(GLO)- Mô hình liên kết giữa những hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có đất nhưng thiếu vốn với những hộ người Kinh có vốn nhưng thiếu đất để đầu tư trồng hồ tiêu, cà phê, phát triển sản xuất không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình mà còn giúp các hộ đồng bào DTTS vừa giữ được đất, có thu nhập, lại vừa học hỏi được kỹ thuật trồng cây công nghiệp dài ngày.
Liên kết giữa người có vốn và người có đất
Vườn hồ tiêu hơn 1 ngàn trụ của gia đình ông Hyưr (làng Ia Mút, xã Hà Bầu) trồng theo mô hình hợp tác này mới trồng hơn 2 năm nhưng lên xanh tốt, một số trụ hồ tiêu đã cho quả bói hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Ông Hyưr cho biết, nhà ông đất đai nhiều nhưng thiếu vốn, không thể đầu tư trồng cây hồ tiêu bởi chi phí ban đầu quá lớn. Hơn nữa, ông không thể mạo hiểm đầu tư tiền của vào loại cây trồng mà ông không hiểu rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc. “Sau khi hợp tác với ông Đoàn Thanh Cam ở thôn 76, xã Hà Bầu thì mình giải quyết được nhiều vấn đề. Ông Cam đầu tư toàn bộ vốn để trồng 1 ngàn trụ tiêu trên đất của mình, đồng thời hướng dẫn mình kỹ thuật trồng. Ông Cam chịu hoàn toàn chi phí đầu tư trong 3 năm đầu, đến năm thứ 4 thì chi phí chia đôi. Công sức hai bên bỏ ra như nhau, khi thu hoạch lợi nhuận sẽ chia đôi. Thời hạn hợp tác là 15 năm”-ông Hyưr cho biết.
Vườn hồ tiêu hơn 2 năm tuổi trồng theo mô hình liên kết giữa ông Hyưr và ông Đoàn Thanh Cam lên xanh tốt nhờ được đầu tư, chăm sóc. Ảnh: H.N |
Cũng theo hình thức này, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Hà Bầu hài lòng với kết quả đạt được khi bước đầu đã có thu nhập. Bà Ngứp ở làng Bông vốn là hộ nghèo của làng. Dù có đất nhưng bà không phát huy được tài sản sẵn có với lý do duy nhất là thiếu vốn. Sau khi hợp tác với ông Quốc ở xã Nam Yang trồng 800 trụ tiêu, bà được chia lợi nhuận là sản lượng hồ tiêu trên 100 trụ mỗi vụ. Trừ chi phí, mỗi năm, bà thu được khoảng 50-60 triệu đồng.
Tương tự là hộ ông Khil ở làng Sao. Ông Khil không chọn hồ tiêu mà chọn cây cà phê để hợp tác với ông Bốn ở xã Nam Yang. Với 4 sào cà phê trồng từ năm 2010, ông Khil được chia 1 tấn cà phê mỗi vụ thu hoạch. Một số hộ có cách chia lợi nhuận 7-3, 6-4 hoặc 5-5 tùy thuộc vào thỏa thuận và sự phân công lao động giữa hai bên.
Theo chị Planh-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hà Bầu thì mô hình này triển khai trên địa bàn xã từ năm 2009 đến nay chưa xảy ra bất kỳ tranh chấp hay xích mích nào giữa chủ đất và người có vốn.
Trúng nhiều đích
Không chỉ giải quyết được bài toán thiếu vốn sản xuất cho các hộ, mô hình liên kết này còn giúp đồng bào DTTS làm chủ được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, hướng đến phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững. Chỉ vào một vườn hồ tiêu còi cọc ngay sát vườn hồ tiêu xanh tốt nhà mình, ông Hyưr cho biết: “Đó là vườn hồ tiêu của đứa cháu, nhưng do không biết cách chăm sóc. Vườn tiêu 3 năm tuổi nhưng thua xa vườn hồ tiêu nhà mình. Vì thế, hợp tác với các hộ người Kinh có cái lợi lớn là học hỏi được kỹ thuật, chứ tự mình mày mò làm không ăn thua”.
Làm Trưởng thôn đã 15 năm và là một trong những người uy tín, ông Hyưr cho biết, ông sẽ tuyên truyền cho bà con cái lợi của mô hình hợp tác với người Kinh để họ biết cách làm ăn. “Nhiều gia đình có đất nhưng không có vốn đầu tư sản xuất đã phải bán hết đất rồi lại đi làm thuê trên chính mảnh đất ấy. Nay làm theo mô hình này thì không ai phải bán đất nữa mà còn có thêm thu nhập”-ông nói.
Theo thống kê của xã Hà Bầu, toàn xã có 20 hộ đồng bào DTTS hợp tác sản xuất với các hộ người Kinh với tổng diện tích là 10,6 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này nhiều hơn. Nhiều hộ thấy rõ hiệu quả của mô hình này nên bắt chước làm theo. Hiện có một số hộ ở làng Bông, làng Sao mới ký hợp đồng và sẽ triển khai trồng mới cà phê, hồ tiêu trong thời gian tới. Số này xã sẽ thống kê sau.
“Trước tình trạng bán, sang nhượng đất nông nghiệp của các hộ đồng bào DTTS vì thiếu vốn thì đây là mô hình thích hợp để giúp họ giữ đất, phát triển sản xuất trên đất đai sẵn có. Xã khuyến khích các hộ phát triển mô hình này, đồng thời hướng dẫn họ ký hợp đồng trước khi bắt tay vào làm để tránh tranh chấp đất đai, quyền lợi về sau. Tất cả các điều khoản đều có trong hợp đồng và được xã xác nhận trước khi hai bên bắt tay vào liên kết phát triển sản xuất”-chị Planh cho biết thêm.
Hoàng Ngọc