Nụ cười của Mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) hiện sống trên địa bàn Đắk Nông vui khỏe, bình an khi nhận được sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc chu đáo của con cháu, cộng đồng, xã hội.

Hai lần khóc thầm lặng lẽ

Chúng tôi về thăm mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân ở thôn 2, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil vào một chiều mưa tầm tã. Năm nay mẹ Xuân đã 87 tuổi, mắt đã mờ đi nhiều nhưng mỗi lần thấy các con đến thăm, đôi mắt ấy lại lấp lánh niềm vui.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) năm 2024 (Ảnh: Lê Tuấn)

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) năm 2024 (Ảnh: Lê Tuấn)

Cũng như nhiều mẹ VNAH từng gánh chịu những nỗi đau khôn xiết trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mẹ Xuân đã hai lần khóc tiễn người thân hy sinh vì đất nước.

Lần đầu, mẹ đã lặng khóc khi người chồng là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Niên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếp bước truyền thống quê hương, gia đình, con trai mẹ là Nguyễn Ngọc Hiện (SN 1954) quyết tâm lên đường đánh giặc để trả nợ nước, thù nhà. Thương con tuổi còn quá trẻ nhưng mẹ nén lòng động viên con vượt qua gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vào một ngày đầu năm 1973, mẹ Xuân lại một lần nữa như chết lặng khi nghe tin con trai hy sinh khi làm nhiệm vụ. “Ngày nhận được tin thằng Hiện hy sinh, mẹ như chết lặng, nằm ngã vật giữa sân mà khóc. Mất chồng giờ lại mất con, lòng mẹ đau lắm. Chiến tranh thật tàn khốc, mỗi lần nghĩ lại vẫn nhói đau trong lòng”, mẹ Xuân bồi hồi nhớ lại.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ca, năm nay 92 tuổi, ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô có chồng và con trai đều tham gia chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ca với đôi mắt đỏ hoe mỗi khi nhắc về chồng, về con đã hy sinh trên chiến trường

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ca với đôi mắt đỏ hoe mỗi khi nhắc về chồng, về con đã hy sinh trên chiến trường

Anh Hồ Văn Bảy, con trai mẹ Ca cho biết: “Mấy năm nay mẹ có phần yếu đi nhiều nên không còn hay kể chuyện như trước nữa. Ba hy sinh năm 1964, khi đó tôi còn chưa tròn 1 tuổi và 3 năm sau đó là đến lượt anh trai hy sinh. Vì vậy, những hình dung, ký ức về người cha, người anh trong tôi đều qua lời kể của mẹ. Mẹ nhắc, kể về những kỷ niệm, lại xúc động và rơm rớm nước mắt”.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ca, ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) năm 2024 (ảnh Đức Hùng)

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ca, ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) năm 2024 (ảnh Đức Hùng)

Chiến tranh kết thúc, đất nước được thống nhất, hòa bình không có niềm vui nào bằng ngày đoàn viên, sum họp một nhà nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng mà những người thân đã nằm lại trên chiến trường, không về nữa…

Bao lần tiễn người thân lên đường chiến đấu, bao lần khóc thầm lặng lẽ luôn là nỗi lòng khôn nguôi của bao người mẹ trên khắp đất nước Việt Nam đã tận hiến những gì thân thương, yêu quý nhất của đời mình cho Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống cách mạng

Qua năm tháng, mặc dù vẫn còn đó những nỗi buồn thầm lặng, nhưng điều cao quý nhất là các mẹ luôn tự hào vì sự hy sinh của chồng, con đã góp phần làm nên chiến thắng cho dân tộc, đem lại nền độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước.

Bước vào thời bình, vượt qua nỗi đau mất mát, các mẹ lại cần mẫn nuôi con, tiếp tục cống hiến cho các hoạt động xã hội, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.

Tại huyện Đắk Mil, mẹ Xuân tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, nuôi dạy, giáo dục các con cháu nỗ lực học tập, rèn luyện, công tác tốt và trưởng thành. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, những người con khác của mẹ Xuân đã tích cực học tập, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Gác lại nỗi đau của chiến tranh, mẹ Ca cố gắng nuôi dạy những người con còn lại trưởng thành, đoàn kết, biết quan tâm, yêu thương nhau. “Niềm vui của mẹ bây giờ là chỉ mong con, cháu góp công góp sức vào xây dựng quê hương giàu mạnh. Riêng mẹ giờ cao tuổi rồi chỉ mong đừng đau ốm, nằm một chỗ tội con, tội cháu mà thôi”, vừa móm mém nhai trầu, mẹ Ca cho hay.

Anh Bảy, con trai mẹ Ca chia sẻ: “Tôi luôn tự hào khi được sinh ra ở quê có bề dày truyền thống cách mạng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Giờ cùng gia đình vào Đắk Nông sinh sống, làm ăn, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống quý báu của cha anh đi trước, cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương ở thời kỳ mới”.

Anh Bảy từng tham gia chính quyền, giữ nhiều chức vụ ở địa phương và hiện tại đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên, công dân gương mẫu.

Mong mẹ sống vui, khỏe

Sự hy sinh cao cả của các mẹ VNAH chính là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi nhớ, tri ân. Với lòng biết ơn sâu sắc, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Đắk Nông đã chăm sóc, phụng dưỡng mẹ VNAH bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Niềm vui của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân khi được các con về động viên thăm hỏi mỗi dịp lễ đặc biệt

Niềm vui của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân khi được các con về động viên thăm hỏi mỗi dịp lễ đặc biệt

Các dịp lễ, tết, ngày 27/7, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức đến thăm hỏi và tặng quà các mẹ. Anh Y Thoa, Bí thư Huyện Đoàn Đắk Mil chia sẻ: "Thời gian qua, Huyện đoàn tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Trong đó, các cơ sở đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà mẹ VNAH, các gia đình chính sách trên địa bàn. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa, không những giáo dục lòng yêu nước mà còn thể hiện sự tri ân của tuổi trẻ với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Từ tháng 4/2015, Báo Đắk Nông vinh dự được nhận phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Xuân suốt đời. Với vinh dự và trách nhiệm, hàng năm, cứ mỗi dịp lễ, tết... cán bộ, viên chức Báo Đắk Nông luôn đến thăm, chúc sức khỏe mẹ và gia đình.

Niềm vui của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ca là quây quần bên con cháu

Niềm vui của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ca là quây quần bên con cháu

Mẹ Xuân cười nói: "Người thân mất mát, hy sinh trong chiến tranh là nỗi buồn khó nói hết thành lời. Nhưng bên cạnh con cháu, người thân trong gia đình, mẹ luôn nhận được tấm lòng, tình cảm của Đảng, Nhà nước và bao người con ở khắp nơi, góp phần động viên mẹ có thêm nhiều niềm vui sống trong những năm tháng xế chiều này”.

Hiện mẹ Xuân đang ở cùng người con trai út tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil

Hiện mẹ Xuân đang ở cùng người con trai út tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil

Thăm và tặng quà các mẹ nhân dịp 27/7 năm nay, bà H’Vi Ê Ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết: “các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất về cả vật chất và tình cảm để chăm lo phụng dưỡng các mẹ VNAH để phần nào bù đắp những hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước. Với những tình cảm chân thành, sâu nặng, xuất phát từ lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của tất cả những người con, các mẹ sống vui khỏe, sống thọ để cùng con cháu chứng kiến quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.