Những "Vua" sâm miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sâm ba kích ở vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) thực sự là cây đổi đời cho đồng bào miền biên viễn. Người dân bây giờ đã biết trồng theo hướng công nghệ cao và được thu mua, bán cho các cơ sở chế biến trà, cao, thuốc cổ truyền, thay đổi cuộc sống hằng ngày.
Cây “xóa đói giảm nghèo”
Tây Giang có 7 trên 10 xã trồng ba kích, loại cây này mang lại thu nhập tốt cho người dân. Nhưng, không ai biết cây sâm ba kích có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ xa xưa đồng bào CơTu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) vẫn hay vào rừng đào củ ba kích về ngâm rượu uống.
Nhiều năm về trước, huyện miền núi Tây Giang này có già làng Bhríu Pố, người dân tộc CơTu nổi danh là “vua” sâm ba kích. Nhắc đến già làng Bh’riu Pố, người dân xã Lăng (huyện Tây Giang) ai cũng tự hào vì già làng của mình là người CơTu đầu tiên học hết đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã 3 nhiệm kỳ. Không chỉ vậy, già làng Bh’riu Pố còn nổi danh là ông “vua” sâm ba kích vì ông là người tiên phong phát triển mô hình trồng dược liệu, vươn lên làm giàu và giúp người dân quê hương từng bước đẩy lùi đói nghèo.

Anh Hiển cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang trao đổi về sâm ba kích.
Anh Hiển cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang trao đổi về sâm ba kích.
Là học sinh miền Nam trên đất Bắc trong những năm 60 của thế kỷ XX, năm 1977, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên chuyên ngành Sinh học, Bh’riu Pố về công tác tại trường cấp 3 huyện Hiên (cũ, nay chia tách thành huyện Đông Giang và Tây Giang). Ông được bầu làm Bí thư xã Lăng. Khi lên làm Chủ tịch và sau này là Bí thư, với những kiến thức đã học, ông đã hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước và phương thức sản xuất tiên tiến. Bh’riu Pố cũng trở thành “bác sĩ bất đắc dĩ”. Ông khoe có những cuốn “bí kíp” dày cộm về “Hướng dẫn sử dụng cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” và “Hướng dẫn chữa bệnh bằng thuốc Tây”, vào thời điểm cách đây ngót nghét 30 năm, khi ấy, ở vùng biên viễn này việc chữa bệnh bằng thuốc là một điều xa xỉ.
Năm 2006, có đoàn cán bộ nghiên cứu về các loại thuốc trên cánh rừng Tây Giang đã tình cờ phát hiện ra cây sâm ba kích là một loại thuốc quý, có giá trị kinh tế cao và chỉ mọc ở một số ít vùng núi râm mát. Lúc bấy giờ, suốt nhiều đêm, già Pố tự hỏi mình “tại sao không trồng cây ba kích để làm kinh tế?”. Nghĩ là làm, ít lâu sau, ông vác rựa lên rừng tìm cây ba kích để lấy giống về trồng. Lúc đầu, người làng và cả vợ ông đều cho là “khùng”. Nhiều người bảo: “Đây là cây của Giàng, ông đừng trồng, nó không cho quả và củ đâu”.
Thế nhưng, già Pố vẫn quyết tâm lên rừng mang hạt cây ba kích về trồng. Đến cuối năm 2009, Bh’riu Pố đã trồng được 6 nghìn cây sâm ba kích trên diện tích hơn một héc-ta. Và rồi già trồng, già bán, mỗi kg ba kích có giá vài trăm ngàn khiến nhiều người kinh ngạc. Từ hiệu quả kinh tế của cây ba kích ở xã Lăng mà người khơi nguồn là già làng Bh’riu Pố, lãnh đạo huyện Tây Giang xác định đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho địa phương. Vì thế, huyện Tây Giang đã thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình.

Anh Hiển cùng già làng Bh’riu Pố trao đổi về các loại cây dược liệu.
Anh Hiển cùng già làng Bh’riu Pố trao đổi về các loại cây dược liệu.
Bỏ phố lên núi trồng... sâm
Rồi cơ duyên đến, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Hiển cùng niềm đam mê và mơ ước trồng được liệu đến với già Pố, cùng nâng tầm cây ba kích lên. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiển nhớ lại những thăng trầm của mình với cây ba kích ở vùng cao này. Khi tốt nghiệp đại học Đà Nẵng loại giỏi, trong khi bạn bè cùng trang lứa ở lại Đà Nẵng hoặc tỏa đi các thành phố lớn xin việc làm, Hiển lặn lội gần 200km từ Đà Nẵng lên tìm gặp già Pố. Nghe Hiển trình bày nguyện vọng, già Pố đồng ý cho Hiển ở lại nhà cùng nghiên cứu về cây sâm ba kích.
Sau hơn 10 năm gắn bó cùng núi rừng Tây Giang, Hiển đã trở thành một “ông vua” ba kích mới của vùng này, kế thừa và cùng “Vua ba kích Bh’riu Pố” nhân giống ba kích với số lượng cây giống lên tới hàng chục ngàn. Bây giờ, Hiển làm chủ vườn ươm rộng hàng ngàn m2, cung cấp 120.000 cây giống ba kích hằng năm cho địa bàn Quảng Nam.
Giờ đây, vườn ươm của “ông vua” này là nơi cung cấp toàn bộ cây giống ba kích cho địa bàn tỉnh Quảng Nam và các vùng núi Tây nguyên. Nhờ gắn bó với loại cây này, Hiển đã trở thành Phó Chủ tịch UBND xã trẻ nhất của huyện Tây Giang khi mới 24 tuổi, dù không phải là người địa phương và cũng không phải là người CơTu, một biệt lệ hiếm thấy ở vùng đất này.
Khi nhắc đến công tác bảo tồn và phát triển cây sâm ba kích, người dân nơi đây không quên những công sức mà Bh’riu Pố để lại và người phát triển lên là anh Nguyễn Bá Hiển. Ông Bh’riu Pố là người người đầu tiên, có công lớn trong việc bảo tồn loại giống cây dượu liệu quý hiếm sâm ba kích cho con cháu đời sau. Còn anh Hiển là người nâng tầm cây ba kích lên thành sản phẩm có giá trị cao giúp người dân đổi đời.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Nay bà con chuộng cây giống của Hiển, bởi thay vì 6 năm mới thu hoạch củ được như giống cây truyền thống thì chỉ cần 3 năm, củ sâm đã bằng ngón tay cái, cứ 3 cây thu được 1kg củ tươi, bán được giá cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Trao đổi về thành công này, anh Hiển lý giải: “Mình không dùng cách trồng truyền thống để ươm mỗi nơi một cây mà trồng 3-4 cây lại thành một cụm, đồng thời dùng phân vi sinh thúc cho củ to để nhanh thu hoạch”.
Không chỉ cung ứng giống, anh Hiển còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây ba kích, từ khâu làm đất, bắc giàn cho tới tưới nước, bón phân, kiểm tra. Thời gian 5 năm trước, anh Hiển hy vọng vài năm nữa nếu có điều kiện sẽ mở vườn ươm rộng hơn, để các huyện miền núi khác cũng có thể mua giống về trồng. Và bây giờ, vườn ươm của anh đã có thể cung ứng hàng trăm ngàn cây giống mỗi năm cho các địa phương.
Ấm no về với bản làng
Nhưng, không dừng lại ở đó, trăn trở nâng tầm cây sâm của vùng đất này, cải thiện đời sống người dân, muốn sản phẩm của vùng đất này được quảng bá rộng rãi ra nhiều địa phương, anh Hiển đã nhiều đêm suy nghĩ tìm hướng phát triển. Giống đã có, kỹ thuật của người dân đã ổn, lượng sản phẩm hằng năm đủ để cung cấp cho thị trường nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh. Anh Hiển đã chọn hướng khởi nghiệp từ các sản phẩm của vùng đất này và thành lập hợp tác xã sản xuất tập trung, nhằm nghiên cứu về cây ba kích tím và xây dựng nên các sản phẩm từ cây dược liệu này.
Mấy năm trở lại đây, tại Tây Giang đã có một số doanh nghiệm mở mô hình hợp tác xã, chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết. Ban đầu chỉ từ vài ha, hiện tại đã lên tới con số 52 ha ba kích tím tại huyện Tây Giang, Quế Sơn (Quảng Nam), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Việc sản xuất theo hướng công nghệ cao đã có nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường còn nhiều vấn đề. Và rồi anh Hiển ngoài việc lập nên hợp tác xã để trồng sâm, anh còn lập một công ty chuyên thực hiện nhiệm vụ liên kết tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc trưng của đồng bào CơTu. Ngoài kinh doanh sản phẩm ba kích tím còn kinh doanh các sản phẩm đặc trưng khác của đồng bào CơTu như cao đảng sâm, cao ba kích, chè dây, măng rừng, tiêu rừng Tây Giang, thổ cẩm...

Trong vườn cây dược liệu ươm trồng ba kích.
Trong vườn cây dược liệu ươm trồng ba kích.
Anh Hiển hồ hởi khoe: “Hiện nay, hợp tác xã và công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động thường xuyên tham gia sản xuất, bên cạnh đó còn liên kết với hàng chục người dân sản xuất, thu mua nông sản nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào. Công ty sẽ xây dựng chuẩn hóa quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất phương án quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp đủ số lượng cho thị trường. Cùng với đó, các lĩnh vực kinh doanh chính tạo nên hệ sinh thái khép kín bao gồm: tổ chức sản xuất - chế biến sản phẩm - phân phối hàng hóa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc”.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch huyện Tây Giang cho biết: “Sâm ba kích có giá trị kinh tế cao và là loài cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Anh Hiển cùng già làng Bh’riu Pố đã ươm trồng thành công giống cây ba kích và nâng tầm loại cây này lên thành sản phẩm có giá trị cao của địa phương”.
Anh Hiển chia sẻ về niềm trăn trở của già làng Bh’riu Pố, cũng là người thầy đầu tiên trong trường đời khi đặt chân lên Tây Giang nghiên cứu cây ba kích vào năm 2008 rằng: “Làm sao người dân CơTu nơi đây có thể duy trì và phát triển từ văn hóa cha ông để lại? Làm sao để người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình? Con đường đó đang thôi thúc hai thầy trò chúng tôi kiên trì hành động từng ngày để mang lại những giá trị bền vững cho cộng đồng. Tôi cũng như các bạn, chúng ta có một cuộc đời để sống, sống cho trọn vẹn một kiếp người!”.
Tiêu Dao (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.