Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng kết nối Mỹ và 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ hiệp định này trong ngày đầu tiên nhậm chức - ngày 20-1-2017.
Ngay từ khi vận động tranh cử, ông D.Trump đã bày tỏ sự không hài lòng với TPP. |
Ông Trump cam kết sẽ thay đổi các thỏa thuận thương mại để mang lại công ăn việc làm cho người Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ đánh thuế trừng phạt Mexico và Trung Quốc - động thái mà một số chuyên gia kinh tế cảnh báo sẽ gây kích động chiến tranh thương mại, ảnh hưởng đến tiến trình tự do hóa kéo dài nhiều thập kỷ qua. Việc chấm dứt TPP là cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Thỏa thuận này đã “chết yểu” tại Quốc hội Mỹ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử hôm 8-11. TPP - một sáng kiến ngoại giao của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama - nhằm mục tiêu giảm bớt các rào cản thuế quan ở các quốc gia vốn đóng góp tới 40% GDP thế giới, đồng thời là một công cụ để chống lại Trung Quốc.
Tuyên bố hủy bỏ TPP của ông Trump được nhiều người coi là tin vui đối với Trung Quốc, giúp nước này có thêm khả năng thay Mỹ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại và ngoại giao ở châu Á. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã phải nghe chính quyền Obama nói rằng TPP là cách để Mỹ thúc đẩy vai trò lãnh đạo của mình ở châu Á. Trung Quốc không tham gia hiệp định này, và Tổng thống Obama đã không ngần ngại nhắc nhở các nước trong khu vực đây không phải là chuyện tình cờ. TPP cho phép Mỹ - chứ không phải các nước như Trung Quốc - đặt ra luật lệ trong thế kỷ 21, một chiến lược vô cùng quan trọng đối với Mỹ ở một khu vực năng động như châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược này cũng không phải chỉ liên quan đến các luật lệ thương mại. TPP là một phần cốt lõi trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru cuối tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng đã đến lúc các quốc gia phải thiết lập những mối quan hệ đối tác chặt chẽ, đề ra các giải pháp "cùng thắng" và các sáng kiến chiến lược. Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà sẽ mở cửa rộng hơn. Các quan chức Trung Quốc đã bắt tay ngay vào đàm phán các hiệp định thương mại ít tham vọng hơn mà Bắc Kinh ủng hộ, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) và Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Xét về tổng thể tình hình quyền lực ở châu Á, Mỹ rút khỏi TPP mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc vì nó cho thấy không những một hiệp định thương mại do Mỹ ủng hộ đã tan vỡ, mà ngay cả việc Mỹ xoay trục sang châu Á nay cũng không còn.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “TPP sẽ là vô nghĩa nếu như không có Mỹ”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Quốc hội nước này vẫn đang tiếp tục tranh cãi về việc phê chuẩn TPP và Chính phủ của ông Abe cam kết sẽ vận động các thành viên khác phê chuẩn thỏa thuận này.
Bình luận về tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng thời gian sẽ trả lời xem liệu chính quyền và Quốc hội Mỹ sắp tới giải quyết TPP như thế nào. Thủ tướng Australia nói: “Về phía Australia, một điều rất rõ ràng là TPP phản ánh mạnh mẽ lợi ích quốc gia của chúng tôi vì nó mang đến sự tiếp cận rộng hơn cho mặt các hàng xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ”.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán sẽ không hề dễ dàng. Ông nói: “Nếu ký kết một thỏa thuận mới, chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu”.
Việt Nam và Malaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan đánh vào một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ. Thủ tướng Malaysia Najib Razak bày tỏ hy vọng hợp tác với Tổng thống đắc cử Trump trên cơ sở những mục tiêu chung của hai quốc gia về củng cố an ninh và đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao quát và công bằng”.
Theo haiquan