Nỗi đau dai dẳng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ 7 ngày trước đám cưới, đôi bạn trẻ công nhân là anh Hà Văn Đ. (SN 1998, trú tỉnh Sơn La) và chị Vũ Thị Ng. (SN 1998, trú tỉnh Thái Nguyên) đã tử vong trong một vụ tai nạn giao thông (TNGT) lúc 1 giờ 30 phút rạng sáng 1-11.

Chuyện đau lòng khiến nhiều người phải xót xa này liên quan đến chiếc ống cống chắn ngang đường được đặt ở đây nhằm phân luồng, hạn chế phương tiện, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chiếc xe máy do anh Hà Văn Đ. chở người vợ sắp cưới và đang mang bầu 5 tháng, trên đường đi về phòng trọ sau khi tan ca đêm tại một công ty trong Khu Công nghiệp Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên) đã tông vào chiếc ống cống này. Những hình ảnh được báo chí thông tin về hiện trường vụ tai nạn nói trên cho thấy chiếc ống cống dù rất to nhưng không dễ để cho người điều khiển phương tiện dễ nhận dạng khi lưu thông trong đêm.

Trước vụ nói trên, một vụ khác xảy ra trên đường ĐT607 (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng làm 1 người chết, 2 người bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn cũng vào ban đêm, lúc này hệ thống đèn đường mới được đầu tư 7 tỉ đồng đang sáng thì bất ngờ tắt.

Không ai có thể thống kê nổi ở nước ta từng có bao nhiêu vụ TNGT đã xảy ra vì những chuyện tương tự như 2 vụ kể trên, là những "ổ gà", "ổ voi" và vô vàn thứ vật cản trên đường; là những sự cố từ hệ thống cảnh báo, biển báo, đèn đường...

Con số về nhân mạng thương vong của 2 vụ TNGT nói trên là chưa nằm trong tổng số 4.175 người chết và 5.645 người bị thương từ 8.161 vụ TNGT đã xảy ra ở nước ta trong 9 tháng đầu năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì giảm 2.527 vụ (23,64%), giảm 817 số người chết (16,37%), giảm 2.237 số người bị thương (28,38%).

Nhưng, như Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia - nhận định tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2021 (tổ chức chiều 15-10) thì "nguyên nhân khách quan rất lớn làm số lượng giảm chủ yếu do giãn cách xã hội. Dù tai nạn giảm nhưng con số tuyệt đối về người chết, bị thương, số vụ vẫn còn cao. So với các nước vẫn còn nhiều".

Giãn cách mà còn như thế thì khi hết giãn cách sẽ còn thiệt hại nhiều hơn vì TNGT. Lấy minh chứng như tại TP HCM, chỉ trong vòng 1 tuần khi giãn cách xã hội trên địa bàn được nới lỏng (từ ngày 1 đến 7-10), thành phố này xảy ra 32 vụ TNGT làm 12 người chết; so cùng kỳ năm 2020 là tăng 2 vụ, tăng 3 người chết dù mật độ phương tiện tham gia giao thông thấp hơn nhiều so với năm 2020.

Đến ngày 2-11, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 22.131 người ở nước ta. Con số thống kê của giai đoạn 10 năm, từ 2009 đến tháng 5-2019, cũng cho thấy toàn quốc xảy ra 326.299 vụ TNGT đường bộ làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Như vậy là, trong 10 năm ấy, bình quân mỗi năm nước ta có gần 10.000 người chết vì TNGT - thiệt hại về nhân mạng đã có thể sánh với một đại dịch, mà đại dịch này còn hơn cả Covid-19 ở mức độ dai dẳng.

Theo Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Đó là câu hỏi của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thủ tục, quy trình hoàn thuế hiện nay vẫn còn rắc rối, bất hợp lý. Thậm chí trong Dự thảo thuế giá trị gia tăng đang lấy ý kiến, quy định về hoàn thuế còn đẩy rủi ro về phía người mua hàng.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

Mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng đều tự hào mình là con dân đất Việt, tự hào về một Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển. Niềm tự hào đó chính là sức mạnh nội sinh, để mỗi người có thể góp sức mình làm “rạng danh đất nước” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.