Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai) là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng. Công việc hàng ngày nhiều áp lực nhưng các y-bác sĩ luôn tận tụy hết mình, chưa bao giờ từ bỏ hy vọng cứu người ngay giữa lằn ranh sinh tử.

Nỗ lực cứu chữa cho người bệnh

Bệnh viện Nhi tỉnh được thành lập năm 2017, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cũng đi vào hoạt động trong năm đó. Khoa hiện có 5 bác sĩ, 14 điều dưỡng viên, biên chế 15 giường bệnh nhưng thực kê 22 giường; công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn trên 150%. Hầu hết bệnh nhi vào đây đều là bệnh nặng, nhiều ca nguy kịch, có trường hợp phải thở máy. Công việc của y-bác sĩ vì vậy hết sức vất vả, thậm chí quá tải.

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc-chia sẻ: “Bệnh nhi chuyển đến đây có nhiều ca rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Các y-bác sĩ thay phiên trực trắng đêm chăm sóc, theo dõi, liên tục hỗ trợ. Công việc áp lực, vất vả nhưng ai cũng cố gắng với mong mỏi giành giật sự sống cho bệnh nhi từ tay tử thần. Với sự nỗ lực đó, nhiều trường hợp nặng, nguy kịch đã được cứu sống, hồi phục. Đó là động lực, niềm hạnh phúc giúp chúng tôi thêm yêu quý, gắn bó với nghề”.

 Các y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) luôn nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Các y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) luôn nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện


Khi mới đi vào hoạt động, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc thiếu thốn mọi mặt, nhân lực mỏng, trang-thiết bị chưa đầy đủ. Lúc ấy, các bác sĩ đa phần còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng bù lại họ luôn tận tụy, nhiệt huyết với nghề và trên hết là tấm lòng luôn hướng về người bệnh. Ngay trong những ngày tháng đó, các y-bác sĩ đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh nặng, trong đó có một ca nguy kịch là bệnh nhi 14 tuổi bị viêm não siêu vi, biến chứng viêm phổi-xẹp phổi phải. Trong 28 ngày điều trị tích cực, các y-bác sĩ phải thay phiên túc trực, tận tình chăm sóc. Có những lúc tính mạng bệnh nhi như “chỉ mành treo chuông” nhưng không ai từ bỏ hy vọng. Kiên trì điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhi dần chuyển biến, vượt qua cửa tử, hồi phục và cuối cùng xuất viện trong niềm vui vô bờ của tất cả mọi người.

Theo bác sĩ Phan Thị Thùy Trang, không chỉ cứu chữa cho người bệnh, các y-bác sĩ  còn làm nhiệm vụ trấn an tinh thần, giúp họ không bị mất niềm tin. Bác sĩ Trang kể: “Tôi còn nhớ lần tiếp nhận một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng, sốc, tổn thương tim phổi, tiên lượng tử vong cao. Nhà bệnh nhi này ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku). Khi bệnh nhi được đưa vào viện thì tình hình đã rất nguy kịch, tính mạng mong manh. Cha cháu bé rất thương con, anh suy sụp, tâm lý bất ổn, suy nghĩ tiêu cực chẳng thiết tha gì nếu con không qua khỏi. Nhìn cảnh tượng ấy, ai cũng cảm thương và lo lắng. Các y-bác sĩ khi ấy vừa nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhi, vừa thường xuyên động viên người nhà. Với sự nỗ lực của tập thể y-bác sĩ, bệnh nhi đã được cứu sống, dần hồi phục và xuất viện. Sau này, người nhà vẫn thường xuyên liên lạc và cảm ơn các y-bác sĩ đã chăm sóc, cứu chữa cho bé.

Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cũng đã cứu chữa thành công 1 ca bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao. Bệnh nhi 24 tháng tuổi, bị viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường ruột, tổn thương gan nặng… Trong quá trình điều trị, bệnh nhi phải thở máy hơn nửa tháng. Chị Byéo-mẹ của bé (làng Gôk, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) bộc bạch: “Lúc vào viện, tình trạng của con mình rất nặng, gia đình lo không qua khỏi. May nhờ có các y-bác sĩ chăm sóc tận tình, cháu đã khỏe lên, có thể sớm được xuất viện. Mình cảm ơn các y-bác sĩ nhiều lắm!”.

Điểm tựa cho bệnh nhân

Công việc nhiều, áp lực cao nhưng các y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc luôn nhiệt tình, tận tụy, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Chị Nguyễn Thị Trường An (tổ 14, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: Các y-bác sĩ chăm sóc bệnh nhi rất nhiệt tình, tận tụy, thường xuyên hỏi han tình hình và kịp thời hỗ trợ nên gia đình rất an tâm. Còn chị Ksor Khanh (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) kể: “Con tôi bị viêm não vi rút và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc. Lúc nhập viện, cháu liên tục sốt cao, co giật, tình hình vô cùng nguy cấp, gia đình hết sức lo lắng. Các bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc, chữa trị cho cháu, đồng thời thường xuyên động viên gia đình. Hiện bệnh của cháu đã có chuyển biến tích cực”.

 

Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Nguyện


Ngoài chăm sóc, điều trị, nhân viên y tế thường xuyên quan sát, tìm hiểu và kịp thời giúp đỡ các trường hợp bệnh nhi nghèo, khó khăn. Nhiều bệnh nhi nằm viện dài ngày không có chi phí trang trải đã được nhân viên y tế kết nối với các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm để được kịp thời giúp đỡ. Chị Byéo xúc động nói: “Gia đình mình là hộ nghèo, con lại phải nằm viện điều trị hơn 1 tháng qua nên tiền đem theo đã cạn kiệt. Biết hoàn cảnh nên bác sĩ đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Nhờ vậy mà mình có thêm chi phí để tiếp tục điều trị cho con”.

Công tác tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc là đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, áp lực và hầu như không có ngày nghỉ trọn vẹn. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang tâm sự: “Hơn 20 năm công tác trong ngành Y tế, chưa năm nào tôi có ngày nghỉ trọn vẹn với gia đình. Tuy nhiên, mình xác định một khi đã chọn nghề Y thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được lùi bước, phải nỗ lực vượt khó, đặt tính mạng người bệnh là trên hết, trước hết. Khi bệnh nhân cần là mình phải có mặt”. Còn bác sĩ trẻ Bùi Quốc Long thì chia sẻ: “Tôi công tác tại bệnh viện 3 năm nay và làm việc tại Khoa được 2 năm. Tôi yêu nghề, tự hào với nghề đã chọn và luôn nỗ lực hết mình trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi. Tôi ý thức vất vả nhiều thì niềm vui càng lớn khi cứu chữa thành công, mang lại sự sống cho người bệnh”.

Sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc nói riêng, Bệnh viện Nhi tỉnh nói chung đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của người bệnh. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang thông tin: “Hiện nay, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc đã được đầu tư máy móc hiện đại, chuyển giao nhiều thủ thuật, kỹ thuật cao đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám-chữa bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, chúng tôi thực hiện khám-chữa bệnh qua hội chẩn qua Zalo, Facebook, kết nối với tuyến trên để được hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể, phục vụ công tác điều trị tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến. Nhiều ca bệnh nặng đã được điều trị thành công. Từ đầu năm đến nay, số ca chuyển tuyến giảm 2/3 so với cùng kỳ năm 2021”.  

 

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.