Tín ở đây chính là sự công khai, minh bạch trong quy định, trong cách hành xử với khách hàng. Có như vậy khách hàng mới "dụng" các dịch vụ của ngân hàng, mới gửi tiền vào ngân hàng.
Bởi nhìn lại toàn bộ sự việc, có nhiều cái rất mù mờ. Đầu tiên là cách tính lãi, phí. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều chuyên gia tài chính, thậm chí cả những người đang làm trong lĩnh vực ngân hàng (NH) đã thử tính nhưng cũng không tìm ra được "công thức" nào để khoản nợ 8,5 triệu đồng ra được số nợ 8,8 tỉ đồng. Ai cũng hiểu rằng món nợ bị tính lãi kép, phạt, dư nợ cộng dồn... nhưng càng tính thì càng hoảng vì có cách tính thậm chí khiến khoản nợ có thể gia tăng lên vài chục tỉ đồng. Vụ việc cũng hé lộ cái mù mờ thứ hai là ngay cả khi chủ thẻ không sử dụng, nguy cơ thành con nợ cũng rất lớn. Đó là khoản phí thường niên, phí quản lý mà người sử dụng tưởng rằng không dùng thì không đóng, thẻ sẽ tự động vô hiệu hóa. Nhưng không, chủ thẻ không đóng, khoản phí này trở thành món nợ. Mà đã nợ thì NH sẽ tính phí, tính lãi đầy đủ. Hầu hết các nhà băng không nói gì về việc này nhưng một số lại âm thầm ghi nợ cho những "tài khoản ngủ đông". Khoản mù mờ thứ ba là nếu khách hàng vay tiền của một nhà băng, tới hạn sẽ bị đòi, quá hạn sẽ bị chuyển thành nợ xấu, bị ghi vào lý lịch tín dụng, ảnh hưởng đến việc vay sau này... Nói chung là rất phiền phức, mệt mỏi, thì nợ phí thường niên, phí quản lý trong nhiều trường hợp lại âm thầm, bí mật không thông báo rồi tính lãi gộp, lãi mẹ đẻ lãi con. Sau vụ việc ở Eximbank, nhiều người kiểm tra mới tá hỏa vì đã trở thành con nợ từ lúc nào không biết. Quan trọng hơn, đến lúc này chúng ta mới biết các NH có quyền tính lãi vay tiêu dùng lên tới 100%, một mức lãi suất tưởng chỉ có ở chợ đen, mà không vi phạm bởi mức trần lãi suất cho vay 20% của bộ luật Dân sự không áp dụng đối với ngành NH.
Trở lại với vụ vay 8,5 triệu đồng thành nợ 8,8 tỉ đồng, tại buổi họp báo kinh tế-xã hội TP.HCM chiều 21.3, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Eximbank, thừa nhận trong trường hợp khách hàng P.H.A, cán bộ thực hiện đã máy móc chưa làm theo quy trình nợ mà NH này xây dựng. Đây là trường hợp cá biệt, Eximbank đã làm việc với khách hàng để thống nhất cách xử lý hợp tình và hài hòa lợi ích đôi bên và chắc chắn sẽ không có khoản nợ 8,8 tỉ đồng như vừa qua. Dù vậy, vụ việc này cũng cho thấy một số lỗ hổng trong quy định về hoạt động NH như trần lãi vay tiêu dùng, quy định về cách tính phí, lãi với thẻ không phát sinh giao dịch... Cần thiết phải rà soát và có quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như nói trên.
Kinh doanh NH là hoạt động kinh doanh tiền và dịch vụ NH, nên chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Các NH đều khẳng định và cam kết như vậy, nhưng trong thực tế ở không ít tình huống, đã "dụng" rồi thì khách hàng ở vào thế nắm đằng lưỡi, phụ thuộc hoàn toàn vào cách giải quyết của NH và hầu hết đều chịu thiệt thòi. Hành xử như vậy, NH có thể thắng trong một vài trường hợp nhưng trên toàn cục, khi khách hàng tín rồi mới dụng thì những nhà băng ứng xử thiếu chuyên nghiệp rất khó để cạnh tranh.
Công khai, minh bạch, sòng phẳng và chủ động lên tiếng, chủ động giải quyết khi có sự cố xảy ra, đó chính là chữ tín trong hoạt động NH nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.