"Ốc đảo" Cồn Chim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Về xóm Cồn Chim những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan, phấn khởi của người dân nơi đây khi có nguồn điện mới. Đây là cú hích để giúp người dân có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch…

Điện mới về “Ốc đảo”

Từ bến đò thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đi đò khoảng 600m là sang xóm Cồn Chim. Một xóm nhỏ nằm lặng lẽ, lọt thỏm giữa đầm Thị Nại, bốn bề nước vây quanh được ví như “ốc đảo”. Xóm có 262 hộ dân với 1.150 nhân khẩu, 183ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Năm 1994, xóm Cồn Chim bắt đầu có nguồn điện thắp sáng. Những năm sau đó, Nhà nước thực hiện chính sách giao khoán, bảo vệ diện tích mặt nước cho từng hộ dân quản lý. Rồi, những hồ tôm thay thế dần màu xanh của rừng ngập mặn nơi đây. Cuộc sống của người dân bắt đầu thay đổi bởi sự trù phú từ những hồ tôm mang lại.

Từ ngày có nguồn điện mới, người dân không còn sống trong cảnh phải dùng điện chập chờn như xưa. Ảnh: Đ.PHÙNG
Từ ngày có nguồn điện mới, người dân không còn sống trong cảnh phải dùng điện chập chờn như xưa. Ảnh: Đ.PHÙNG



Bà Lê Thị Lành (70 tuổi) nhớ lại: “Những năm 1996 - 1997, ở đây ai nuôi tôm cũng giàu có. Nhiều người thu lãi một mùa vụ cả trăm triệu đồng, rồi mua sắm đủ thứ vật dụng trong gia đình. Hồi ấy, người ta ví von Cồn Chim là Hồng Kông 2 bởi đa phần người dân đều có của ăn của để. Nhưng rồi người nuôi tôm mải mê chạy theo lợi nhuận, lợi ích trước mắt mà quên đi việc bảo vệ môi trường nên phải trả giá đắt. Môi trường bị ô nhiễm gây ra dịch bệnh cho thủy sản. Người nuôi tôm thua lỗ, phải chạy vạy khắp nơi vay mượn, nợ nần triền miên”.

Đến năm 2004, khi dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại” được triển khai, người dân đã bắt tay vào việc trồng lại rừng ngập mặn. Họ vừa khai thác vừa ý thức việc giữ lấy màu xanh của rừng ngập mặn. Rồi trời không phụ lòng người, những người lao động cần lao đã trả được những khoản nợ đã vay mượn trước đó.

Cuộc sống của người dân nơi đây cứ thế lặng lẽ trôi qua. Họ vừa biết khai thác đi kèm với giữ gìn, nuôi dưỡng kế mưu sinh bền vững. Tuy nhiên, hai đợt bão, mưa lũ năm 2016 - 2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lưới điện 0,4kv kéo từ bờ ra xóm Cồn Chim. Đường dây tạm, lại bị hư hỏng sau thiên tai nên điện ở Cồn Chim rất yếu và hay chập chờn, làm các thiết bị sử dụng điện trong nhà của người dân nơi đây liên tục hỏng hóc. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân lại gặp muôn vàn khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương đầu tư 1,7 tỷ đồng xây dựng mới hệ thống trụ điện, đường dây 22kv dài 570m, 1 trạm biến áp và 1,2km đường dây 0,4kv. Đến đầu tháng 5 vừa qua, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh chính thức đưa vào vận hành hệ thống lưới điện 22kv, đảm bảo cung cấp nguồn điện an toàn, liên tục cho xóm Cồn Chim.

Giúp “Ốc đảo” phát triển

Sau nhiều năm phải dùng điện chập chờn, bất tiện cho cả sinh hoạt cũng như sản xuất, hiện tại người dân xóm Cồn Chim rất phấn khởi vì có nguồn điện mới. Chị Hồ Thị Lại (36 tuổi) cho biết: “Từ nay chúng tôi không còn phải lo cảnh nấu cơm mãi không chín, nước mãi không sôi, có ti vi không thể sử dụng được vì điện quá yếu. Vừa qua, khi có nguồn điện mới, tôi sắm hẳn máy điều hòa, máy giặt cho cả nhà dùng”.

Cụ Hồ Lán (86 tuổi) tâm sự: “Lâu nay muốn mua sắm các thiết bị điện cũng phải đắn đo, cân nhắc vì sợ mau hư, tốn tiền, bởi nguồn điện cứ chập chờn. Sống cả đời người mà bây giờ trong nhà mới mua sắm đầy đủ các đồ dùng bằng điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Bây giờ nguồn điện rất mạnh, ổn định, cuộc sống của người dân ở đây rồi sẽ đổi thay phát triển đi lên nhờ có nguồn điện mới”.

Chủ cơ sở sản xuất nước đá ở Cồn Chim Hồ Văn Thuận vui mừng khi từ nay đã có điện 24/24 giờ để sử dụng. “Hộ kinh doanh nước đá như tôi mỗi khi mất điện hay điện yếu thì chỉ chịu sầu, chứ chẳng làm gì được. Trước đây, để sản xuất một mẻ đá cây, phải mất ít nhất gần 10 giờ đồng hồ, mà đá không đạt chất lượng, rất non. Nhưng nay có nguồn điện ổn định, cơ sở của tôi chỉ mất chừng 6 giờ là có mẻ đá đạt yêu cầu. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng và nâng cấp nhà máy nước đá lên để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của bà con nơi đây”, ông Thuận phấn khởi cho biết.

Những năm qua, cùng với Cồn Trạng, Cồn Giá, “ốc đảo” Cồn Chim nằm trong Khu sinh thái Cồn Chim rộng 480ha. Khu sinh thái này nằm giữa một vùng đầm phá mênh mông giữa rừng ngập mặn. Bên dưới mặt nước là nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, cùng hệ sinh thái thảm cỏ biển ngày càng được phục hồi và phát triển. Bên trên tán rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loài chim di trú theo mùa. Những điều kiện thuận lợi này cùng với việc nguồn điện ổn định về với “ốc đảo”, người dân nơi đây có cơ hội để làm du lịch. “Tôi đang nghiên cứu đầu tư một con tàu chở khách du lịch qua bên Cồn Chim và Khu sinh thái Cồn Chim. Nguồn điện ổn định là điều kiện để người dân “ốc đảo” chúng tôi phát triển kinh tế”, ông Thuận bộc bạch.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh xóm, Trưởng xóm Hồ Văn Nhân bảo, người dân ở đây rất thích sống tại Cồn Chim vì không khí trong lành, mát mẻ, không bụi, không tiếng ồn, không ô nhiễm môi trường, không trộm cắp, không tệ nạn xã hội. Người dân xóm Cồn Chim sống gắn bó tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ lẫn nhau khi có chuyện vui buồn. Cuộc sống mưu sinh, người dân chịu khó đánh bắt thủy sản đều có cái ăn, thu nhập hàng ngày cũng đáp ứng đủ cho gia đình. “Trước đây, đường điện tạm bợ, điện chập chờn, nấu nồi cơm không chín, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Nay có trạm điện mới, dòng điện mạnh, bà con phấn khởi lắm. Có điện người dân có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Nhân cho biết.

Theo ông Nguyễn Như Giàu - Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, hầu hết người dân Cồn Chim sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nên khi điện lưới cũ hư hỏng khiến cuộc sống bà con gặp khó khăn. Tuy nhiên, từ ngày có nguồn điện mới, người dân rất phấn khởi. Trong tương lai, nơi này sẽ phát triển mạnh các ngành nghề sửa chữa nhỏ tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, có lưới điện ổn định sẽ là cú hích để người dân phát triển du lịch với những trải nghiệm các nghề truyền thống của ngư dân vùng đầm phá nơi đây.

Có mặt ở Cồn Chim, chúng tôi bắt gặp những nụ cười, ánh mắt vui mừng khôn xiết của người dân nơi đây khi có nguồn điện mới. Họ tin rằng, “ốc đảo” rồi sẽ thay da đổi thịt. Dẫu rằng về mặt địa lý vẫn còn ngăn cách với đất liền, tuy nhiên cuộc sống người dân rồi sẽ đổi thay. Có lẽ, cuộc sống mới đã thật sự về trên “ốc đảo” Cồn Chim.

Đình Phùng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.