Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên tại Đắk Lắk: Nỗ lực gieo hạt giống đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên tại Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực, theo đó năm 2024 có 200 học sinh đã được kết nạp vào Đảng.

untitled-5573.jpg
Các học sinh, sinh viên không ngừng cố gắng phấn đấu học tập, trau dồi bản thân để được kết nạp Đảng. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Những năm gần đây, công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên tại Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đoàn viên ưu tú đã được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thể hiện sự trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh chính trị và khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước.

Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của các em mà còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhà trường và tổ chức Đoàn trong công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Những đảng viên tuổi 18 đầy bản lĩnh

Em Trần Phạm Hữu Đức (sinh năm 2005) là một trong những học sinh tiêu biểu được kết nạp Đảng khi còn học tại Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột).

Hiện, Đức là sinh viên ngành Sư phạm Anh K23, Trường Đại học Tây Nguyên. Đức chia sẻ, được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay từ khi học phổ thông là một vinh dự lớn. Đó không chỉ là sự công nhận quá trình rèn luyện mà còn là động lực để em tiếp tục phấn đấu.

Ngay từ khi học cấp ba, Đức đã tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên như: văn nghệ, thể thao, tình nguyện hỗ trợ học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. Đối với em, các hoạt động ấy không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng mềm mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm, ý thức cống hiến cho xã hội.

Khi bước vào giảng đường đại học, với nền tảng là một đảng viên trẻ, Đức tiếp tục tham gia các hoạt động của sinh viên, học tập, trau dồi kiến thức để trở thành một nhà giáo tận tâm trong tương lai.

Em Trần Phạm Hữu Đức, sinh viên ngành Sư phạm Anh K23, trường Đại học Tây Nguyên được kết nạp Đảng khi còn học tại trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Em Trần Phạm Hữu Đức, sinh viên ngành Sư phạm Anh K23, trường Đại học Tây Nguyên được kết nạp Đảng khi còn học tại trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Tương tự, em Bùi Thị Duyên (sinh năm 2004, nguyên học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức, huyện Cư Kuin) hiện đang theo học ngành Giáo dục Tiểu học K22, Trường Đại học Tây Nguyên cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, Duyên sớm ý thức được trách nhiệm của bản thân. Em luôn đặt mục tiêu trở thành công dân ưu tú, vừa học tốt vừa tích cực tham gia công tác Đoàn.

Với thành tích 3 năm liền đạt danh hiệu “Học sinh giỏi,” “Sinh viên 3 tốt,” Duyên được Đoàn trường đề xuất kết nạp Đảng khi đang học lớp 12. Sau khi trở thành đảng viên, em tiếp tục giữ các vai trò quan trọng trong công tác Đoàn, Hội tại trường đại học. Hiện, Duyên là Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Liên Chi hội phó Khoa Sư phạm, đồng thời trong Ban Chủ nhiệm một câu lạc bộ của trường.

“Trở thành đảng viên từ sớm giúp em có định hướng rõ ràng trong học tập và rèn luyện. Những thành tích em đạt được so với các anh, chị vẫn còn nhỏ bé. Vì vậy, em luôn dặn mình phải cố gắng học tập tốt, tích cực hơn để mang lại giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình, xã hội, cộng đồng,” Duyên chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Duẩn, Đảng ủy viên Đảng bộ Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, các học sinh mặc dù vừa đủ 18 tuổi nhưng đã có chí hướng phấn đấu, động lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, các em đã phát huy sở trường, định hướng tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao, xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động trong toàn trường.

“Định hướng phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên rất tốt, từ đó, phát huy thế mạnh trong đội ngũ học sinh, sinh viên và giới trẻ. Sau này, các em sẽ là nguồn nhân lực nòng cốt phát huy thế mạnh nơi các em công tác,” anh Duẩn thông tin.

Nỗ lực gieo “hạt giống đỏ” của Đảng

Năm học 2024-2025, Đắk Lắk có khoảng 500.000 học sinh các cấp; trong đó có hơn 61.000 học sinh trung học phổ thông. Từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 368 đảng viên là học sinh; riêng năm 2024 có 200 học sinh được kết nạp vào Đảng.

Để đạt được những kết quả trên, các trường học, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đã có bước đi bài bản trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Bí thư Đảng bộ Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, trường xác định công tác phát triển Đảng trong học sinh không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn. Nhà trường phân công các đảng viên phối hợp với Đoàn trường tìm kiếm, bồi dưỡng những học sinh có nguyện vọng và đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng.

Bên cạnh việc học tập văn hóa, các em còn được khuyến khích tham gia các hoạt động trải nghiệm, công tác xã hội để rèn luyện kỹ năng, phẩm chất chính trị. Nhờ đó, trong năm học 2023-2024, trường đã kết nạp 4 học sinh vào Đảng và tạo nguồn 21 quần chúng ưu tú để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, cô Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết thêm.

Theo thầy Lê Quang Trường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Ea Súp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), công tác phát triển Đảng trong học sinh được nhà trường quan tâm và thực hiện theo kế hoạch cụ thể. Năm 2024, Huyện ủy Ea Súp giao chỉ tiêu phát triển 5 đảng viên mới.

Trường đã phối hợp với tổ chức Đoàn phát hiện, bồi dưỡng các đoàn viên ưu tú; trong đó, tập trung vào các em có thành tích học tập khá giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, tích cực tham gia các phong trào Đoàn.

Nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp cảm tình Đảng cho học sinh có tiềm năng. Đồng thời, Đoàn trường được giao nhiệm vụ theo dõi, bồi dưỡng và đề xuất danh sách đoàn viên ưu tú. Năm 2021 có 8 bạn tham gia học lớp cảm tình Đảng; năm 2024, con số này tăng lên 51 em.

Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Văn Hào cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã phát triển được 6 học sinh vào Đảng. Năm 2024, huyện đạt 100% chỉ tiêu Tỉnh ủy giao với 5 học sinh được kết nạp. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp một số khó khăn, tồn tại như yêu cầu về độ tuổi phải đủ 18 tuổi tính theo tháng. Điều này khiến nhiều học sinh dù đủ điều kiện vẫn chưa thể kết nạp ngay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Đắk Lắk Y Lê Paster cho biết, Tỉnh đoàn đã ban hành Nghị quyết về nâng cao vai trò tham mưu kết nạp học sinh, sinh viên vào Đảng.

Năm 2024, Tỉnh đoàn đặt mục tiêu tạo thêm nhiều môi trường rèn luyện để học sinh, sinh viên có thể trưởng thành hơn về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức. Các hoạt động tình nguyện, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Xây dựng nông thôn mới”, công trình thanh niên… đã được tổ chức tạo hiệu ứng tích cực, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên.

Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên vẫn còn không ít thách thức. Việc vừa đảm bảo học tập, vừa tham gia các hoạt động phong trào để rèn luyện phẩm chất chính trị là một yêu cầu cao đối với các em.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Đắk Lắk tiếp tục phối hợp với các cấp ủy Đảng, trường học để tạo thêm điều kiện thuận lợi, môi trường rèn luyện cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, các tổ chức Đoàn tích cực rà soát, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng, nhằm đào tạo nguồn cán bộ trẻ có bản lĩnh, tri thức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, anh Y Lê Paster nhấn mạnh.

Việc kết nạp học sinh vào Đảng không chỉ là niềm vinh dự cá nhân mà còn là sự khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những đảng viên trẻ tuổi là hạt giống đỏ, niềm hy vọng cho sự kế thừa và phát triển của Đảng trong tương lai.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

(GLO)- Di sản địa-văn hóa Tây Nguyên là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách không những cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau.

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Huyện Krông Búk là một trong 5 đơn vị hành chính hình thành sớm nhất của tỉnh, trong suốt chiều dài lịch sử với 3 tên gọi: Buôn Hồ (thời kháng chiến chống Pháp), H4 (thời kháng chiến chống Mỹ) và Krông Búk (khi đất nước thống nhất).

Xuân trên đỉnh đèo

Xuân trên đỉnh đèo

Măng Đen rực lên một màu hồng êm dịu từ muôn vạn cánh hoa bé nhỏ. Có khi chỉ là một cội mai anh đào già, cành tỏa rộng khuất sau hàng thông, có khi là cả một hàng mai anh đào non đang e ấp mở những cánh hoa bé nhỏ cạnh đường đi.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.