Phát hiện bất ngờ về tác dụng của mùi trái cây chín đối với ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học eLife, đã phát hiện mùi trái cây chín có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Theo đó, mùi trái cây chín có thể ảnh hưởng trực tiếp đến biểu hiện gien ngoài mũi, có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh, theo tạp chí khoa học Science Alert.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc chú ý nhiều hơn đến khứu giác đã thúc đẩy việc khám phá sâu hơn về nghiên cứu khứu giác.

Mùi trái cây chín có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. ẢNH PEXELS

Mùi trái cây chín có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. ẢNH PEXELS

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ đáng chú ý giữa mùi và biểu hiện gien, vượt xa giới hạn của khoang mũi. Những phát hiện này đã làm dấy lên suy đoán của các nhà khoa học về ứng dụng trị liệu tiềm năng của các hợp chất dễ bay hơi, đặc biệt là trong việc chống lại bệnh ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh.

Giờ đây, nghiên cứu mới cho thấy mùi - giống như mùi tỏa ra từ trái cây chín - có thể dẫn đến những thay đổi trong cách biểu hiện gien bên trong các tế bào nằm xa mũi.

Những phát hiện này khiến các nhà khoa học tự hỏi liệu ngửi các hợp chất dễ bay hơi trong không khí có thể là một cách để điều trị ung thư hoặc làm chậm bệnh thoái hóa thần kinh hay không.

Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư - tiến sĩ Anandasankar Ray, nhà sinh học tế bào và phân tử tại Đại học California (Mỹ), cho biết: Tiếp xúc với mùi có thể trực tiếp làm thay đổi biểu hiện của gien, ngay cả trong các mô không có cơ quan thụ cảm mùi, là điều hoàn toàn bất ngờ.

Nhóm nghiên cứu đã cho ruồi giấm và chuột tiếp xúc với các liều hơi diacetyl khác nhau trong 5 ngày. Diacetyl là một hợp chất dễ bay hơi được giải phóng bởi nấm men trong quá trình lên men trái cây và một số loại thực phẩm.

Đáng chú ý, kết quả đã phát hiện thấy diacetyl có chức năng như chất ức chế histone deacetylase (HDAC), bắt chước tác dụng của các chất ức chế HDAC được sử dụng trong điều trị ung thư. Chất ức chế HDAC đã được sử dụng làm phương pháp điều trị ung thư máu, theo Science Alert.

Chất này gây ra những thay đổi lớn trong biểu hiện gien ở ruồi và chuột, bao gồm cả tế bào não, phổi của chuột và râu của ruồi.

Từ đây gợi ý một con đường tiềm năng để phát triển các chiến lược trị liệu mới nhằm chống lại sự tiến triển của ung thư và thoái hóa thần kinh.

Trong các thí nghiệm tiếp theo, các tác giả đã phát hiện ra rằng khí diacetyl đã ngăn chặn sự phát triển của các tế bào u nguyên bào thần kinh ở người được nuôi cấy trong đĩa, theo Science Alert. U nguyên bào thần kinh là loại ung thư phát triển từ các tế bào thần kinh ở một số khu vực của cơ thể

Giáo sư Ray cho biết: Phát hiện quan trọng là một số hợp chất dễ bay hơi tỏa ra từ thực phẩm lên men có thể làm thay đổi trạng thái biểu sinh trong tế bào thần kinh và các tế bào khác. Báo cáo của chúng tôi là báo cáo đầu tiên về các chất dễ bay hơi phổ biến có tác dụng này.

Tuy nhiên, trong khi diacetyl cho thấy hứa hẹn trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và giảm thiểu sự thoái hóa thần kinh, cũng có thể có những rủi ro sức khỏe liên quan đến các hợp chất được thử nghiệm. Vì vậy, theo giáo sư Ray, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về khám phá hấp dẫn này.

Có thể bạn quan tâm

Lợi ích của lá tía tô

Lợi ích của lá tía tô

(GLO)- Lá tía tô không chỉ được dùng làm gia vị mà còn là một vị thuốc bắc tương đối phổ biến, có giá trị dinh dưỡng và giá trị y học cao. Hơn nữa, đối với cơ thể con người, nếu ăn tía tô thường xuyên, đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cơ thể.