(GLO)- Họ không chỉ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Mỗi người mỗi thành tích khác nhau không thể kể hết, chỉ xin kể về đôi người tôi đã gặp họ tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu huyện Chư Prông mới đây.
Là thương binh 2/4, ông Nguyễn Hồng Hạnh (làng Xuân Me, xã Ia Me) luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Tàn nhưng không phế” làm nghị lực và ý chí trong cuộc sống.
Những gương thương binh, thân nhân liệt sĩ huyện Chư Prông được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ảnh: Đ.Y |
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, sau khi xuất ngũ trở về, năm 1993, ông Hạnh quyết định đem vợ con vào Gia Lai lập nghiệp. Cuộc sống những ngày đầu do thiếu vốn, vợ chồng ông phải làm thuê. Sau 10 năm, gia đình ông đã mua và trồng được 7 ha cao su, 2.000 trụ tiêu, 500 cây cà phê. Có tiền ông lại xoay vòng vốn, mua một chiếc máy múc và một chiếc xe ben cho thuê để làm các công trình xây dựng. Từ các nguồn này, mỗi năm gia đình ông Hạnh thu nhập trên 1 tỷ đồng. Nhìn vào tấm gương của cha mẹ, 5 người con đều chí thú lao động, học tập và thành đạt.
Ông Hạnh tâm sự: Từ khi có đất, tôi đã đi học hỏi cách làm ăn khắp mọi nơi. Nhờ thế mà gia đình tôi mới được như ngày hôm nay. Khi ổn định về kinh tế tôi luôn quan tâm đến việc học hành của con cái. Không chỉ như vậy, tấm lòng người lính ấy còn luôn dành những kinh nghiệm của mình giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, khi thì vốn vay, khi thì các loại cây giống, tiêu, cà phê. Nhờ vậy, nhiều đồng đội của ông vươn lên thoát nghèo.
Một tấm gương khác, đó là bà Siu H’Phen (thôn 6, xã Thăng Hưng). Bà kể: Chồng tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một mình nuôi đàn con, mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng khi thấy hai đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ở cùng làng, tôi đã đón chúng về dù rau cháo cũng cam lòng. Tôi cho chúng ăn học đến nơi, đến chốn, chăm sóc chu đáo để các cháu không cảm thấy thiếu hụt tình cảm của cha mẹ mình.
Không phụ công nuôi dưỡng của bà, cả con nuôi và con ruột đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá. Bà Siu H’Phen giản dị nói: Ở đời quan trọng sống với nhau bằng tấm lòng, tiền bạc rồi cũng mất đi chỉ còn đọng lại là những tình cảm chân thành với nhau. Việc làm của tôi so với người chồng đã hy sinh cho đất nước thì thật là nhỏ bé…
Không xếp vào danh sách tỷ phủ, nhưng vợ liệt sĩ Kpuih Ít, ở làng Nú, xã Ia Kly được dân làng nể trọng vì lý do khác, đó là những đóng góp của bà trong việc hiến 17 ha đất nông nghiệp để cấp cho những hộ trong làng không có đất sản xuất theo Chương trình 134 của Chính phủ. Bà còn luôn gần gũi với xóm làng, vận động mọi người học tập, làm kinh tế, bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống.
Làng Nú, xã Ia Kly, trước đây vốn là điểm nóng hoạt động của bọn phản động FULRO.
Vốn là một dân quân xã, Kpuih Ít đã kiên trì tuyên truyền, động viên kịp thời, nhờ đó, đến nay làng Nú là một trong 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Kly tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn tốt nhất. Bà con trong làng cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Làng Nú bây giờ không còn hộ nghèo, tất cả đều chăm chỉ làm ăn, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu.
*
Những công lao đóng góp to lớn của các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ mà tôi đã gặp đang là những hình ảnh mẫu mực cho nhiều buôn làng, nhiều người dân địa phương noi theo. Họ vừa xây dựng kinh tế, vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhờ những việc làm của họ mà cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Đinh Yến