Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành tỉnh trung bình khá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đưa tỉnh Kon Tum lên một tầm cao mới, đòi hỏi biết bao nỗ lực của những bàn tay, khối óc của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng kề vai sát cánh, biến mục tiêu đề ra thành hiện thực.

Quyết định số 1756/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước”. Để đưa tỉnh Kon Tum lên một tầm cao mới, đòi hỏi biết bao nỗ lực của những bàn tay, khối óc của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng kề vai sát cánh, biến mục tiêu đề ra thành hiện thực.

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy từ những kết quả thực tiễn đạt được trong chặng đường đã qua và đề ra mục tiêu hướng đến cho một thời kỳ mới 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực tế cho thấy, với bao nỗ lực của tỉnh, với sự huy động trí tuệ và nguồn lực từ nhiều phía cũng như sự chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum ngày càng thắm sắc da dẻ, đổi thay diện mạo từ những con đường trải nhựa thênh thang về tận vùng sâu, vùng xa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ở các khu đô thị mới, những rẫy vườn cây ăn trái, cây công nghiệp xanh tốt, những thôn làng ngày càng ấm no.

Diện mạo các thôn làng vùng sâu ngày càng khởi sắc. Ảnh: NP

Diện mạo các thôn làng vùng sâu ngày càng khởi sắc. Ảnh: NP

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững". Không ngừng phấn đấu cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, năm 2023, Kon Tum vươn lên đứng đầu Tây Nguyên, đứng thứ 22 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, đạt 7,32%. Tiếp tục đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2024, Kon Tum có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,47%, duy trì vị trí đứng đầu khu vực Tây Nguyên, đồng thời tại đà cho việc bứt phá trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 10% trở lên. Đây là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Tum trên cơ sở tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực đột phá, thế mạnh và khơi gợi được sức mạnh, khát vọng vươn lên của mỗi người.

Sau 33 năm thành lập lại tỉnh, Kon Tum đã thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, khởi sắc mạnh mẽ cả về hạ tầng và quy mô phát triển, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước vào năm 2030 theo Quyết định số 1756/QĐ-TTg. Như vậy có thể thấy, không chỉ đặt mục tiêu vươn tầm ngang các tỉnh trong khu vực, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, phát huy tốt lợi thế so sánh để lan tỏa hình ảnh về một Kon Tum căng tràn khát vọng vươn cao. Và “bản vẽ” định hình cho tương lai phát triển của tỉnh nhà đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được đặt ra, với những mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Ảnh: N.P

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Ảnh: N.P

Từ nay đến năm 2030-một khoảng thời gian không phải quá dài. Để hoàn thành được những công việc có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh sẽ là biết bao công sức, trí tuệ, nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều quan trọng là phải lấy sức mạnh nội lực (con người, thiên nhiên, bản sắc văn hóa...) kết hợp với ngoại lực (chính sách hội nhập, nguồn vốn, công nghệ, khoa học quản lý...) để xây dựng và phát triển bền vững theo lộ trình đặt ra. Trong đó, cùng với các nguồn lực khác, làm sao để phát huy được sức mạnh nguồn nhân lực – nguồn lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực tế cho thấy ở bất kỳ địa phương nào, nếu biết phát huy sức mạnh nguồn nhân lực để hoạch định các chủ trương, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đó; xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ trí thức xứng tầm để khơi gợi, phát huy được các nguồn lực khác; xây dựng được lực lượng lao động tay nghề cao, cần cù, sáng tạo, giàu khát vọng vươn lên sẽ vượt qua được những khó khăn, hạn chế về điều kiện tự nhiên, địa hình để vươn lên phát triển. Do vậy, cùng với việc triển khai hiệu quả các giải pháp khác, thì việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước khắc phục những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực để bước qua được hệ quả là sụt giảm sức cạnh tranh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đáp ứng yêu cầu phát triển trong chặng đường phía trước là hết sức quan trọng.

Để đạt được mục tiêu, hành trình đã đặt ra trong tương lai không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng với những thành quả đã đạt được sau 33 năm thành lập lại tỉnh; với quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động, tạo ra tốc độ tăng trưởng khá; với sự nỗ lực và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân, những khó khăn, vướng mắc cũng dần vượt qua, hành trình đi vào quỹ đạo và những mục tiêu, dự định đặt ra sẽ sớm trở thành hiện thực.

Theo Nguyên Phúc (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.