thời tiết ở Sa Pa đã rét lạnh, chúng tôi ngồi quây quanh bàn trà sâm rừng Hoàng Liên vừa pha, trong ngôi nhà sàn theo kiểu người Tày của ông Hoàng Văn Mục - người khởi xướng làm du lịch “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) ở xã Tả Van.
Biến di sản thành tài sản
Câu chuyện rôm rả, xoay quanh việc làm sao để nâng cao hơn chất lượng dịch vụ du lịch trong từng gia đình người Giáy ở đây; từ giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đến vệ sinh nhà cửa, bản làng sạch sẽ; rồi làm thổ cẩm bằng tay, nấu món ăn dân tộc từ nguyên liệu vườn nhà để thu hút và giữ chân du khách, nhất là người nước ngoài đến lưu trú.
Bản làng người Giáy ở Tả Van, thị xã Sa Pa là điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong nước và quốc tế. |
Tả Van theo tiếng địa phương là “vòng cung lớn”. Quả đúng là thế, những ngôi nhà người Giáy “treo” trên sườn núi hình cánh cung, ôm trọn dòng suối Mường Hoa trong xanh, uốn lượn quanh những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.
Du lịch cộng đồng là loại hình dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương; họ sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân, để khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo, vì thế nó có sức hấp dẫn riêng.
Đến Tả Van, chúng tôi bắt gặp từng tốp du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang, thắng cảnh suối Mường Hoa, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống dệt sợi lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên thổ cẩm,… theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” người địa phương.
Tại đây, họ được trải nghiệm cảm giác làm “công dân thực thụ” của vùng đất này. Chị Pô-lin In-lơ-dăm, một du khách người Pháp chia sẻ: “Gia đình chúng tôi chọn tour du lịch “ba cùng” để có thể nghỉ tại nhà dân trong bản làng, tìm hiểu văn hóa cũng như tập quán vùng miền của họ”.
Chúng tôi ghé thăm điểm lưu trú du lịch homestay của gia đình bà Lý Thị Lỳ, thôn Tả Van Giáy 2, bà Lỳ tâm sự: “Làm du lịch homestay theo đúng nghĩa không đơn giản. Với loại hình du lịch này, dịch vụ, phòng nghỉ, ăn uống không phải là vấn đề quá lớn, bởi du khách chọn “homestay” tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu; quan trọng nhất là làm sao tạo cho họ cảm giác thoải mái, thấy yêu thích cuộc sống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi họ đến”.
Chủ tịch UBND xã Tả Van Lê Mạnh Hào cho biết, cụm homestay Tả Van Giáy 1 là một trong năm cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Hiện ở địa phương có khoảng 150 hộ dân sinh sống, thì có hơn 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng (homestay), mỗi nhà có sức chứa từ 10 đến 20 người, trung bình vào mùa cao điểm, mỗi ngày phục vụ từ 200 đến 300 khách. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, tùy hạng phòng.
Bản Cát Cát người H’mông hấp dẫn du khách ở thị xã Sa Pa. |
Tuy nhiên, cũng có những phòng lưu trú cao cấp do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, có giá lên tới hơn 1 triệu đồng/đêm. Ngoài lưu trú qua đêm, đồng bào Giáy ở Tả Van còn bảo đảm cho du khách thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc và các tiết mục văn nghệ như múa quạt, hát ống, hát dân ca…
Nắm bắt nhu cầu của du khách và phát huy tiềm năng, thế mạnh khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa đa sắc màu các dân tộc, thị xã Sa Pa tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, hướng về bản làng và người dân, cộng đồng dân cư.
Tính đến hết tháng 7/2022, Sa Pa có 362 cơ sở kinh doanh homestay, 126 cơ sở dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch cộng đồng; 157 cơ sở quà tặng lưu niệm, 39 dịch vụ tắm thuốc và 222 dịch vụ khác. Các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa luôn thu hút từ 800.000-1.400.000 lượt khách/năm; trong đó, đông nhất là điểm du lịch làng nghề Cát Cát, thung lũng Mường Hoa và Tả Phìn, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Thân thiện với thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa
Được hình thành trên miền đất cổ, thị xã Sa Pa có 6 dân tộc chính, gồm: Mông (54,9 %), Dao (25,6 %), Kinh (13,6 %); Tày (3%), Dáy (1,6 %) và các dân tộc khác.
Ở vùng cao, người Mông, Dao khai khẩn các sườn núi thành những thửa ruộng bậc thang nằm dọc theo những sườn núi cao tạo ra những cảnh quan đặc sắc thu hút khách du lịch; đặc biệt là khu vực ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa đã được xếp hạng di sản cấp quốc gia. Kiến trúc nhà ở của các dân tộc tại các bản, làng dân tộc cũng tạo ra nét hấp dẫn riêng với du khách.
Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thị xã khá phong phú và đa dạng như: nghề thổ cẩm của người Dao, Tày, Mông, nghề rèn đúc của người Mông, nghề đan lát của người Phù Lá, nghề chạm khắc bạc và làm đồ trang sức của dân tộc Mông, Dao; các bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số; trang phục truyền thống của các dân tộc cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Tuy nhiên, hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, còn thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương. Các nghề thủ công truyền thống mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa.
Sắc màu bản Cát Cát. |
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc, Sa Pa hướng đến chính sách phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa.
Theo đó, cần quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, bảo đảm tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.
Cụ thể, sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề "Sa Pa-Xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”.
Hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm ngành Xá Phó), Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy.
Mục tiêu là đến năm 2025, du lịch cộng đồng Sa Pa sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và sản phẩm du lịch cộng đồng Sa Pa khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đạt tiêu chuẩn châu Á (tiêu chuẩn ASEAN), trở thành mô hình du lịch cộng đồng đặc trưng, tiêu biểu ở Việt Nam.
Theo Bài và ảnh: QUỐC HỒNG (NDĐT)