Nữ nhân cưỡi sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những con sóng trùng khơi có thể đánh gục nam nhi. Vậy mà ở Quảng Ngãi có nữ nhân ngày ngày cưỡi sóng ra khơi.

Cũng đêm dài lênh đênh, cũng lèo lái dông gió. Trước biển khơi họ không còn là phụ nữ chân yếu tay mềm nữa mà trở thành những người có bản lĩnh thép.

Nữ nhân làng chài

 

Bà Mai chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Bà Mai chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Không phải cánh mày râu mà người dọc ngang biển khơi nổi tiếng bậc nhất xã biển Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) là nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Mai.

Đã nghe về bà rất nhiều lần nhưng hiếm khi có dịp gặp bà bởi phần lớn thời gian bà ở trên biển. May mắn lắm tôi mới gặp được người phụ nữ ngấp nghé tuổi lục tuần khi bà đang chuẩn bị ra khơi.

Bà Mai bắt đầu câu chuyện từ 24 năm về trước khi người con đầu lòng của bà được 5 tuổi. Đó là một buổi sáng trời rất đẹp, bà theo chồng ra khơi.

Lần đầu tiên bà cảm nhận được thế nào là say biển. "Tôi đã nôn rất nhiều đến mức chồng tôi tính bẻ mũi cho tàu quay lại bờ" - bà Mai kể.

Nhưng trước sự kiên quyết của vợ, người chồng đành chiều lòng. Chiếc thuyền thẳng tiến ra khơi.

Những ngày lênh đênh trên biển dù rất mệt nhưng bà cố gượng dậy xem mọi người cách thả lưới, gom lưới, rồi cách nhìn con sóng mà bẻ hướng tàu đi...

Và rất nhiều người trong số đó thầm nghĩ có lẽ đó là lần cuối cùng người phụ nữ ấy đi biển. Nhưng rồi tất cả phải bất ngờ khi người mẹ trẻ ấy vẫn tiếp tục ra khơi cho đến tận bây giờ.

Ở làng chài Tịnh Kỳ, những kình ngư lão luyện đều nể bà Mai về độ lèo lái tàu đêm. Cái nghề đánh giã cào đêm gần như chiếm trọn cuộc đời biển khơi của bà. Khi đất liền yên giấc cũng là lúc bà thức trọn cùng với cánh đàn ông trên tàu truy đuổi đàn cá.

"Đó là giây phút căng thẳng nhất, tàu tôi hành nghề giã cào đơn nên khi phát hiện luồng cá phải vây kịp rồi lái cho khéo chứ không là sẩy chẳng gom được con nào. Mà phải cẩn trọng chứ cua gấp quá mà gặp sóng lớn là úp tàu như chơi" - bà Mai nói.

Trong cuộc đời nữ thuyền trưởng này có rất nhiều lần trúng lớn, cá đầy khoang trở về. "Trận đánh" lớn nhất mà cả đời bà Mai không thể nào quên đó là một chuyến bà cùng chồng ra khơi ngay khi bão vừa tan, năm 1999.

Vừa đến vùng biển Lý Sơn đã dò được luồng cá lớn. Sau cú tăng tốc ngược sóng chặn đầu, cả đàn cá lớn được tóm gọn.

"Hai vợ chồng dùng vợt lưới mệt nghỉ. Đi hơn 10 giờ mà kiếm được gần 30 triệu đồng. Thời điểm đó là rất lớn" - bà Mai kể.

Ngư dân Huỳnh Minh Phương (55 tuổi) cười khà khà khi nói về bà Mai: "Ai nói đàn bà không đi biển được. Tụi tui tuổi nghề còn thua bà Mai nữa đó. Gì chứ dò luồng cá với vây cá thì bả số 1 đất này".

Sự nể phục của cánh mày râu cũng đúng bởi trong chừng ấy thời gian bà chỉ huy tàu ra khơi chưa có chuyến nào trở về tay trắng.

Yêu biển cả

 

Những đội tàu xuất phát từ cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thẳng tiến ra khơi.
Những đội tàu xuất phát từ cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi) thẳng tiến ra khơi.

Đi biển từ khi đứa con trai đầu vừa tròn 5 tuổi. Bây giờ con đã 25 tuổi. Chừng ấy thời gian, bà Mai cũng để lại hình ảnh mình ở rất nhiều vùng biển Tổ quốc. Từ vùng biển xa như Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến biển gần ngoài Hòn Than, Sa Cần, Lý Sơn...

Riết rồi thành quen, giờ bà cũng không còn ngại sóng gió nữa. Cỡ nào cũng chịu được, chỉ cần có cá là bà tìm đến. Bây giờ bà vẫn làm thuyền trưởng, chỉ khác ngày xưa là không còn đánh bắt ở vùng biển quá xa nữa, bởi sức khỏe không cho phép đi dài ngày.

Tàu cũng nhỏ hơn để không "ham hố" theo luồng cá chạy quá xa. Nói đến "nữ thuyền trưởng" của đời mình, ông Võ Thanh Dũng (chồng bà Mai) kể: "Nay đi khơi phải tàu to, máy lớn thì mới dễ tìm người đi bạn. Còn nhà tôi, thuyền nhỏ, máy nhỏ... nên chỉ một vài người bạn và vợ. Nếu bà ấy mà không đồng hành thì tôi chẳng thể đi một mình. Công việc giữ lưới, kéo lưới nặng nhọc, dễ ngã... nên khi tôi ra boong kéo lưới thì bà trong này cứ thế lái tàu, không thua gì nam giới".

Trên người bà Mai có đến 3 vết sẹo dài hơn 1 gang tay sau những lần mổ sỏi thận, nhưng bà Mai vẫn cứ mải miết vươn khơi. Quanh năm vươn khơi nên thời gian nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai lênh đênh trên biển còn nhiều hơn trên đất liền.

Cứ 15 giờ hôm nay đi biển thì rạng sáng hôm sau, chiếc tàu giã cào đơn do bà cầm lái mới cập bến. Bán cá xong cho thương lái, bà lại tất bật với công việc đan lưới, đan chài rồi cơm nước và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo.

 "Đi biển cùng chồng, hiểu được nỗi vất vả của nghề biển rồi từ đó yêu biển cả lúc nào không hay. Nhiều người bảo 55 tuổi là "nghỉ hưu" được rồi, chồng cũng bảo vậy nhưng tôi thì không nghĩ vậy.

55 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề, những sóng gió, rủi ro trong hành trình đi biển của mình, bà Mai không kể xiết. Bao lần té ngã trật cả lưng... khi gặp sóng dữ, rồi những lần thót tim chạy đua với bão để vào bờ tránh trú bà Mai đều trải qua.

Bà bảo vất vả là thế nhưng chỉ có những ngày trăng sáng bà mới ở nhà nghỉ ngơi, vá lưới, vui vầy cùng cháu con. Còn lại, bà vẫn đưa con tàu ra phía biển khơi.

 

Có điều rất lạ, trên đất liền bà không biết đi... xe máy nhưng khi xuống biển bà là thuyền trưởng, thay chồng cầm lái, đi hết vùng biển này đến vùng biển kia. Né tàu, né rạng, ban đêm nhắm theo đèn mà né tàu, nhắm hướng trăng mà bẻ lái... bà Mai đều rất thuần thục.

Ánh chiều đổ xuống cảng Sa Kỳ, bà Mai đi xuống khoang máy kiểm tra lại dầu rồi ra khoang cá kiểm tra đá lạnh, vào cabin kiểm tra lại máy dò, ngư lưới cụ...

Bà Mai bảo: "20 năm qua tôi vẫn làm những công việc như thế này trước khi ra khơi". Lo xong hết mọi việc của một thuyền trưởng, bà Mai hối thúc chồng và các ngư dân xuống tàu bắt đầu nhổ neo, ra khơi.

Lại một chuyến biển nữa trong đời bà, và vẫn giữ thói quen cũ mỗi lần rời cảng, đứng nơi vôlăng bà nói vọng vào dặn con: "Tối ngủ nhớ đóng cửa kỹ lại nghen. Cơm má nấu rồi đó". Dù con đã lớn nhưng mỗi chuyến ra khơi, bà vẫn có những lo lắng của người mẹ.

Trần Mai/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.