Những "người vác tù và" chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đồng hành với lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch là những già làng, trưởng thôn. Không ngại khó khăn, những “chiến sĩ” ấy vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng bảo vệ “vùng xanh” để cuộc sống trở lại bình thường.
“Lá chắn” giữ thôn làng bình yên
Ở tuổi gần 60 nhưng già làng Puih Phyim (làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) vẫn luôn vui vẻ, nhanh nhẹn. Bà được người dân tin tưởng, kính trọng và là chỗ dựa tinh thần, trung tâm đoàn kết của ngôi làng miền biên viễn. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dân làng Dọch Tung đã được già làng Puih Phyim tới truyền đạt, nhắc nhớ việc thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch, nhất là thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, bà vận động dân làng không tiếp tay cho người vượt biên, khi phát hiện người lạ thì lập tức thông báo cho chính quyền và bộ đội Biên phòng để xử lý phù hợp. “Trước đây, người dân làng mình ít có thói quen dùng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Nhưng sau khi được già làng tới từng nhà nói rõ những quy định trong phòng-chống dịch, bà con đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tùy vào từng đối tượng, già Phyim có cách tuyên truyền khác nhau, vừa phù hợp lại dễ hiểu, dễ tiếp thu”-ông Siu Leih nhận xét.
Cùng tôi dạo một vòng quanh làng, già Phyim dừng lại nơi nhà rông. Bà đưa mắt ngắm nhìn đầy vẻ thân thương. Ngôi làng này thân thuộc với bà như máu thịt. Bà tự nguyện làm “lá chắn” bảo vệ sự yên bình của nó. Bà bảo: “Là nữ già làng nên mình có lợi thế riêng. Với người Jrai, mọi việc trong nhà phần lớn do người phụ nữ quyết định. Vì vậy, mình dễ tiếp cận với chị em phụ nữ, tạo mối quan hệ gắn kết thân tình, gần gũi để gặp gỡ, trao đổi kể cả việc chung lẫn chuyện riêng”. Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong làng được nâng lên rõ rệt. Mỗi người một hành động nhỏ, họ chung tay góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Ông Rơ Châm Thon-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krai-cho biết: “Với vai trò là già làng, bà Phyim luôn giải quyết các công việc một cách hài hòa, thấu tình đạt lý. Bà như “cánh chim không mỏi” trong cuộc chiến chống dịch, bảo vệ thôn làng”.
Già làng Puih Phyim (bìa trái; làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung
Già làng Puih Phyim (bìa trái; làng Dọch Tung, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Trần Dung
Những ngày trở trời, đôi chân già làng Ksor Hyuih (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đau nhức khiến việc đi lại rất khó khăn. Tuy vậy, ông không quản ngại mưa gió để đến từng nhà tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch. Ông trầm ngâm nói: “Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, tôi rất lo lắng. Là làng ven đô nên việc đi lại của người dân cũng khá phức tạp. Vì vậy, tôi làm mọi cách để bà con nắm đầy đủ và cụ thể từng nội dung trong các công văn của UBND tỉnh, TP. Pleiku cũng như chỉ đạo của UBND phường về phòng-chống dịch để nghiêm túc thực hiện”. Nghĩ là làm, già Hyuih cùng với lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: pa nô, loa di động... Mặt khác, già còn trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để dân làng hiểu rõ hơn các quy định phòng-chống dịch. 
ông Ksor Hyuih-già làng Bruk Ngol (phường Yên Thế, TP. Pleiku luôn tin rằng, khi dịch bệnh được đẩy lùi, tiếng cồng chiêng của làng trong các lễ hội sẽ lại ngân vang… Ảnh Trần Dung
Già làng Ksor Hyuih (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, TP. Pleiku) luôn tin rằng, khi dịch bệnh được đẩy lùi, tiếng cồng chiêng của làng trong các lễ hội sẽ lại ngân vang. Ảnh: Trần Dung
Gương mẫu, uy tín, nói đi đôi với làm và rất có năng lực vận động quần chúng là nhận xét của hầu hết người dân làng Bruk Ngol dành cho già Hyuih. Ông Ksor Mien bộc bạch: “Đã thành thói quen, gần 10 năm qua, sáng nào già Hyuih cũng dành thời gian dạo một vòng quanh làng. Già là “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng Bruk Ngol từ năm 2013 đến nay. Trong suốt khoảng thời gian ấy, già Hyuih luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống. Còn hôm nay, khi dịch bệnh xuất hiện, già Hyuih lại cùng dân làng phòng-chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Nếu trước đây, dân làng Bruk Ngol thường tập trung làm rẫy thì nay họ nghe lời già Hyuih, ruộng nhà ai nấy làm, không tụ tập đông người. Các lễ hội trong làng cũng được tạm hoãn để phòng dịch. Có già Hyuih, chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều”.
Già Hyuih cho rằng, các lực lượng nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống chọi với đại dịch thì ở hậu phương, già cùng dân làng cố gắng làm tốt những gì có thể để chung tay phòng-chống dịch. “Với tất cả những gì chúng ta đã làm được và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, già tin rằng cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ thắng lợi”-già Hyuih khẳng định.
Những “chiến binh” không mỏi
Trời vừa hửng sáng, ông Siu Bro-Trưởng thôn Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đã có mặt ở nhà rông để dán lại một số thông báo về công tác phòng-chống dịch Covid-19. Anh Vũ Hồng Trường-công chức Văn hóa-Xã hội UBND thị trấn Ia Ly nói về vị trưởng thôn bằng sự kính phục: “Suốt hơn 10 năm làm trưởng thôn, ông Siu Bro luôn hết lòng vì dân làng và chưa cho phép mình có một ngày ngơi nghỉ, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Trong quá trình tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gần đây là các quy định trong phòng-chống dịch Covid-19, ông Bro khéo léo chuyển sang tiếng Jrai với nội dung ngắn gọn, đúng, đủ, rõ ràng để bà con dễ tiếp nhận và làm theo”.
Trưởng thôn Siu Bro luôn được người dân tin yêu, kính mến bởi những cống hiến thầm lặng của ông . Ảnh Trần Dung
Ông Siu Bro-Trưởng thôn Bloi (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) hướng dẫn người dân cách phòng dịch. Ảnh: Trần Dung
Hình ảnh ông Bro chở chiếc loa phát bằng tiếng Jrai chạy dọc các con đường trong làng đã trở nên quen thuộc với bà con nơi đây. Lau vội giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Bro cho hay: “Làng mình có 170 hộ với 763 khẩu, 100% là người Jrai. Đó là một lợi thế để mình tuyên truyền, vận động. Trong tình hình hiện nay thì trách nhiệm và quyết tâm của mình càng phải cao hơn, không để bà con hoang mang hay chủ quan trước dịch bệnh”. Nhờ sự nhắc nhở, tuyên truyền của Trưởng thôn Bro, người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Bà Siu Kríu phấn khởi kể: “Khi gia đình tôi có người đi làm ăn xa trở về phải cách ly ở nhà, ông Bro đã tới động viên và hướng dẫn cách phòng dịch. Ngoài ra, ông còn vận động mọi người trong làng mang thực phẩm tới hỗ trợ gia đình”. Với dân làng Bloi, ông Bro đã trở thành “cầu nối” để những chủ trương, chính sách, biện pháp phòng-chống dịch đến gần với người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, chiến đấu với đại dịch và góp phần cho cuộc sống được an toàn, bình yên.
Khi TP. Pleiku hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân thôn 3 (xã Diên Phú) rất vui mừng. Mọi người đều yêu mến nhắc đến người “vác tù và hàng tổng” Hoàng Văn Kiểm-Trưởng thôn ngày đêm nỗ lực để nắm bắt và chỉ đạo công tác phòng-chống dịch trong thôn. Ông là người tiên phong tham gia tổ Covid cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giám sát. Gần 300 hộ dân trong thôn được phân bố rải rác trên địa bàn rộng nhưng thôn 3 luôn là một trong những “vùng xanh” vững chắc của xã.
Ông Hoàng Văn Kiểm (bìa trái; Trưởng thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) trao đổi với người dân về công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Trần Dung
Ông Hoàng Văn Kiểm (bìa trái; Trưởng thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku) trao đổi với người dân về công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Trần Dung
Ông Kiểm trực tiếp kéo loa tay vào đến những ngõ nhỏ để tuyên truyền, vận động bà con phòng-chống dịch. Khi được hỏi về sự vất vả, ông xua tay cười xòa: “Có gì đâu, mình còn sức khỏe thì phải góp phần vào “trận chiến” chống dịch Covid-19. Khi nghe tiếng loa tuyên truyền lưu động với những thông điệp về cách phòng-chống dịch bệnh trực tiếp mỗi ngày, bà con sẽ nâng cao nhận thức và chủ động hơn, trách nhiệm hơn”. Điều đặc biệt, vị trưởng thôn này còn nhanh nhạy lập nhóm phòng-chống dịch của thôn trên Zalo, Facebook để cập nhật thông tin và tình hình trong thôn, ai đến, ai đi, rà soát toàn bộ biến động của thôn. “Ban đầu triển khai tuyên truyền trên nhóm Zalo, tôi khá lo lắng vì sợ nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng rất ngạc nhiên là ngay từ những bước đi đầu tiên, tôi đã thành công khi vận động được bà con sử dụng Zalo và cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone”-ông Kiểm vui mừng chia sẻ.
Nhận xét về những đóng góp của ông Kiểm, Chủ tịch UBND xã Diên Phú Nguyễn Thị Thúy Diễm cho hay: “Ông Kiểm là cán bộ thôn rất trách nhiệm, nhiệt tình, đặc biệt là sát cánh cùng xã trong quá trình phòng-chống dịch. Ông luôn chủ động trong mọi việc. Đúng như tinh thần “Mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một “pháo đài” phòng-chống dịch”, người dân thôn 3 đã chủ động, bình tĩnh, tự tin, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Đến nay, thôn không có ca bệnh nào, đời sống của người dân cũng ổn định”. 
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.