(GLO)- Nhiều năm qua, không chỉ vào dịp lễ, Tết mà việc giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và những tấm lòng hảo tâm. Nhờ những việc làm nghĩa tình này, mỗi năm đã có hàng ngàn hộ nghèo ở tỉnh ta vươn lên thoát nghèo.
Trao “Cần câu hơn xâu cá”
Đối với hộ nghèo, để có một vài triệu đồng mua con giống, vật nuôi nhằm thay đổi cuộc sống là rất khó. Xác định như vậy nên nhiều năm qua, tỉnh ta đã thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ người nghèo nhằm giúp họ cách làm ăn và thay đổi cuộc sống.
Đại diện Công ty 75 trao căn nhà tình nghĩa cho gia đình ông Rơ Mah Chiu. Ảnh: Đinh Yến |
Một trong những việc làm mang lại hiệu quả nhiều năm qua phải kể đến mô hình giảm nghèo. Có mặt tại buổi đánh giá kết quả mô hình giảm nghèo nuôi dê và bò sinh sản trên địa bàn hai xã Chư Ngọc và Ia Hdreh (huyện Krông Pa) mới đây, chúng tôi mới thấy rõ được giá trị của việc hỗ trợ “cần câu hơn xâu cá”. Anh Rơ Ôr (buôn Drai, xã Ia Hdreh) vui mừng kể: “Lấy nhau hơn 10 năm, sinh được 2 đứa con là tài sản quý nhất, còn về kinh tế thì gia đình mình nghèo lắm. Hai vợ chồng mình không có đất sản xuất, hàng ngày phải đi làm thuê. Khi được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê sinh sản, cộng với bà con cho mượn một con dê nữa, vợ chồng mình rất vui và quyết tâm chăm sóc tốt để phát triển đàn dê, vươn lên thoát nghèo”.
Nỗ lực thoát nghèo của gia đình anh Rơ Ôr cũng là nỗ lực chung của 27 hộ nghèo khi được chọn triển khai mô hình giảm nghèo trên địa bàn hai xã Chư Ngọc và Ia Hdreh. Hầu hết những hộ được chọn triển khai mô hình là những hộ rất nghèo. Xác định như vậy, câu hỏi đặt ra của ngành chức năng là hỗ trợ giống, vật nuôi cho hộ nghèo rồi thì phải làm gì để giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì mới có thể vươn lên thoát nghèo? Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ nghèo sau khi được hướng dẫn cách làm ăn, cộng với cần cù, chịu khó, chỉ sau một năm thu nhập đã tăng lên đáng kể. Sau hai năm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có hộ còn làm được nhà ở khang trang, điển hình như: Ksor Thu (buôn Drai, xã Ia Hdreh), Nguyễn Văn Thuận (thôn 73) và Rơ Ô Vek (buôn Hmuk, xã Chư Ngọc).
Niềm vui đến với các hộ nghèo vào dịp Xuân này là 1.000 hộ nghèo tỉnh ta sẽ được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hỗ trợ cho mỗi hộ một con bò cái sinh sản. Ngoài ra, với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2014, tỉnh ta đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng từ các chương trình, dự án và sự đóng góp của cộng đồng xã hội. Từ số tiền huy động được, các ban, ngành, địa phương tiếp tục sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để giúp thêm nhiều hộ nghèo có điều kiện và động lực vươn lên thoát nghèo.
An cư lạc nghiệp
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Để tạo nguồn lực hỗ trợ người nghèo, những năm qua, nguồn Quỹ “Vì người nghèo” do MTTQ các cấp vận động, quản lý đã phát huy hiệu quả to lớn, trong đó có chương trình hỗ trợ cải thiện về nhà ở cho hộ nghèo. Tính từ ngày phát động tháng cao điểm “Ngày vì người nghèo” (17-10-2013) đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng nguồn Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó Trung ương điều chuyển về hơn 2 tỷ đồng, cấp tỉnh vận động được gần 1 tỷ đồng, cấp huyện gần 1,5 tỷ đồng, cấp xã hơn 1 tỷ đồng. Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh đã triển khai xây mới 158 căn nhà, sửa chữa gần 10 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn về nhà ở. |
Trong các giải pháp giảm nghèo, việc hỗ trợ về nhà ở cũng là những cách làm thiết thực, giúp cho các gia đình có điều kiện an cư, yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Bởi với họ, nỗ lực để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống hàng ngày đã là một việc khó khăn, vì thế, việc có được một ngôi nhà kiên cố để ở, làm chỗ dựa vững chắc vươn lên thoát nghèo chỉ là mơ ước. Hiểu được điều này, thời gian qua, nhiều tổ chức, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo có được những mái nhà vững chãi, ấm áp tình người.
Hộ ông Rơ Mah Chiu (làng Lung II, nguyên là Xã đội trưởng xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là một trong những hộ nghèo của xã. Hai vợ chồng ông Chiu tuổi cao, sức yếu, thường xuyên đau ốm, ở trong căn nhà dột nát, xuống cấp. Trước tình cảnh này, cán bộ, công nhân Chi nhánh Công ty 75 (Binh đoàn 15) đã hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Trong niềm vui được về ở trong ngôi nhà mới, ông, bà nhiều ngày qua đã thức trắng đêm để lau chùi và dọn dẹp căn nhà cho gọn gàng. Ông Rơ Mah Chiu kể: “Đây là mơ ước của vợ chồng tôi từ lâu, hôm nay mới thành hiện thực. Vợ chồng tôi vui lắm, chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp sức mình vào bảo vệ quê hương ngày càng phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh”.
Các hoạt động xóa nghèo bền vững, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ gia đình chính sách nghèo, hộ cận nghèo còn được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm với nhiều chương trình ý nghĩa. Tiêu biểu, Hội Liên hiệp Phụ nữ có chương trình “Mái ấm tình thương”; Hội Cựu chiến binh có chương trình “Nhà nghĩa tình đồng đội”; Liên đoàn Lao động tỉnh có chương trình “Mái ấm Công đoàn”; quỹ đền ơn đáp nghĩa từ tỉnh đến huyện giúp đỡ xây “Nhà tình nghĩa”… Việc xây, sửa nhà ở cho hộ gia đình chính sách nghèo, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận được sự ủng hộ, chung tay của các doanh nghiệp, sẻ chia của cộng đồng, các nhà hảo tâm. Trong năm 2014, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được gần 2 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có 75 ngôi nhà tình nghĩa được xây mới với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, đến nay, toàn tỉnh đã xây mới được 814 nhà và sửa chữa 312 nhà với tổng kinh phí là 19,7 tỷ đồng.
Từ những việc làm ý nghĩa và thiết thực đó, hàng ngàn căn nhà tạm bợ của hộ nghèo đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, vững chãi vào dịp Xuân này. Nhiều hộ nghèo từ “an cư” đã có thể “lạc nghiệp”, nhanh chóng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đinh Yến