(GLO)- Là thủ lĩnh phong trào ở những “điểm nóng”, gánh vác khó khăn, trách nhiệm nặng nề hơn, thế nhưng bằng hành trang tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết với Đoàn, họ đã đưa phong trào địa phương mình ngày càng lớn mạnh. Họ-tiêu biểu cho thế hệ thanh niên hôm nay-dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thử thách để trưởng thành và cống hiến.
Thủ lĩnh Đoàn ở điểm “nóng”
Chưa đầy 30 tuổi, có trong tay bằng Trung cấp điện, vậy nhưng Đinh Văn Ban (làng Kuk Kôn-xã An Thành-huyện Đak Pơ) lại quyết định quay về làng, chọn nghề nông khởi nghiệp.
Đinh Văn Ban. Ảnh Hải Lê |
Kuk Kôn xưa nay vốn là địa bàn “nóng” của tà đạo Hà Mòn. Không ít dân làng-trong đó có cả đám thanh niên cùng trang lứa với Ban-nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời ngon ngọt, bỏ lại nhà cửa, quê hương với anh em, bè bạn để lên đường theo đuổi giấc mộng hão huyền và ảo tưởng nơi phía bên kia biên giới. Cuộc sống của người dân và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn vì thế luôn tiềm ẩn phức tạp.
Những năm tháng theo học tại trường, được tiếp xúc với nhiều người, đi đây đi đó mở rộng tầm mắt, Ban hiểu rõ trò lừa bịp ấy. Với Ban, cuộc sống có đủ đầy, no ấm hay không là nhờ vào bàn tay, khối óc con người. Không chăm chỉ bám nương, bám rẫy, không học hỏi vào tu chí làm ăn thì chẳng thể nào mơ cơm no, áo ấm.
“Làng Kuk Kôn có 42 đoàn viên, thanh niên thì đã có tới 12 người nghe theo lời kẻ xấu, vượt biên. Tháng 5 vừa qua, nhờ có sự giúp đỡ của ngành chức năng và chính quyền, đã có 9 người được đưa trở về địa phương. Đến nay, đa số đang dần hòa nhập với cuộc sống”-Ban kể.
Phạm Quốc Vương bên vườn rau gia đình. Ảnh Hải Lê |
Cùng sinh ra trên một mảnh đất, uống chung một nguồn nước mát, lớn lên cùng nhau… ấy vậy mà chuyện Ban vận động thanh niên theo tà đạo Hà Mòn trở lại sinh hoạt Đoàn cũng là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách. Đôi lúc, nó còn chạm đến cả lòng tự ái của anh. “Họ (người theo tà đạo Hà Mòn-NV) gặp mình không thèm nhìn mặt. Nếu thấy bóng dáng mình đến, họ đóng cửa, lảng đi chỗ khác. Có hỏi chuyện cũng không thèm trả lời”-Ban kể lại những lần cùng anh em đi vận động đám thanh niên trong làng lỡ nghe lời kẻ xấu.
Riêng với Ban, muốn nói cho anh em nghe thì trước nhất, bản thân mình phải là tấm gương sáng. Ruộng rẫy của Ban vì thế chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Mùa mía, mùa bắp, mùa lúa… cứ đến hẹn lại lên, đôi bàn tay vợ chồng Ban không cho đất nghỉ. “Mấy năm trước, nhờ mùa màng có dư, vợ chồng mình đầu tư mua máy tuốt lúa, máy tách hạt. Vừa phục vụ cho mình và gia đình, lại còn tuốt thuê cho bà con, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống”-Ban cười tươi, khoe. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tuy còn trẻ song kinh tế gia đình Ban thuộc hàng vững trong làng với thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng.
Cũng bởi có thủ lĩnh nói hay, làm giỏi, đám thanh niên trong làng Kuk Kôn dần bị thuyết phục, tin và nghe theo, dần dần từ bỏ cái xấu, quay trở lại con đường làm ăn lương thiện.
Viên gạch hồng xứ Đạo
Bản thân theo đạo Công giáo nhưng Phạm Quốc Vương-Bí thư chi đoàn thôn Tân Hòa (xã Tân An-huyện Đak Pơ) lại rất hăng say và nhiệt huyết với công tác Đoàn. Một phần cũng bởi, chính trong môi trường trẻ trung, năng động ấy, anh tìm được cho mình một nửa yêu thương. Vợ anh cũng nguyên là một Bí thư chi đoàn thôn năng động, nhạy bén.
Không chỉ là thủ lĩnh năng động, Vương còn xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Hải Lê |
Tân Hòa là thôn mới được thành lập, mọi thứ còn khó khăn, thiếu thốn bộn bề, công tác Đoàn và phong trào thanh niên vì thế cũng… khó lây. “Thôn mình 100% thanh niên Công giáo, phong trào chung của địa phương chưa lôi kéo được anh chị em tham gia. Đó là cái khó!”.
Thực tiễn công tác Đoàn tại địa phương cho thấy, khó có thể áp khuôn mẫu theo kiểu vận động, tuyên truyền thông qua các buổi họp. Vương nảy ra ý tưởng vận động dân dã, gần gũi và cũng hiệu quả nhất: “Nhà mình có sẵn ao, lâu lâu mình lại rủ anh em tới nhà kéo lưới bắt cá. Trong lúc làm việc, rồi lúc xong việc anh em ngồi vui với nhau, mình rủ anh em tham gia. Hoặc lúc rảnh rỗi, anh em ngồi cà phê, tâm sự với nhau, mình ngỏ ý. Khi mọi người dễ chia sẻ với nhau, dễ tìm được tiếng nói chung ắt dễ lôi kéo họ đến với phong trào chung”.
Mặc dù còn non trẻ và với một số lượng đoàn viên chưa nhiều song những gì chi đoàn thôn Tân Hòa làm được lại rất ý nghĩa. Vương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cậu bé P.T.T ở cùng thôn. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng do ham chơi, muốn có tiền tiêu xài, T đã phạm tội trộm cắp tài sản và bị đưa đi trường giáo dưỡng. Biết gia cảnh khó khăn, ba mất sớm, chỉ có mẹ già không có công ăn việc làm ổn định, ruộng đất không có, ngày hết hạn trở về, Vương và anh em trong chi đoàn đã tới thăm hỏi, động viên T. Không những thế, anh em còn rủ T tham gia sinh hoạt với anh chị em. T dần bước qua mặc cảm và chịu khó làm ăn, đỡ đần mẹ.
Nhờ huy động được đoàn viên, thanh niên, các hoạt động phong trào chung của thôn ngày càng mạnh lên. Riêng với Vương, anh là thanh niên Công giáo đầu tiên của huyện Đak Pơ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nhận xét vê Vương, anh Trường Trung Tuyến-Bí thư Huyện đoàn Đak Pơ, cho biết: “Toàn huyện Đak Pơ hiện có khoảng 900 thanh niên công giáo, tuy vậy số đoàn viên là người công giáo mới chỉ có gần 50 người. Việc phát triển Đoàn ở những địa bàn này còn nhiều khó khăn bởi đa phần thanh niên chưa nhiệt tình tham gia phong trào. Những người năng động và nhạy bén như Vương quả thật rất hiếm”.
Hải Lê