Phát hiện sớm tật dính thắng lưỡi ở trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Con trai tôi năm nay gần 3 tuổi, hiện cháu chỉ nói được một số từ nhưng không thành câu dài, một số từ nói không chuẩn (không rõ âm). Vừa rồi đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện cháu bị dính thắng lưỡi và có chỉ định thủ thuật cắt thắng lưỡi”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo chị Trang, bác sĩ cho biết một trong những nguyên nhân khiến cháu phát âm kém hiện nay là do tật dính thắng lưỡi. Thực hiện thủ thuật cắt thắng lưỡi sẽ giúp cháu phát âm tốt hơn sau này. “Mặc dù bác sĩ nói không nguy hiểm nhưng gia đình tôi rất lo lắng không biết thủ thuật có gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không?”-chị Trang lo lắng.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng-Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Thắng lưỡi là một màng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Dính thắng lưỡi còn gọi là ngắn phanh lưỡi, tức là màng niêm mạc này ngắn hoặc dính vào sát đầu lưỡi làm cho lưỡi di động kém. Đây là một bất thường bẩm sinh. Hậu quả là trẻ nhỏ khó bú, hạn chế sự di động của lưỡi và khiến trẻ phát âm không rõ một số âm tiết; làm mất thẩm mỹ hàm răng của bé vì các răng cửa ở hàm dưới thường bị nghiêng hoặc có khe hở giữa 2 răng cửa hàm dưới…

“Thông thường nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nếu phát hiện có dính thắng lưỡi phần màng mỏng thì nên cắt ngay lập tức. Việc phẫu thuật sẽ do các bác sĩ chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt thực hiện. Thủ thuật này rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian và không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ; chỉ cần dùng kéo cắt ngay phần màng, có thể gây tê hoặc không cần thuốc tê, hầu như không chảy máu, rất ít đau, bé bú lại ngay sau khi cắt từ 10 phút đến 15 phút, không gây tổn thương đến tâm lý trẻ về sau. Sau khi thực hiện thủ thuật trẻ có thể về và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu trẻ càng lớn mạch máu và thần kinh đến nuôi thắng lưỡi sẽ nhiều hơn do vậy sẽ đau hơn, chảy máu nhiều hơn và phải khâu. Khi thực hiện thủ thuật có thể phải gây tê hoặc gây mê đối với trường hợp thắng lưỡi bám dày, thấp và phải trên 2 tuổi mới thực hiện được… Thủ thuật cắt dính thắng lưỡi tuy đơn giản nhưng không nên thực hiện nếu bé có rối loạn đông máu hoặc có nhiễm trùng răng miệng và tim bẩm sinh”- bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Theo bác sĩ Dũng, nếu phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để khám, tư vấn và điều trị sớm. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thực hiện thủ thuật này. Đối với trẻ dưới 6 tuổi và bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì đã có Quỹ Bảo hiểm y tế đồng chi trả, còn nếu thực hiện dịch vụ thì chi phí thấp, không quá 300.000 đồng/ca. 

Như Ý

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.