(GLO)- Khoảng một năm trở lại đây, nông dân xã Phú An (huyện Đak Pơ) phải vất vả đối phó với ốc bươu vàng hoành hành, tàn phá đồng ruộng. Theo phán đoán của người dân, ốc bươu vàng xâm nhập đồng ruộng và gây hại xuất phát từ nguồn nước thủy lợi được bơm từ sông Ba lên.
Chị Lan lội mương mò ốc bươu để đập bỏ, ngăn chặn loại động vật này sinh sống và gây hại đồng ruộng. Ảnh: Hải Lê |
Hàng chục năm canh tác tại cánh đồng thôn An Hòa, ông Nguyễn Văn Bạn (xã Phú An, huyện Đak Pơ) chưa từng thấy ốc bươu vàng xuất hiện gây hại trên đồng ruộng bao giờ. Vậy nhưng, khoảng 2 năm gần đây, ốc bươu vàng xuất hiện rất nhiều. “Cứ sau mỗi lần xả nước từ mương thủy lợi lên vài hôm là ốc bươu vàng lại dày đặc. Nếu không phát hiện sớm, chỉ sau một đêm là ruộng lúa đã bị ốc bươu vàng cắn nát. Chính vì bị ốc bươu vàng “quấy phá”, riêng vụ mùa vừa qua, tôi đã phải sạ lại tới 2 lần lúa. Lúa cao chừng gần gang tay là ốc cắn ngang thân. Cây lúa ở độ đó chỉ còn nước phải bỏ đi, tỉa cây chỗ khác dặm qua, không thì phá bỏ gieo sạ lại”-ông Bạn cho biết.
Không riêng hộ ông Bạn, mà hàng chục hộ dân khác canh tác quanh cánh đồng An Hòa đều bị ốc bươu vàng tấn công ruộng lúa. “Ốc tràn vào ruộng chủ yếu là ốc nhỏ chừng bằng ngón tay hay ngón chân cái. Chúng theo dòng nước thủy lợi tràn vào ruộng. Bà con mỗi lần thấy ốc bươu vàng xuất hiện lại tự mua thuốc về bơm. Bơm vài hôm thấy hết nhưng hôm sau tháo nước thủy lợi vào ruộng thì lại có trở lại”-chị Nguyễn Thị Lan (thôn An Hòa, xã Phú An, huyện Đak Pơ) chia sẻ.
Theo phán đoán của bà con, ốc bươu vàng xuất hiện trên đồng ruộng thông qua nguồn nước thủy lợi bơm từ sông Ba lên. “Nhà tôi có 2 thửa ruộng ở hai nơi. Thửa dùng nước thủy lợi xả trực tiếp vào rất hay thấy ốc bươu vàng xuất hiện, trong khi thửa khác phải dùng máy bơm cỡ nhỏ bơm nước lên lại không thấy, hoặc rất hiếm. Tôi cho rằng khi qua máy bơm, ốc bị máy nghiền nên không còn khả năng xâm nhập, còn nếu xả nước tràn tự do vào ruộng thì ốc theo dòng nước về ruộng”-chị Lan bày tỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Minh Phương, cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Phú An, cho biết: Khu vực xuất hiện tình trạng ốc bươu vàng tàn phá nhiều nhất là cánh đồng lúa thôn An Hòa với diện tích trên 70 ha. Cánh đồng này sử dụng nguồn nước từ công trình thủy lợi An Thủy, bơm nước trực tiếp từ sông Ba lên để dẫn tới đồng ruộng. Riêng vụ mùa vừa qua, tại cánh đồng này đã có tới 10 ha lúa bị mất trắng do ốc bươu vàng cắn phá, trên 60 ha còn lại đều bị ảnh hưởng và giảm năng suất. Chúng tôi đã báo cáo lên các cấp trên đề nghị có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương và bà con nông dân nhưng hiện thời vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể và triệt để được triển khai. Địa phương đã tiến hành mua lưới thép về quây lọc ở đầu hút máy bơm để ngăn chặn sự di chuyển và xâm nhập của ốc bươu vàng lên hệ thống mương máng thủy lợi và đồng ruộng, song đều không ngăn chặn được. Với bà con, chúng tôi khuyến cáo sử dụng các chế phẩm và thuốc để phun diệt ốc bươu. Tuy nhiên, những giải pháp này đều chỉ mang tính chất tạm thời, về lâu dài cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp để ngăn chặn ốc bươu vàng lây lan và tấn công tới các khu vực khác. Nếu không có giải pháp kịp thời, vấn đề này sẽ ngày càng trở nên khó xử lý hơn.
Hải Lê