(GLO)- Chơ Long (huyện Kông Chro, Gia Lai) là xã vùng 3 với hơn 70% dân số là người Bahnar. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các chi hội Nông dân trên địa bàn xã đã tích cực gây quỹ để có kinh phí tổ chức hoạt động, giúp đỡ hội viên.
Ông Trần Đình Dũng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chơ Long-cho biết: “Khó khăn về nguồn quỹ hoạt động là thực trạng chung của hầu hết các chi hội Nông dân trên địa bàn. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã gợi ý cho các chi hội cách gây quỹ để có kinh phí tổ chức sinh hoạt; đồng thời hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nguồn quỹ để tạo sự đồng thuận trong tất cả hội viên”.
Chủ động được nguồn quỹ, chi hội Nông dân làng Klah đã mua bò giúp các hội viên phát triển kinh tế. Ảnh: T.B |
Trên cơ sở hướng dẫn của Hội Nông dân xã, các chi hội đã họp bàn để thống nhất cách gây quỹ hội. Điển hình, chi hội Nông dân làng Tpé đã mượn quỹ đất còn trống của làng, tùy mùa vụ để trồng mì hoặc bắp. Tất cả hội viên đóng góp ngày công làm đất, gieo giống, chăm sóc, xới cỏ và thu hoạch. Những người bận việc không tham gia được thì đóng tiền. Nhận thức gây quỹ là việc nên làm, vì thế mọi người đều tham gia rất nhiệt tình. Đến kỳ thu hoạch, sau khi trừ tiền giống và phân bón, số tiền thu được sẽ đưa vào nguồn quỹ của chi hội, mỗi vụ thu trung bình 15-20 triệu đồng. Ngoài gây quỹ từ sản xuất, hội viên còn tham gia đổi công gây quỹ; trung bình mỗi tháng, chi hội tổ chức 1-2 ngày đổi công, thu hút đông đảo hội viên đồng tình tham gia. Đến nay, số tiền quỹ của chi hội nông dân làng Tpé là 120 triệu đồng.
Với nguồn quỹ có được, chi hội chủ động hơn trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào, triển khai thăm hỏi, động viên, tặng quà các hội viên nghèo; cho hội viên nghèo vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất; sửa chữa nhà cho hội viên khó khăn. “Hầu hết hội viên đều làm nông nghiệp, vì thế, gây quỹ từ sản xuất sẽ giúp hội viên chủ động được các công đoạn từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch. Có nguồn quỹ, chi hội có điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào do các cấp Hội triển khai. Qua đó, hội viên cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác Hội và gắn bó, đoàn kết với nhau hơn”-anh A Nhan-Chi hội trưởng chi hội nông dân làng Tpé-chia sẻ.
Chi hội Nông dân làng Klah cũng đã chủ động gây quỹ từ việc đổi công, làm thuê, trồng mì, trồng bắp. Mô hình này đã được triển khai hơn 3 năm qua với tổng quỹ hiện tại hơn 40 triệu đồng. Ngoài trích kinh phí thăm hỏi, động viên hội viên, năm 2018, chi hội đã trích nguồn quỹ mua 3 con bò giao cho hội viên nghèo nuôi, tạo sinh kế giúp các gia đình yên tâm phát triển sản xuất. Anh Đinh Phưn-hội viên chi hội Nông dân làng Klah, người đang chăm sóc bò của chi hội-cho biết: “Khi bò bắt đầu sinh sản, con bê đầu tiên sẽ thuộc về gia đình mình, con thứ 2 sẽ trao cho một hội viên khác chăm sóc. Nhờ có sự hỗ trợ của chi hội, mình và các hội viên khác có thêm niềm tin, nhiệt tình tham gia các hoạt động gây quỹ của chi hội”.
Ngoài 2 chi hội trên, 4 chi hội khác đều có nguồn quỹ ổn định, đó là chi hội Nông dân làng Tpôn với nguồn quỹ 100 triệu đồng; chi hội Nông dân làng Brưh với nguồn quỹ 50 triệu đồng; chi hội Nông dân thôn 9 với nguồn quỹ 30 triệu đồng; chi hội Nông dân thôn 8 với nguồn quỹ 20 triệu đồng. “Dù bà con chưa hết khó khăn, nhưng sự sáng tạo, chủ động gây quỹ đã phát huy được tinh thần đoàn kết tập thể. Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, hàng năm, Hội Nông dân xã còn phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các hội viên”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chơ Long cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Minh-Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Kông Chro-cho hay, các chi hội trên địa bàn huyện đều chủ động gây quỹ, nhưng 6 chi hội nông dân ở xã Chơ Long gây được nguồn quỹ nhiều nhất. Hội Nông dân huyện đã giới thiệu cách gây quỹ ở xã Chơ Long cho các cơ sở Hội khác học tập, nhân rộng. Năm 2018, Hội Nông dân xã Chơ Long đứng thứ 2 toàn huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân.
THỦY BÌNH