Nữ họa sĩ 'níu giữ những người mẹ vĩ đại'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi đã dành hết tuổi xuân cho cách mạng, ở cái tuổi “thất thập”, thay vì vui vầy với con cháu, bà lại rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước để thực hiện một công việc vô cùng ý nghĩa: Khắc hoạ chân dung những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).
Bà là hoạ sĩ Đặng Ái Việt (tên thật là Đặng Thị Bông, SN 1948 tại Tiền Giang, hiện sống tại TP.HCM).  
Thay mặt đồng đội, con cám ơn mẹ
Tôi may mắn gặp hoạ sĩ Ái Việt trong một ngày cuối  ở Đồng Xoài, Bình Phước khi bà lên vẽ chân dung Bà mẹ VNAH Đinh Thị Kha, trên đường Điểu Ông, P. Tân Bình, TP Đồng Xoài. Đây là ngày đầu tiên trong hành trình khắc hoạ chân dung 28 Bà mẹ VNAH của tỉnh Bình Phước.
 
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt lúc vừa đến nhà Mẹ VNAH Đinh Thị Kha
Chúng tôi đến nhà Mẹ VNAH Đinh Thị Kha trước khi hoạ sĩ Ái Việt đến, và đã chứng kiến giây phút xúc động khi hoạ sĩ gặp mẹ Kha. Bà bước nhanh đến, ôm chầm lấy mẹ, rưng rưng nước mắt. Sau đó, hoạ sĩ đặt những nụ hôn rất lâu lên mái tóc ngả màu, lên đôi gò má đã hằn sâu những nếp nhăn của mẹ Kha. “Những nụ hôn này là tình cảm, là lời cám ơn chân thành con xin phép thay mặt đồng đội đã hy sinh dành cho mẹ”, hoạ sĩ xúc động nói. Quay sang chúng tôi, bà nói tiếp: “Khi gặp các mẹ, tôi đều có những cảm xúc dâng trào, cảm giác như mình là con của các mẹ, thấy thân thương vô cùng”.
Sau hơn nửa tiếng trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống và cuộc đời của mẹ, rồi nghe mẹ Kha hồi tưởng lại ký ức về cuộc đời, về người chồng, người con trai liệt sỹ, hoạ sĩ Ái Việt bắt đầu công việc chính. Bà hỏi: “Mẹ có áo dài không?”. Mẹ Kha gật đầu. “Vậy con đưa mẹ đi thay chiếc dài cho thật đẹp mẹ nhé”. Nói rồi, bà đỡ Mẹ Kha đứng lên, dìu vào phòng trong thay đồ.
 
Thay áo dài cho Mẹ Kha
Ra ngoài, bà tiếp tục ngắm, gài nút áo, vuốt tà áo cho phẳng, rồi sửa sang từng cọng tóc bạc của Mẹ còn vướng trên má, trên trán. Mọi cử chỉ của bà như muốn kéo thời gian trôi chậm lại. Trước khi bắt đầu khắc hoạ chân dung Mẹ Kha, hoạ sĩ Ái Việt chậm dãi đứng lên, tiến lại phía bàn thờ, thắp nén nhang và cúi đầu rất lâu trước ảnh 2 liệt sĩ là chồng và con trai mẹ Kha. Khi bà ngẩng lên, tôi thấy trong đôi mắt đã nhiều nếp nhăn của bà ngân ngấn nước.
Mọi việc xong xuôi, bà nói nhỏ với mọi người rằng bà cần sự yên tĩnh, nên mong mọi người không nói chuyện ồn ào, tắt chuông điện thoại (khoảng thời gian ăn cơm và lúc chuẩn bị công việc cũng là lúc bà tiếp chuyện chúng tôi). Và sau đó, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ làm việc, bà gần như quên hết không gian xung quanh, không biết có ai bên cạnh ngoài Mẹ Kha trước mặt. Quả thật, lần đầu tiên tôi thấy một người phụ nữ 70 tuổi có thể ngồi 1 tư thế, liên tục trong thời gian lâu như thế. Phải chăng, đây chính là một sức mạnh tiềm tàng mà con người có được? Cầm bức hoạ "Mẹ Kha" vừa hoàn thành trên tay, tôi không khỏi giật mình khi nhìn vào đôi mắt mẹ Kha: Đôi mắt ấy sống động, đau đáu, như chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm bên trong. Tôi buột miệng hỏi tác giả: “Đôi mắt này có phải giới nghệ sĩ thường gọi là cái “hồn” không cô?”. Bà đáp: “Tuỳ cảm nhận của mỗi người thôi cháu à. Nhưng với cô, bức hoạ nào về mẹ cũng rất đẹp”, bà đáp.
 
Hoạ sĩ Ái Việt mất gần 3 tiếng đồng hồ cho bức hoạ
Sau khi ăn bữa cơm cùng mẹ Kha, hoạ sĩ Ái Việt tiếp tục đến địa chỉ thứ 2, đó là nơi ở của Mẹ VNAH Phan Thị Đổng, 93 tuổi, ở P.Tân Xuân, TP Đồng Xoài, cách đó không xa. Và, cảm xúc mới lại ùa về, với nữ hoạ sĩ, với chúng tôi, những người chứng kiến cuộc hội ngộ… chân dung Mẹ Phan Thị Đổng là bức hoạ thứ 1.798 của bà.
 
Và kết quả: Bức hoạ Mẹ VNAH Đinh Thị Kha rất sống động
 
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt là người giữ kỷ lục vẽ chân dung và ôm hôn Bà mẹ VNAH nhiều nhất
Tôi hỏi: “Cô đã lớn tuổi, có thể tìm một cách khác để khắc hoạ chân dung các mẹ, vừa không phải lặn lội vất vả, vừa an toàn cho sức khoẻ, hoặc kêu gọi sự hỗ trợ mà?”. Bà lắc đầu dứt khoát: “Cô đủ khả năng kêu gọi tài trợ, hoặc các mối quan hệ để lấy tư liệu. Nhưng như thế thì làm sao có cảm xúc. Cô muốn đến tận nơi, muốn ôm người Mẹ bằng xương bằng thịt. Điểm chung ở các Mẹ là đều nhân hậu, có câu chuyện bi hùng, sự hy sinh không thể đong đếm. Nhưng điểm khác là mỗi Mẹ mỗi vẻ. Vì thế mà mỗi bức hoạ lại khác nhau, có cái hồn riêng, cái mà con vừa thấy. Trong hội hoạ gọi là Thủ pháp “hữu ư tâm xuất hình ư diện” (Nội tâm biểu lộ trên gương mặt)”.  
Chạy đua với thời gian
“Năm nay, hoạ sĩ đã bước sang tuổi 71, cái tuổi mà hầu hết những người khác đã nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, trong khi trên cả nước còn hàng chục ngàn Bà mẹ VNAH. Liệu có đủ thời gian?”. Trước băn khoăn ấy, hoạ sĩ Ái Việt trầm ngâm: “Cô nghĩ, chỉ cần cố gắng làm hết khả năng mình có, đi đến khi nào không thể đi được nữa, vậy là được. Ở đời, thật khó để cầu toàn mọi việc. Nhưng cô cũng đang chạy đua với thời gian”.
Nghe bà kể lại hành trình rèn luyện để có đủ sức đi, tôi phải thầm thốt lên rằng: “Phì thường, đáng nể”. Trước khi bắt đầu hành trình, mỗi ngày bà tập đi bộ cho thể lực tốt dần lên. Sau khi đi bộ quen, bà nâng mức độ tập lên, đó là đeo ba lô chứa đủ các vật dụng cần thiết cho những ngày rong ruổi. Cứ một tuần, bà lại nhịn ăn một ngày hoặc tăng lên 2 ngày để rèn sức chịu đựng. Vật dụng đi đường cũng có đầy đủ. Hễ đang chạy mà trời mưa thì có ngay cái lọng gạt lên che chắn. Lúc mệt, cái xe trở thành chiếc lều cho bà ngả lưng. Bà còn mày mò tự học sửa xe máy, phòng khi xe hỏng giữa rừng vắng.
Ngày đầu tiên họa sĩ Đặng Ái Việt lên đường, các con bà ra sức phản đối. Ngăn cản mãi không được, ba anh con trai đành để mẹ đi nhưng với điều kiện phải cho con “bám đuôi”. Sau vài lần bảo vệ mẹ từ xa, thấy mình “thừa”, các con bà mới yên tâm để mẹ đi một mình.
Tính đến nay, sau gần 10 năm đi và khắc hoạ, hoạ sĩ Ái Việt đã đi 63 tỉnh thành trong cả nước, từ mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, đều in dấu bước chân người phụ nữ nhỏ bé cùng vết bánh chiếc xe máy cũng rất nhỏ bé, chiếc xe Chally (chiếc xe đã “nghỉ hưu” và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, thay thế là một chiếc xe Cup 81).
 
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt trên đường đi gặp các Mẹ VNAH
Và gặp mỗi Bà mẹ, cảm xúc lại dâng trào khác nhau. Những cảm xúc ấy, đều được bà ghi lại trong cuốn nhật ký. “Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, tôi quyết định vẽ. Vẽ trong nước mắt. Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời”, đó là đoạn nhật ký bà viết trong dịp về xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái, khắc hoạ chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nghí (SN 1919).
Khi bà về, mẹ Nghí đang ốm, khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi, hơi thở héo hắt. “Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi, hơi thở đứt quãng mà đôi mắt cứ đau đáu ngóng ra cửa như đang mong ai đó đi xa từ lâu lắm sẽ về. Nỗi ngóng trông vô vọng ngày này qua tháng khác vẫn khắc khoải theo hơi thở dần tàn.
Có mẹ, khi cô đến, mẹ không biết có khách, cứ chầm chậm bước dần lại bàn thờ, nơi treo ảnh người con trai và chồng, thắp nhang xong lặng lẽ đứng nhìn lên, mẹ cứ đứng mãi, đến khi cô bước vào, khẽ đặt tay lên vai, mẹ mới quay lại, thấy trên đôi mắt 2 dòng nước mắt lăn dài, chảy xuống đôi má nhăn nheo. Những hình ảnh ấy, bất cứ ai nhìn cũng sẽ rơi nước mắt thôi cháu à”, hoạ sĩ nói.
Một đoạn nhật ký khác bà viết về những khó khăn, nguy hiểm rình rập trên đường đi: “Ngày 7/6/2011 ở Lai Châu: “7h15 rời Mường Lay. Trời mưa. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở, những tảng đá hàng tấn không biết lở lúc nào nhưng vết đất đá vẫn còn mới lắm. 9h đến công trường thủy điện sông Đà, đường ngổn ngang bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Chally và mình ngã ngang giữa dốc. Chân mình va vào bô xe máy bị bỏng rát”.
“Giấc ngủ trưa rất sâu bên mẹ Nhẹ ở Thanh Hóa. Nằm bên mẹ, thấy mình như bé lại, như trẻ thơ rúc vào nách mẹ nghe tiếng “ầu ơ”. Tỉnh giấc, hình như mẹ đang thút thít. “Mẹ không ngủ à?”. "Buổi trưa mẹ không ngủ, chỉ nằm thôi". Từ lâu lắm, mẹ cô đơn một bóng không ai nằm kề bên, giờ đây chắc mẹ đang tận hưởng cái hạnh phúc được nằm bên người khách gọi mình bằng mẹ, tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi”, trích nhật ký hoạ sĩ Đặng Ái Việt.

Minh Đức (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.