(GLO)- Ngay sau khi có kết quả thi thử tốt nghiệp THPT năm 2021 theo đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai, các trường THPT tập trung phân luồng và tăng tốc ôn tập cho học sinh. Nhiều giải pháp cấp bách được áp dụng nhằm kéo giảm tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp xuống mức thấp nhất.
Phân luồng ôn thi
Giờ ôn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) diễn ra nghiêm túc. Cầm bộ đề tham khảo trên tay, cô Trần Thị Anh Đào lần lượt hướng dẫn học sinh cách giải. “Ngoài ôn tập trên lớp, tôi còn phụ đạo trực tuyến cho những em còn yếu hoặc hổng kiến thức. Thời gian từ nay đến ngày thi không còn nhiều. Vì vậy, tôi đang cố gắng giúp những em này nắm vững kiến thức cơ bản nhất để làm bài đạt điểm trung bình hoặc ít ra không bị điểm liệt”-cô Đào cho hay.
Các trường THPT trong tỉnh đang tập trung phân luồng và tăng tốc ôn tập cho học sinh sau kỳ thi thử tốt nghiệp. Ảnh: Mộc Trà |
Về phía học sinh, kỳ thi thử là dịp để các em nhìn nhận lại quá trình ôn luyện của mình; từ đó kịp thời củng cố, bổ sung những phần kiến thức bị thiếu hụt. Em Nguyễn Thị Quý Thương (lớp 12B4) chia sẻ: “Mặc dù chọn tổ hợp Khoa học Xã hội nhưng tại đợt thi thử vừa qua, em làm bài môn Lịch sử chỉ đạt 5 điểm. Có những nội dung em ôn tập chưa kỹ, thậm chí lúc đọc đề còn vội vàng nên làm sai yêu cầu đề ra. Vì vậy, thời gian này, em đã vạch ra cho mình kế hoạch ôn tập chi tiết nhất, quyết tâm đạt được điểm 8 trở lên ở các môn quan trọng trong kỳ thi chính thức sắp tới”.
Theo thầy Nguyễn Quốc Đạt-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, năm học 2020-2021, chất lượng học sinh khối 12 có sự vượt trội, minh chứng ở tỷ lệ học sinh khá, giỏi cuối năm đạt trên 91%, chỉ có 1 em học lực yếu và không có em nào học lực kém. Tại kỳ thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, nhà trường có 99% học sinh lớp 12 vượt qua kỳ thi, số còn lại rớt tốt nghiệp là do bị điểm liệt; không ít học sinh đạt dưới 5 điểm, nhất là ở 2 môn Sinh học và Tiếng Anh.
Sau kỳ thi thử tốt nghiệp, nhiều học sinh đã tập trung ôn tập, bổ sung những phần kiến thức bị thiếu hụt. Ảnh: Mộc Trà |
Ngày 16-6, đoàn công tác của Sở GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại các trường: THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) và THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh). Qua kiểm tra cho thấy, các trường đều duy trì tổ chức ôn thi tốt nghiệp, đảm bảo sĩ số học sinh; có sự quản lý chặt chẽ trong công tác dạy và học. Ngày 17 và 18-6, đoàn tiếp tục kiểm tra tại các trường THPT trên địa bàn huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa; ngày 22-6 kiểm tra trên địa bàn huyện Krông Pa. |
“Nhà trường giao tổ trưởng tổ chuyên môn sử dụng kết quả thi thử để đánh giá chất lượng và phổ điểm của môn học; đồng thời, xác định nguyên nhân và hạn chế của từng lớp, từng học sinh để rút kinh nghiệm về phương pháp, hình thức tổ chức ôn tập. Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 phải phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn và phụ huynh để tăng cường công tác quản lý, kèm cặp học sinh nhằm nâng cao hiệu quả ôn tập, phấn đấu 100% học sinh đậu tốt nghiệp trong năm nay”-thầy Đạt thông tin.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, song những ngày qua, Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) vẫn nỗ lực ôn thi với quyết tâm không để học sinh rớt lại trong kỳ thi cuối cấp. Theo kết quả thi thử và xét thử tốt nghiệp, nhà trường có 17 học sinh trượt tốt nghiệp, trong đó 1 em bị điểm liệt ở môn Tiếng Anh; tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 92,3%. Hiệu trưởng Phạm Hữu Hùng cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với phụ huynh những học sinh này để thông báo kết quả thi thử, đồng thời bàn giải pháp, quyết tâm giúp các em đậu tốt nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi lập danh sách 30 học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp để tổ chức phụ đạo thêm 3 tiết/tuần ngoài thời khóa biểu ôn tập chính thức. Nhà trường cũng giao các tổ bộ môn biên soạn lại tài liệu phù hợp, bám sát bộ đề tham khảo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT để làm sao ít nhất các em có thể đạt được thang điểm 5”.
Việc chia nhóm học sinh để giúp đỡ nhau ngoài giờ lên lớp cũng được Trường THPT Hà Huy Tập nhanh chóng triển khai. Theo đó, cứ 1 học sinh có học lực khá, giỏi sẽ kèm thêm 2 học sinh yếu hơn; giáo viên bộ môn theo sát và kiểm tra hiệu quả đạt được mỗi tuần.
Cần có giải pháp kịp thời
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2021, bài thi dưới 5 điểm môn Ngữ văn có 3.940 học sinh; môn Toán 3.444 học sinh và môn Tiếng Anh 10.093 học sinh. Trong đó, bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở môn Ngữ văn có 23 học sinh, Toán 9 học sinh, Tiếng Anh 21 học sinh, tổ hợp Khoa học Tự nhiên 13 học sinh và tổ hợp Khoa học Xã hội 16 học sinh. Qua kết quả xét thử, một số trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp còn thấp so với tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020. Thậm chí, nhiều môn tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình khá cao. Cá biệt, đối với môn Tiếng Anh, 49/50 trường có học sinh đạt điểm dưới trung bình.
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường không để xảy ra tình trạng đã biết trước học sinh trượt tốt nghiệp nhưng không có giải pháp kịp thời. Ảnh: Mộc Trà |
Trên cơ sở kết quả thi thử và xét thử tốt nghiệp, Sở GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường học tiếp tục tổ chức tốt hoạt động ôn tập; thông báo kết quả xét thử tốt nghiệp đến từng học sinh và phụ huynh; sàng lọc danh sách học sinh có mức điểm liệt, điểm dưới trung bình và từ 5 điểm trở lên để có kế hoạch ôn tập; điều chỉnh nội dung, tài liệu ôn tập, phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp với từng nhóm học sinh; đánh giá kết quả về sự tiến bộ của học sinh qua từng giai đoạn ôn tập.
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT-cho hay: “Sở yêu cầu các đơn vị dựa trên kết quả thi thử lập danh sách học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp ở từng môn học, kể cả những em vắng thi thử; xác định rõ điểm số của từng bài thi cần đạt để đậu tốt nghiệp THPT năm 2021. Đồng thời, phân công giáo viên theo bộ môn có trách nhiệm kèm cặp dạy bổ sung phần kiến thức cần đạt cho từng em, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ, không để xảy ra tình trạng đã biết trước học sinh hỏng tốt nghiệp nhưng không có giải pháp kịp thời. Ngoài ra, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch ôn tập, phụ đạo học sinh yếu kém, học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp”.
MỘC TRÀ