Núi chiều mây phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TP Bảo Lộc nằm ở cực Nam Tây Nguyên, xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi cuối dãy Trường Sơn; trong đó, ngọn Sepung ở phía Nam, làm cho Bảo Lộc mang dáng dấp một phố núi. Vào các buổi chiều tà, những áng mây lãng đãng sà xuống tận mái nhà của cư dân, mang vẻ huyền ảo, lung linh...
Bảo Lộc sương sớm. Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Bảo Lộc sương sớm. Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Tôi gặp ông K’Heh (người Mạ) buôn B’Lao Sre, ông sống bên chân núi, đã kể cho tôi nghe về ngọn núi mà ông gắn bó cả đời.

Núi Sepung là núi thiêng của người Mạ ở B’Lao, còn gọi Núi Bà. Trong xã hội người Mạ, đang chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, người phụ nữ là rất quan trọng của dòng tộc, nên Núi Bà là núi thiêng hàng đầu xứ B’lao. Dưới chân núi Sepung có con sông nhỏ, phát nguồn từ dãy đèo Bảo Lộc, chảy từ phía Tây sang Đông, để hợp lưu với sông Đạ Rnga ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Con sông này người Mạ gọi là sông Đạ Bin, người Kinh gọi là sông Đại Bình...

Sông Đạ Bin vốn là con sông của yàng (thần), trên đó thuở xa xưa, các “kòn cau” (con của người), dùng làm nơi tổ chức lễ cúng, để cầu khấn thần lúa (Yàng Kòi) đừng để người Mạ bị đói. Ven sông, chỗ người Mạ gọi là Lú Nring (đá bằng), người Kinh gọi là Đá Bàn, nay thuộc phường B’Lao (Bảo Lộc)...

Nghe ông kể, tôi cười: - Có núi thiêng thì cũng có sông thần. Sông Đại Bình và núi Sepung như tấm bình phong làm đẹp cho TP Bảo Lộc ở phía Nam.

Trong một chiều muộn, chúng tôi vào rẫy buôn Kon Teh Sre Pong ở mạn Đông núi, thăm người bạn học thuở thiếu thời. Anh K’Bông là con nối dòng của tộc lớn nhất trong buôn. Anh cũng đã kể cho chúng tôi nghe về ngọn núi huyện thoại này. Theo K’Bông, các dãy đồi chung quanh ngọn núi là phần rừng của nhiều buôn làng. Phía Nam, giáp với trảng Đạ Rngào là rừng của buôn Bngơr Đạ Tràng, phía Tây Nam là của buôn Đạ Rngào, phía Bắc thuộc buôn B’Lao Sre và buôn Kon Hền Đạ. Phía Đông là buôn B’Lao Kon Teh Sre Pong. Các buôn canh tác trên phần đất thuộc buôn mình, ít khi xâm phạm sang đất của buôn khác. Các buôn chỉ phát rẫy trên những khu rừng thưa thứ sinh, nhờ đó, đất rừng lại có lớp mùn xốp dày, sẽ làm cho lúa mẹ, lúa con tươi tốt trong mỗi mùa rẫy...

- Vậy rừng núi Sepung ngày xưa có nhiều gỗ quý không? Tôi hỏi.

- Rừng trên núi Sepung là rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như kiền kiền, sao, dổi, vàng tâm, huỳnh đàn, trắc, cẩm lai… nhưng không hiểu sao, sườn phía Bắc của núi lại có nhiều mỏm núi trọc, chỉ có cỏ tranh, một vài cây me rừng, loại cây có quả tròn tròn to như ngón tay cái, ăn vào có vị vừa chua, vừa chát, vừa đắng hòa lẫn rất lạ, hoặc vài cây cà chí khẳng khiu. Những đồi trọc đó, vào dịp cuối năm, hoa cỏ tranh nở trắng, dập dờn trong gió, như được phủ bởi lớp tuyết của vùng hàn đới rất đẹp.

Trên núi cũng có rất nhiều cây rau rịa, người Mạ gọi lá non là Biăp se, lá già là Biăp Pù, người Kinh gọi chung là lá bép, một loại cây thân mộc nhỏ, mọc dưới tán rừng, hái lá non về đem luộc hay xào đều rất ngon, vị rau vừa bùi vừa béo. Nghe nói thời kháng chiến, vùng rừng Bảo Lộc có một tiểu đoàn quân chủ lực Quân khu VI đứng chân. Khoảng năm 1966, 1967 họ thiếu gạo phải dùng lá rau rịa nấu cháo cùng củ khoai mì thay cơm nên có biệt danh là Tiểu đoàn lá Bép.

Cùng trò chuyện, nhà thơ Trần Ngọc Trác kể: Khi thám hiểm vùng giữa ba con sông Đạ Rnga, Đạ Huoai và Đạ Đờng, phái đoàn do Điền nông Phó sứ Bình Thuận Nguyễn Thông phái đi hồi cuối thế kỷ XIX đã đi theo con đường này lên miền núi và từ đó đến bờ sông Đạ Đờng. Đầu thế kỷ XX, khi thám hiểm vùng thượng lưu sông Đạ Huoai, đoàn của bác sĩ Paul Neiss cũng đã theo đường này đến lưu vực sông Đạ Mbri, để đến vùng đầu nguồn sông Đạ Mbri và Đạ Rnga...

Trong hồi ký “Một thời cầm súng” của ông Nguyễn Xuân Du, liên quan đến núi Sepung đại ý rằng: Trong thời kỳ kháng chiến, núi Sepung là nơi đứng chân của T14 Phân ban Tỉnh ủy Lâm Đồng phía Nam đường 20, sau đó là căn cứ tiền phương của Thị ủy Bảo Lộc có mật danh T29. Tết Nhâm Dần 1962, tại đầu nguồn Đạ Rngào ở sườn phía Tây núi Sepung, Phân ban T14, lần đầu tiên đã tổ chức ăn tết cho quân dân vùng căn cứ Nam Lâm Đồng, với ý nghĩa thay cho ngày hội mừng 9 năm chiến đấu của những cán bộ ở lại chiến khu, mừng cán bộ tập kết mới về và Nhân dân căn cứ cách mạng. Đây là cuộc gặp mặt của bốn đơn vị công tác mới thành lập ở phía Nam Lâm Đồng, gồm: Huyện ủy K3 Di Linh, Huyện ủy K4 Đạ Huoai, Đội công tác T29 và lực lượng vũ trang C3/T14 sau khi Tỉnh ủy Lâm Đồng hình thành ngày 01/02/1962.

Anh K’Bông còn cho biết thêm: Có một thời, dãy núi này được gọi là núi Ba Hưng, vì trong một thời gian dài, ông Ba Hưng đã chỉ huy bộ đội hoạt động trong vùng, dùng núi Sepung làm căn cứ tiền phương. Đến nay, tên núi Ba Hưng ít người biết, chỉ còn lưu lại trong ký ức của những lão thành cách mạng đã từng chiến đấu ở T29 ngày trước.

Núi Sepung là tài sản thiên nhiên vô giá của TP Bảo Lộc. Núi như một tấm bình phong ở phía Nam làm thành bức tường xanh, điều hòa khí hậu cho toàn vùng. Ngọn núi nằm sát phố xá Bảo Lộc, mỗi buổi chiều, dải sương trắng bạc che gần hết đỉnh núi, đứng từ Quốc lộ 20, đoạn trước khách sạn Hồng Thái hoặc ở đỉnh dốc Lê Minh Sanh nhìn xuống thung lũng phía dưới có núi Sepung làm nền mờ ảo trong sương, quả là cảnh đẹp không phải thành phố nào cũng có.

Trong các dự án phát triển TP Bảo Lộc, nhiều Dự án gắn liền với núi Sepung như dự án Khu du lịch suối Đá Bàn, con suối từ hồ Đồng Nai ở trung tâm thành phố chảy vào sông Đại Bình, ở điểm hợp lưu có nhiều phiến đá lớn trên dòng chảy tạo nên khung cảnh thơ mộng, gắn liền với huyền thoại hiến sinh cầu sự bình yên từ thuở xa xưa của người Mạ. Dự án cáp treo lên đỉnh núi Sepung từ khu vực thung lũng B’Lao Sre hoặc khu cầu dây sông Đại Bình, để mọi người thuận lợi “săn mây” và đón những tia nắng đầu tiên mỗi ngày... Con đường vành đai phía Nam dưới chân núi Sepung sắp hoàn thành, sẽ mở ra không gian phát triển các khu dân cư mới của Bảo Lộc, nơi không gian sống thơm ngát hương trà buổi sớm và những vầng mây trắng bạc lãng mạn mỗi buổi chiều tà.

Núi Sepung rất hấp dẫn cho các chuyến du lịch dã ngoại. Từ trên đỉnh núi, có thể ngắm toàn TP Bảo Lộc và cao nguyên B’Lao lúc hoàng hôn; hay chiêm ngưỡng vẻ tinh khôi của đất trời B’Lao trong màn sương buổi sớm, đón ánh nắng ban mai với bao cảm xúc rất thi vị giữa đất trời thành phố trẻ giàu tiềm năng.

Trong tương lai, TP Bảo Lộc sẽ phát triển gắn với đỉnh núi Sepung. Song, theo tâm nguyện của các già làng người Mạ và cư dân Bảo Lộc, phát triển nhưng phải giữ sự hài hòa về cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái. Phát triển du lịch, cần kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhiều thế hệ trên vùng đất này; đặc biệt, những giá trị văn hóa gắn với không gian rừng và tâm linh của người Mạ cư trú lâu đời quanh ngọn núi Sepung...

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.