(GLO)- Nhiều người dân ở Quảng Ngãi nuôi động vật hoang dã ban đầu là để thỏa mãn thú vui chơi. Sau một thời gian thuần hóa, động vật hoang dã cũng nuôi được như con vật nhà. Trong khi đó, "thượng đế" ngày một giàu lên, thích những món ẩm thực lạ, thì nghề nuôi động vật hoang dã trở thành thời thượng, tạo cơ hội cho dân xóa nghèo…
Thuần thú hoang như con thú nhà
Phía dưới cầu Cộng Hòa thuộc thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện huyện Nghĩa Hành từ lâu dân sống thuần nông. Nhưng vài năm gần đây một số hộ lại chuyển qua nuôi thú hoang dã. Hỏi chuyện, họ đều nói "trông gương thằng Trung, mình bắt chước làm theo".
Theo chỉ dẫn của họ, tôi tìm đến nhà Hồ Duy Trung. Phía sau nhà là ba dãy chuồng làm bằng gạch, mặt trước có chằn lưới B40. AnhTrung đang mang nồi cám như cám cho heo ăn ra cho đám cầy vòi hương (mà dân gian gọi là con chồn cây) ăn. Thấy tôi ngạc nhiên, anh cười, cắt nghĩa: "Loài này giỏi leo trèo và ăn trái cây. Nhưng mình có trái cây nhiều đâu mà cho chúng ăn hoài nên tập dần cho chúng ăn cám. Chúng đói nên ăn, ăn lâu dần nên quen. Rồi con của chúng thì chẳng cần thuần hóa nữa".
Anh Hồ Duy Trung-từ nuôi chơi thành nuôi thật với 95 con cầy vòi hương. Ảnh: Trường An |
Anh Trung đến với nghề nuôi chồn cây rất tình cờ. Đó là một chiều mưa của 5 năm trước, trên đường đi làm rẫy về ngang đập Hố Cá, xã Long Mai (Minh Long) thấy có chàng thanh niên dân tộc H'Rê bẫy được cặp chồn cây. Nhìn chúng còn nhỏ, đôi mắt thao láo nên anh thích, hỏi mua với giá 200 nghìn đồng. Đem về nhà, anh đóng chuồng gỗ để nuôi chơi. Nhưng hơn một năm sau, chồn hương bắt đầu đẻ con. "Thấy con con mới đẻ dễ thương quá nên tôi lại nới chuồng, bắt chồn đực ra riêng cho mẹ chúng chăm con. Rồi đàn chồn cứ thế tăng dần"-Anh Trung chia sẻ.
Đầu năm 2010, tình cờ có người quen ở quận Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh về quê thăm chơi, nghe anh nuôi chồn nên chụp ảnh giới thiệu với một người sản xuất cà phê phân chồn. Họ ra xem đàn chồn rồi hợp đồng miệng với anh chuyển cà phê tươi ra để anh cho chồn ăn rồi họ lấy phân, cứ mỗi ngày họ trả công cho anh và đàn chồn 200 nghìn đồng. Thấy có người "tiếp tế lương thực" cho đàn chồn mà còn được trả tiền công, anh nhận lời.
Rồi khi Festival cà phê Buôn Mê Thuộc năm 2011 sắp khai mạc, người thuê anh cho chồn ăn cà phê bảo anh mang chồn lên để họ giới thiệu với khách trong vòng một tuần. Anh chọn 6 con trong tổng đàn 95 con đem bỏ vô lồng sắt, ngoài khoát bao tải đi xe khách lên Tây Nguyên tham gia hội chợ. Festival kết thúc, người thuê anh bảo anh hợp đồng với họ mang cả đàn chồn vô Hóc Môn để cho chúng ăn cà phê. Anh nghĩ, đường xa xứ lạ vô đó không tiện. Vả lại, ở quê nhà nếu phát triển đàn chồn đem bán thịt cũng đã có lãi rồi. Nhưng tại sao họ cho chồn ăn cà phê mình lại không làm được như họ nên hiện anh đang trồng một hecta cà phê để hái trái cho chồn ăn rồi lấy "phân chồn" đem bán.
Còn anh Lê Văn Hữu, ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành cũng dân thuần nông. Cách đây hơn 10 năm, cũng tình cờ mua được đôi nhím về nuôi. Thấy con nhím dễ chăm sóc mà không bị bệnh, trong khi đó, nguồn thức ăn của chúng cũng là cây nông sản như bắp, chuối. Rồi đến mùa sinh sản, mỗi con nhím cái đẻ hai con và mỗi năm đẻ vài lứa nên đàn nhím phát triển nhanh chóng. Thấy nuôi nhím cũng dễ nên những người dân trong làng đến xem và mua nhím về nuôi. Với giá 15 triệu đồng/cặp (nay còn 6 triệu đồng/cặp) anh Hữu có lãi nên tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng nuôi, lắp camera phòng chống trộm. Vừa nuôi vừa bán giống, hầu như lúc nào anh Hữu cũng có trên vài chục con nhím cái và mười con nhím đực trong chuồng.
Thấy nuôi thú hoang dã vừa khoái lạ vừa có tiền nên nhiều hộ dân ở Nghĩa Hành bắt chước nuôi theo. Không chỉ chồn cây, nhím mà còn nuôi động vậy hoang dã như rùa, trăn, rắn. Riêng anh Hữu và cả anh Trung còn tìm đến đồng bào dân tộc H’Rê trong vùng mua con dúi (mà ở Quảng Ngãi gọi là con chuột lách) đem về xây chuồng nuôi. Loài này thuộc họ gặm nhấm. Chúng ăn tre nứa, mía cây và mỗi năm đẻ 4 lần, mỗi lần hai con. Nuôi chừng 3 tháng, anh bán 1 triệu đồng/cặp.
Đến hợp tác xã nuôi động vật hoang dã
Trong khi đó, vùng xã Bình Thạnh, Bình Đông huyện Bình Sơn là vùng cát trắng bời bời. Trước đây, khi mùa hạ về những đứa trẻ quê nghèo làm bẫy "cò ke" để bắt nhông ướp lá chanh nướng ăn chơi. Rồi cái vùng cát nghèo "trở mình" xây dựng KKT Dung Quất. Người dân thị trấn Châu Ổ và các vùng lân cận cuộc sống ngày một khá dần, cứ chiều chiều có người đi xe máy, xe hơi lái xuống Khe Hai tắm biển. Những người dân quê nghèo thấy họ có nhu cầu nên che chòi lá dừa bán ghẹ luộc và huy động bọn trẻ bắt nhông giã muối ớt, lá chanh để nướng, hoặc nấu cháo nhông để bán. Hai món ẩm thực dân dã thoáng chốc đã "chinh phục" được những người khá giã nên lượng nhông tiêu thụ ngày càng nhiều. Những người dân vùng cát thấy vậy bèn nghĩ cách nuôi nhông.
Anh Lê Tấn Chánh ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh đưa tôi ra trại nuôi nhông của anh rộng trên 500 m2 với hàng ngàn con nhông. Thoáng thấy bóng người, chúng chạy vội xuống hang. Anh kể: "Thấy con nhông khan hiếm dần nên mình mua đem về nuôi thử. Thấy chúng cũng dể nuôi vì ăn rau cỏ thôi mà". Từ ban đầu nuôi một vài cặp thành công, anh Lê Tấn Chánh quyết định bỏ tiền xây trại nuôi. "Loài nhông đào hang sâu lắm nên phải đào xuống 1,8 mét rồi mua tôn về trải dày mặt đất và rồi dùng gạch thẻ xây để phòng chúng chui ra ngoài". Sau khi xây chuồng trại, anh mua 40 kg con giống đem về thả nuôi. Bây giờ, cứ mỗi năm anh bán khoảng trên 60 kg nhông thương phẩm.
Nếu 7 năm trước khi khởi nghiệp nuôi nhông, giá nhông chỉ 45 nghìn đồng/kg thì bây giờ từ 350-400 nghìn đồng/kg, tính ra, mỗi năm anh thu được từ 20-30 triệu đồng. Anh nói: "Trên diện tích đất cát xưa nay bỏ hoang giờ có nguồn thu như thế là quá lý tưởng.
Anh Lê Văn Hữu khá thành công trong việc phát triển đàn nhím. Ảnh: Trường An |
Thấy nhiều người dân ở thôn Trung An tiến hành nuôi nhông rồi tranh mua, tranh bán, hoặc gièm pha lẫn nhau, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Bình Thạnh liền đưa ra ý tưởng xây dựng Tổ hợp tác nuôi nhông. Ngày 15-6-2011, Tổ hợp tác nuôi động vật lạ ra mắt với 24 thành viên để giúp nhau về con giống, kỹ thuật nuôi, còn thị trường tiêu thụ thì còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của người dân khu vực bãi tắm Khe Hai, Khu du lịch Thiên Đàng. Thông qua hợp tác xã, những người nuôi nhông ở vùng cát Bình Thạnh càng có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm về nghề nuôi và mua bán sản phẩm.
Hướng mở cho nghề nuôi động vật hoang dã
Ông Từ Văn Khánh-Chủ tịch Hội nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: So với nhiều vùng trong tỉnh, nông dân Nghĩa Hành khá nhạy bén trong việc tìm tòi đưa con giống, vật nuôi mới vào sản xuất. Bà con đã đưa giống cây chôm chôm, sầu riêng, măng cụt về trồng. Còn những con vật lạ thì bà con đã biết thuần dưỡng hoặc mua giống về nuôi. Nếu so với việc trồng lúa, hoa màu thì nuôi con thú hoang dã thu nhập cao hơn nhiều. Tuy vậy, muốn nuôi đạt hiệu quả cao thì phải tham khảo tư liệu, hiểu rõ đặc điểm của vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hân-Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết: Những năm gần đây, việc nuôi động vật hoang dã ở Quảng Ngãi phát triển nhanh, vừa thỏa mãn sở thích của những người muốn nuôi động vật hoang dã vừa là hướng cho nhiều hộ dân xóa nghèo. Tuy vậy, hộ chăn nuôi động vật hoang dã cần có giấy xác nhận về nguồn gốc và nhanh chóng lập hồ sơ để Chi cục kiểm lâm cấp giấy phép.
Điều này, là cơ sở pháp lý cho người nuôi; đồng thời khi kinh doanh mua bán cũng hợp pháp. Mặc khác muốn nuôi động vật hoang dã, chưa ai nuôi bao giờ thì phải nhờ tư vấn của ngành kiểm lâm xem có vi phạm quy định về bảo tồn động vật hoang dã hay không. Tránh trường hợp một loài thú quý hiếm mà không có bất kỳ một giấy tờ của cơ quan chức năng cho phép dẫn đến vi phạm quy định bảo tồn động vật hoang dã, phải xử lý.
Trường An