(GLO)- Siêng năng trong lao động sản xuất, lại được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp về kỹ thuật, vốn sản xuất, phân bón, nông dân xã Ia Vê (huyện Chư Prông) đã biến những triền đồi, vườn tạp thành những vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Sau hơn 20 năm kiên trì bám đất, gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng (thôn 4) đã sở hữu 4.000 trụ hồ tiêu, 2.000 cây cà phê, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu trên 400 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông không những có điều kiện để mở rộng sản xuất mà còn nuôi được 3 đứa con học đại học. Song ít ai biết rằng, trước đó, gia đình ông phải sống bằng “nghề”… làm thuê và chăn nuôi nhỏ lẻ. “Chúng tôi đến Ia Vê sinh sống từ năm 1995. Ban đầu do chưa có vốn nên vợ chồng tôi phải vay mượn để chăn nuôi heo, gà. Cứ sau một đợt bán sản phẩm, tôi lại tích cóp đầu tư vào mua đất trồng cà phê và hồ tiêu. May mắn là nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc cây trồng học được từ các buổi tập huấn và từ các hộ nông dân trong xã mà năng suất vườn cây đạt cao, trong đó, cà phê đạt 4-5 kg nhân/cây (trước đó 2-3 kg); hồ tiêu đạt trung bình 3 kg khô/trụ. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể”-ông Thắng cho biết.
Nhờ được cán bộ Hội thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, nhiều nông dân trong xã đã chăm sóc cây trồng tốt hơn để nâng cao năng suất. Ảnh: H.T |
Cũng “khởi nghiệp” bằng “nghề” làm thuê, cuốc mướn, sau 17 năm dành dụm, mua đất, chuyển đổi các loại cây trồng, đến nay gia đình anh Trương Công Hưng (thôn 4) đã trồng được 2.000 trụ hồ tiêu và nuôi 5 con bò. Anh Hưng cho biết, trước đó, 2 ha đất của anh chủ yếu được sử dụng vào trồng cà phê. Song, nhận thấy trồng hồ tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2006, anh xin tham gia các lớp tập huấn để học hỏi kinh nghiệm và sau đó mạnh dạn chuyển toàn bộ 2 ha đất sang trồng hồ tiêu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn hồ tiêu của anh phát triển tốt với năng suất đạt 13 kg quả tươi/trụ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu trên 500 triệu đồng. Anh Hưng chia sẻ: “Trồng hồ tiêu khá rủi ro vì hồ tiêu dễ bị nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi. Vì vậy, ngoài chăn nuôi bò để lấy phân bón cho hồ tiêu, tôi còn sử dụng các loại thuốc sinh học để giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế dịch bệnh xảy ra trên cây trồng”.
Ngoài ông Thắng, anh Hưng, trên địa bàn xã Ia Vê hiện còn có nhiều tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi với thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm trở lên. Ông Đinh Quang Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Vê cho biết: Trước đây, nông dân trong xã chủ yếu trồng lúa rẫy, lúa nước và cà phê nhưng do chưa có kỹ thuật nên năng suất đạt thấp. Những năm gần đây, với sự tích cực hỗ trợ vay vốn, mua phân bón trả chậm, tập huấn kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn dồn điền đổi thửa và cầm tay chỉ việc của cán bộ Hội mà nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: hồ tiêu, cao su, cà phê.
Đồng thời, họ còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có 1.294 ha cà phê (năng suất đạt 3,5-4 tấn nhân/ha), 184 ha hồ tiêu (năng suất 3-3,5 kg khô/trụ), trên 80 ha lúa nước và đàn bò 1.100 con, dê trên 1.000 con. Từ đó số hộ sản xuất kinh doanh giỏi đạt trên 530 hộ (chiếm 32,7% số hộ nông nghiệp) với thu nhập từ 60 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gương sản xuất kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số như gia đình ông Kpuih Tung (làng Neh) mỗi năm thu trên 500 triệu đồng từ trồng hồ tiêu và cà phê; gia đình ông Siu Nam (làng Ongol) thu mỗi năm 400 triệu đồng từ trồng hồ tiêu, cà phê, cao su.
Cũng theo ông Tuyến, từ chỗ đời sống khởi sắc, hội viên, nông dân trong xã đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn và có nhiều đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, nông dân toàn xã đã đóng góp trên 5.000 ngày công và hơn 1 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn. “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân vay vốn, mua phân bón trả chậm để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân đầu tư vào sản xuất có hiệu quả. Cùng với đó, Hội sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân trồng xen cà phê và hồ tiêu để giảm bớt các tuyến trùng gây bệnh trên cây hồ tiêu; đồng thời, trồng hồ tiêu trên trụ sống, đặc biệt là cây keo để tăng bóng mát cho cây hồ tiêu. Trên cơ sở đó, người dân có thể tiết kiệm được lượng đạm bón cho hồ tiêu bằng việc lấy lá cây keo ủ vào gốc hồ tiêu bởi lượng đạm trong lá keo khá nhiều, hoặc tận dụng lá keo để làm thức ăn cho dê. Ngoài ra, Hội cũng sẽ vận động nông dân trồng cây ăn trái làm hàng rào quanh vườn cây để cản gió và tăng thu nhập”- ôngTuyến cho biết.
Hồng Thương