NÓI THẲNG: Ông Võ Hoàng Yên có là "thần y"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Thần y" Võ Hoàng Yên có chữa được bệnh như lời đồn thổi là câu hỏi mà ngành y tế, cơ quan công an cần trả lời rõ ràng để người dân được biết.

Vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") và bà Nguyễn Phương Hằng đã có buổi đối chất với ông Võ Hoàng Yên tại hội sở Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam (quận 6, TP HCM), yêu cầu Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam trục xuất ông Võ Hoàng Yên và giao Hưng An Tự (ngôi chùa do vợ chồng bà Hằng phát tâm xây dựng) cho chức sắc uy tín của Phật hội quản lý.

Tại buổi đối chất này, ông Huỳnh Uy Dũng phát hiện vị lương y này có nhiều vấn đề nghi ngờ như không có bằng cấp; bán phiếu chữa bệnh, cũng như việc thực hiện từ thiện cũng có nhiều khuất tất, chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông.

Chiều ngày 3-3, bà Nguyễn Phương Hằng đã chính thức ký đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của vợ chồng bà, gửi đến cơ quan chức năng.

Đây là chuyện của cá nhân vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và ông Võ Hoàng Yên. Vì họ đều là người nổi tiếng, vì thế dư luận quan tâm, ồn ào rồi cũng sẽ qua.

Điều đáng lưu ý ở đây, là một người vốn tin tưởng ông Võ Hoàng Yên là một "thần y" như ông Huỳnh Uy Dũng, từng muốn xây dựng cơ sở ở Bình Phước để "thần y" Võ Hoàng Yên chữa bệnh cứu người, nay lại đặt nghi vấn: "Tại sao một lương y giỏi không chữa bệnh cố định một chỗ để bá tánh đến chữa trị, mà lại chữa chạy khắp nơi kiểu thoắt ẩn, thoắt hiện? Phải chăng đây là cách của ông Yên nhằm trốn tránh trách nhiệm về hiệu quả chữa trị?".

Nghi vấn của ông Dũng "lò vôi" xuất phát trên thực tế là trong nhiều năm qua có không ít bệnh nhân và bác sĩ có nghi ngờ tương tự về cách "thần y" Võ Hoàng Yên chữa bệnh.

Qua trang fanpage của "thần y" Võ Hoàng Yên và những lời đồn thổi trong suốt nhiều năm "chữa bệnh di động" của ông Yên, nhiều người cho rằng "thần y" Võ Hoàng Yên chữa bệnh cứu người "như thần"!

Thực tế có đúng như vậy hay không, khi mà chẳng cần thuốc men gì, ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh "như thần", đặc biệt là các bệnh như câm điếc, bại liệt, tai biến, thậm chí thụt lưỡi…, chỉ cần bấm huyệt, giật lưỡi, là bệnh nhân khỏi ngay!

Để viết bài này, người viết đã xem các clip mà "thần y" Yên chữa bệnh. Ví dụ như "thần y" chữa bệnh cho một bé câm điếc gần như bẩm sinh, lại không có màng nhĩ, các bác sĩ chuyên khoa cũng đầu hàng nhưng chỉ bằng động tác chữa bệnh "như chơi", kéo lưỡi, bấm vài cái huyệt, vỗ mạnh vào tai vài cái, là cháu bé có thể nói ngọng nghịu được!

Quả là "thần y"!

Còn sau đó ra sao thì… có trời mới biết!

Các bác sĩ chuyên khoa chắc chắn là không thể tin được cách chữa bệnh vừa thiếu khoa học vừa có hơi hướng bạo lực như vậy!

Còn nhiều trường hợp khác nữa, "thần y" Yên vẫn chữa bệnh không cần thuốc. Lúc đầu bệnh nhân có vẻ tạm khỏi nhưng sau đó bệnh tật đâu vẫn vào đó! Vậy mà "thần y" Võ Hoàng Yên nổi tiếng như cồn, thậm chí những chuyến xuất ngoại chữa bệnh ở Úc, Canada, Đức, Mỹ, Singapore là chuyện ai cũng biết!

Nhìn qua cách chữa bệnh không cần thuốc của "thần y" Võ Hoàng Yên, không một bác sĩ Tây y lẫn Đông y nào tin đó là sự thật, vì nó phản khoa học. Thế nhưng vì sao vẫn có nhiều người tin?

"Thần y" Võ Hoàng Yên có chữa được bệnh như lời đồn thổi hay không là câu hỏi mà ngành y tế cần trả lời rõ ràng để người dân được biết.

Nếu ông Võ Hoàng Yên thật sự có năng lực khác người, ngành y tế phải có cơ chế tiếp nhận, tạo điều kiện để phát triển tài năng của ông nhằm giúp người giúp đời.

Ngược lại, cũng phải tỏ trắng - đen để người dân không còn đồn thổi, tâng bốc vô căn cứ; chặn ngay những câu chuyện "lừa đảo" mà dư luận đang râm ran.

Bởi thế, nhân chuyện "lùm xùm" này, ngành công an và ngành y tế phải phối hợp làm rõ ông Yên có thực là "thần y"?.

Xã hội, nhất là những người mang bệnh tật trong người, đang mong lắm!

Bài: Lưu Vĩnh Hy; Đồ họa: Tấn Nguyên
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.