Những nhà giáo 'kỳ lạ' vùng biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những giáo viên vùng biên giới Đăk Glei (Kon Tum) xa xôi thấy học sinh đói cơm, rách áo nên đứng ra vận động mọi người cùng giúp học sinh mình, với mong mỏi: làm sao cho các em bớt khổ khi đến trường.
 
Thầy hiệu trưởng Trần Xuân Ninh chia thức ăn cho từng em học sinh. Ảnh: PHẠM ANH
Đi xin cho học sinh nghèo
Một buổi chiều đến Trường tiểu học - trung học cơ sở Lý Tự Trọng, TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei (Kon Tum), chúng tôi thấy các cô giáo ở đây đang chuẩn bị đếm, xếp quần áo, sách vở… để về làng tặng cho các gia đình nghèo có con em đi học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền, Hiệu phó nhà trường giải thích, mặc dù ở thị trấn nhưng người bản địa ở đây nghèo chẳng khác ở các làng xa. Năm 2016 trường thành lập, giáo viên các nơi về dạy, gặp những học sinh áo quần lem luốc, mặt ốm mắt buồn vì thiếu ăn. Có em thì mặc áo rách đến trường, em khác thì không có vở học…
Thương các em quá, thầy Quyền bàn với giáo viên trong trường tìm mang áo cho em này, sách vở cho em kia. Sau do số học sinh nghèo quá đông, nhà trường phải làm hẳn một cuộc vận động giáo viên trong trường ủng hộ sách vở, quần áo.
 
Rau, thịt, trứng… do giáo viên đóng góp nấu ăn cho học sinh. Ảnh: PHẠM ANH
Trước tình hình đó, thầy Đặng Quốc Vũ, hiệu trưởng nhà trường, cùng các giáo viên đi vào các làng để tìm hiểu cuộc sống học sinh. Nhiều đêm đi về, không ai nói với ai lời nào bởi họ chứng kiến học sinh của mình em thì thiếu ăn, em thì không có bàn học, phải bò ra viết bài dưới sàn nhà, điện tù mù như con đom đóm… Làm sao các em học giỏi với hoàn cảnh này?
Thầy Vũ kể: “Có nhà điện không đủ sáng, giáo viên mua cho bóng điện mới sáng hơn. Mấy ngày sau vào, thấy nhà ấy lại thắp bóng điện cũ, hỏi thì gia đình bảo: bóng điện mới tốn điện lắm.”
Còn thầy Quyền thì chia sẻ: "Nói thật, giáo viên ủng hộ cũng có hạn, nên trường lập luôn Facebook Nhóm thiện nguyện Lý Tự Trọng kêu gọi anh em giáo viên trong ngành, nhà hảo tâm giúp đỡ". Vậy là từ 3 năm nay, giáo viên trường này cứ đi xin như thế, xin hết quần áo, sách vở, đến mì tôm, bột ngọt, cá, mắm, gạo… Xin được kha khá, giáo viên nhà trường lại vào làng, nhờ các già làng bảo người làng đến nhận quà của các thầy, cô giáo. Nhờ vậy, không chỉ giúp nhiều em qua cơn ngặt nghèo mà còn vận động học sinh đi học chuyên cần hơn.
Quyết định dũng cảm
Ngày đến Trường tiểu học TT.Đăk Glei, gặp các thầy cô giáo đang nấu ăn cho học sinh, chúng tôi cảm nhận thêm về thầy hiệu trưởng, nhà giáo Trần Xuân Ninh nhân hậu, từng một thời khoác áo lính. Để cho có bữa cơm trưa ấy, đích thân thầy Ninh qua tận làng Long Nang, TT.Đăk Glei, họp dân làng lại để vận động. Những ngày đầu để có cơm cho học sinh ăn, vợ thầy Ninh đứng ra nấu nướng tại nhà rồi mang đến trường. Khoảng 1 tuần sau, khi giáo viên nhà trường lập bếp nấu ăn, vợ thầy Ninh cũng lên giúp việc.
 
Học sinh xếp hàng vào phòng ăn do giáo viên nhà trường nấu miễn phí. Ảnh: PHẠM ANH
Bữa trưa chứng kiến cảnh giáo viên, thầy hiệu trưởng đi chia từng miếng thức ăn cho học sinh nghèo, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Điều gì khiến thầy giáo này và nhà trường làm điều đó? Chỉ có thể vì học sinh của mình, xuất phát từ trái tim của người giáo viên thương yêu học sinh. Thế nhưng, đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện về mái trường này. Chuyện khiến chúng tôi ấn tượng nhất là việc thầy Ninh quyết định cách đây 4 năm: dám nhận một học sinh bị nhiễm HIV vào lớp 1 để học.
Khai giảng năm đó, Trường tiểu học TT.Đăk Glei nhận một học sinh đặc biệt: em Đ. bị nhiễm HIV do lây từ bố và mẹ. Thầy Ninh và nhà trường có đủ lý do để từ chối nhận em vào học. Nhưng nếu như vậy thì tước đi hy vọng của gia đình và nhất là cơ hội được đi học của em học sinh nghèo khổ ngây thơ ấy.
Đôi mắt đen láy, vừa sờ sợ vừa gửi gắm niềm tin của em Đ., đã ám ảnh thầy hiệu trường. Vậy là thầy quyết định nhận em vào học. Chỉ mấy ngày sau, phụ huynh có con học cùng lớp đã đồng loạt kéo lên phản đối. Thậm chí, ngay cả những giáo viên đứng lớp cũng e ngại, huống chi phụ huynh. Họ lo cho con mình khi cùng bàn, cùng lớp với đứa trẻ tội nghiệp nói trên.
Tìm hiểu qua nhiều thông tin, thầy Ninh biết ngay tại TP.HCM, người dân vốn hiểu biết nhưng cũng phản đối rất quyết liệt khi một số trường nhận các cháu bị nhiễm HIV vào lớp học. Thầy Ninh kể: “Những ngày ấy tôi thật bối rối, chưa biết cách giải thích sao cho giáo viên và phụ huynh hiểu”.
Rồi thầy Ninh bỏ thời gian nghiên cứu về quyền trẻ em, những nguy cơ lây lan bệnh HIV… Sau đó, nhà trường mời các phụ huynh đến giải thích cặn kẽ, khơi dậy tình thương từ những phụ huynh này. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng phụ huynh khó chịu nhất cũng chấp nhận, nhà trường đỡ căng thẳng hơn và thầy Ninh lại càng thấy trách nhiệm hơn.
Bây giờ bố của em Đ. đã không còn, em chỉ còn lại mẹ với cuộc sống nghèo bám đeo bệnh tật. Đ. năm nay đã học lớp 4, bên cạnh em luôn có những ánh mắt nhân hậu theo dõi, giúp em hòa nhập chúng bạn, nhưng cũng rất thận trọng không để xảy ra điều đáng tiếc với bạn bè cùng lớp, cùng trường.
Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null