Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Khôi phục kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý 2-2020 của Mỹ giảm 32,9% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này. Đại dịch cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm...
 
Nhiều cửa hàng trên đường Broadway, bang New York phải đóng cửa vì dịch COVID-19, ngày 25-4-2020 - Ảnh: Reuters
Nhiều cửa hàng trên đường Broadway, bang New York phải đóng cửa vì dịch COVID-19, ngày 25-4-2020 - Ảnh: Reuters
Vào tháng 10 năm nay, tháng quan trọng nhất trước ngày bầu cử 3-11, tạp chí TIME (Mỹ) tiếp tục khuấy đảo mạng xã hội bằng một trang bìa ấn tượng, diễn tả gần như đầy đủ những gì đương kim Tổng thống Trump đang đối mặt trong cuộc tranh cử với đối thủ Joe Biden.
Trên trang bìa ấy, Nhà Trắng được mô tả đơn độc, tối om trong nền bầu trời đêm, bị biểu tượng virus corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 bủa vây. Trên nền trời ấy, ánh đèn vàng lẻ loi bên cửa sổ Nhà Trắng trở nên nổi bật hơn.
Xét vị trí, có thể thấy đó là một căn phòng có tên "Lincoln Sitting Room". Trong đêm cuối cách đây 46 năm, Nixon đã từ chức và thông báo chia tay cấp dưới cũng trong căn phòng "Lincoln Sitting Room". Nhà Trắng của những ngày tháng 10 là như vậy. Tổng thống Trump sau những lùm xùm trong chính quyền, phải đối mặt với COVID-19, một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi.
"Thành trì kinh tế" của ông Trump
"Mọi người có việc làm nhiều hơn. Ông ta là người dám nói, dám làm", Uyên Minh, một cử tri gốc Việt, trò chuyện với Tuổi Trẻ đêm 3-11, thời điểm hầu hết các thùng phiếu tại Mỹ đã đóng, cảm giác còn lại chỉ là sự hồi hộp chờ kết quả bỏ phiếu.
Lấy chồng và có cuộc sống ổn định tại Mỹ, Uyên Minh đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, bất kể hiện tại cô là người ở California, một bang có tới 55 phiếu đại cử tri và nghiêng hẳn về Đảng Dân chủ của ông Biden. Cô là trường hợp điển hình có thể phản ánh bức tranh chung về ông Trump của bốn năm qua: dù sao đi nữa, thành tích kinh tế là điều khó chối bỏ. Hoặc ít nhất đây là cảm giác của những người "bình thường" chứ không phải nhận định của các nhà kinh tế học.
Thực tế về mặt con số, Trump có thể tự hào về thành tích tạo ra công ăn việc làm. Nhà phân tích Karl W. Smith nhận định trên Bloomberg ngày 30-10 rằng Trump có lý do để tự hào về kinh tế. Trong giai đoạn từ 2009 tới tháng 12-2016 (thời tổng thống Obama), tỉ lệ thất nghiệp đã giảm 5,2 điểm phần trăm, từ 9,9% xuống còn 4,7%. 
Tới tháng 12-2019, thời Trump, tỉ lệ thất nghiệp giảm tiếp 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,5%. Trước đại dịch COVID-19, thị trường lao động tại Mỹ đã bùng nổ với khoảng 153 triệu lao động làm việc, và tỉ lệ thất nghiệp rơi vào mức thấp nhất trong 50 năm qua.
Trong khi đó, giai đoạn 3 năm ông Trump làm tổng thống (2017 - 2019) cũng ghi nhận mức thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng đáng kể. Theo Cục Thống kê dân số Mỹ, trong tháng 9 qua, số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát cho thấy trung bình các hộ gia đình Mỹ kiếm được 68.703 USD trong năm 2019 - tăng 5.800 USD (hoặc 9%) so với thời điểm 2016. 
CNN, một đài chống Trump quyết liệt, chỉ ra rằng thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp thu nhập tăng, và hơn 20 bang đã tăng lương tối thiểu, từ đó giúp lao động thu nhập thấp cải thiện đáng kể tiền lương.
Chính sách tập trung vào cắt giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp của ông Trump cũng được các doanh nghiệp đón nhận. Nó cũng đóng vai trò đáng kể cho những chỉ số lạc quan trên thị trường chứng khoán, góp phần khiến ông Trump viết trên Twitter vào ngày 19-2-2020 rằng thị trường chứng khoán đã tăng kỷ lục trong lịch sử Mỹ tính "đến nay". Forbes xác nhận đó là tuyên bố chuẩn xác, mặc dù sau đó điểm chứng khoán giảm, đón nhận nhiều đợt phập phù.
Thu nhập tăng cũng là lúc tỉ lệ nghèo đói giảm. Ước tính của Cục Điều tra dân số trong khảo sát tháng 3-2020 cho thấy số người Mỹ sống trong cảnh nghèo giảm 6,6 triệu người, tỉ lệ giảm 2,2 điểm phần trăm xuống còn 10,5% dân số.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 quả thực đã thay đổi cuộc chơi bằng việc quét sạch thành tựu kinh tế của ông Trump. Những chỉ số ấn tượng về tỉ lệ thất nghiệp hay số lượng công việc tạo ra đều bị quy định phòng dịch tiêu hủy. Điều này đẩy ông Trump vào tình thế bị tấn công từ nhiều mũi nhọn khác nhau.
 
Hàng trăm người chờ điền hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, ngày 18-6-2020 - Ảnh: Reuters
Hàng trăm người chờ điền hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, ngày 18-6-2020 - Ảnh: Reuters
Trump hay Biden, nước Mỹ vẫn trên hết
Vừa qua, Chính phủ Mỹ đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý thứ ba tăng rất sốc ở mức 33,1%. Thực tế con số này chỉ phản ánh tỉ lệ tăng hợp lý sau khi đại dịch khiến nó cũng giảm mạnh ở mức tương tự. Nhưng đó là một chỉ số ít nhiều lạc quan cho một nền kinh tế phục hồi của năm sau.
Một điểm đặc biệt là ông Biden cũng đưa ra một kế hoạch kinh tế khá toàn diện, nhưng vẫn dựa trên cơ sở mang lại lợi ích tốt nhất cho người Mỹ theo hướng đi của ông Trump - dù khác nhau về chi tiết các bước.
Về kế hoạch kinh tế, ông Biden xây dựng chiến lược "nhằm đảm bảo tương lai, "sản xuất tất cả ở Mỹ" bởi "tất cả những người lao động của Mỹ"". Nội dung trên website chiến dịch của ông khẳng định ngành sản xuất Mỹ là động lực cho thế giới dân chủ trong Thế chiến II, và phải là một phần cho động lực của sự thịnh vượng Mỹ ngày nay.
Ông Biden cũng cam kết cụ thể hóa kế hoạch "Buy America" (mua hàng Mỹ) mà ông cho rằng Tổng thống Trump không thực hiện triệt để. Theo đó, kế hoạch của Biden muốn tạo ra thêm 5 triệu việc làm, và chính phủ sẽ chi tiêu 400 tỉ USD để mua sản phẩm, dịch vụ Mỹ. Đồng thời, 300 tỉ USD khác sẽ được chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Song song đó, có sự tương đồng về cốt lõi trong các chính sách kinh tế của ông Biden với ông Trump, xét về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, ông Biden cũng đẩy mạnh "Cung ứng Mỹ", một kế hoạch mang chuỗi sản xuất quay lại Mỹ "để nước Mỹ không lệ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trong việc sản xuất những hàng hóa quan trọng trong một cuộc khủng hoảng". Trong mục tiêu biến "Buy America" trở nên thực tế, các tuyên bố của ông Biden bao gồm việc siết chặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ, không để sản phẩm dán chữ "Made in America" xuất hiện dễ dàng.
Nội dung này khẳng định hiện nay một số sản phẩm ghi "Made in America" vẫn được dán trong các thủ tục thu mua liên bang, bất chấp chỉ có hơn 51% vật liệu sử dụng cho việc sản xuất sản phẩm ấy được tạo ra trong nước. Ông Biden cũng rất chú ý tới việc siết chặt quy định nhằm vào các công ty dán nhãn "Made in America" kể cả khi sản phẩm đó xuất phát từ Trung Quốc hoặc các nước khác.
Sức tàn phá của COVID-19
Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Hoa Kỳ (BEA), GDP quý 2-2020 của Mỹ giảm 32,9% - mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này, cao gấp 4 lần con số đỉnh điểm do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra cách đây hơn 10 năm.
Đại dịch cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh hồi tháng 6-2020, số người thất nghiệp do COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 45,7 triệu người, tức mỗi tuần có hơn 1 triệu người thất nghiệp từ lúc bùng dịch.
Trước khi đại dịch ập tới, số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần chưa bao giờ vượt quá 700.000 người, kể cả trong thời kỳ đại suy thoái.
MINH KHÔI tổng hợp
*****************
Trung Quốc được cho là mối đe dọa chiến lược khi đang thách thức vị trí cường quốc số 1 của Mỹ cả trên mặt trận kinh tế lẫn an ninh. Tìm ra cách đối xử đúng đắn với Trung Quốc sẽ là nhiệm vụ quan trọng của vị tổng thống Mỹ tiếp theo, dù đó là ông Trump hay ông Biden.
Kỳ tới: "Mối đe dọa chiến lược" Trung Quốc
NHẬT ĐĂNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.