Những người theo bóng chim trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiếp ảnh gia (NAG) chim nước là những người “dạo chơi cùng thiên nhiên”. Mỗi địa điểm thực địa luôn thay đổi theo từng ngày, phải nắm kỹ tình hình biến động để có kế hoạch bám sát đàn chim. Chụp vài chục loài có thể trong vài lần nhưng đôi khi, để tìm thêm một loài lại tốn vài năm.
Chim choi choi khoang cổ trên bãi biển.

Chim choi choi khoang cổ trên bãi biển.

Tìm chim cần sự đơn giản

11 giờ trưa, nhiệt độ bãi biển đã gần 35oC. Tôi đi cùng các NAG, cả nhóm mang lỉnh kỉnh thiết bị, võng, một ít thức ăn cho buổi chiều theo chim. Chung quanh một mầu trắng xóa, mắt tôi không xác định được phương hướng. Qua ống nhòm, NAG Võ Rin phát hiện vài cá thể chim đang lượn sát bãi cát. “Cách bay lạ lắm, chưa thấy bao giờ”, NAG Rin hối NAG Tài Minh lấy máy trườn ra gần mép nước chụp cho bằng được. Chiếc chảo chống dính đã tháo tay cầm là trang bị hỗ trợ làm đế máy ảnh khi người chụp bò trên cát. Có lẽ, chiếc chảo đã lăn lê, bò trườn quá nhiều nên mòn nhẵn bóng. Khoảng vài phút sau, anh Minh quay lại, ra hiệu chưa chụp kịp.

“Hay không bằng hên” là câu nói vui của các NAG chuyên chụp chim chóc. Thực tế, đi theo kịp một đàn chim khó một thì tìm đúng loài, mở ra thông tin mới về chúng sẽ khó mười. Người ta phân chia các loài chim tự nhiên dựa theo tập tính săn mồi, từ đó có loài ăn thịt, có loài ăn hạt, loài ăn quả chín… Đối với những người chưa hiểu rõ về chim, khi gặp một quần thể mới, họ sẽ tập trung tìm hiểu tất cả các loài. Đến khi hiểu sâu hơn, mỗi nhà nghiên cứu sẽ chọn một trường phái nhất định để theo đuổi. Khác với đặc điểm của miền bắc và miền nam có diện tích rộng với các vùng đất ngập nước lớn, nguồn thức ăn dồi dào, thì dải đất miền trung có nét đặc trưng dài, hẹp và chia cắt. Điều đó cũng đòi hỏi các NAG ở miền trung phải có cách làm việc khác.

NAG Tài Minh khẳng định rằng: “Hiện tại, việc bảo vệ chim nước ở miền trung thực sự khó khăn hơn so với khu vực hai đầu đất nước. Hình ảnh các loài chim nước miền trung rất đẹp. Khi chúng ta bảo tồn được chúng sẽ rất ý nghĩa đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học”. Sức hút từ mầu sắc, bộ lông mượt, tiếng kêu… của chim biển như thỏi nam châm hút các NAG. Sáng tạo nghệ thuật về chim đòi hỏi điều gì? - “Là tính trung thực”, anh Minh cho rằng phải giữ được đúng đặc điểm từng con chim sau khi hậu kỳ tấm ảnh.

Cuộc săn chim trên bãi biển vẫn tiếp tục. Những người chuyên chụp chim biết giờ nào khả năng có chim, dựa theo mặt nước. 15 phút rồi 30 phút, mấy anh em ngồi hứng gió biển và cũng đã thấy mục tiêu hạ cánh. “Là con cò trắng Trung Quốc (Chinese Egret)”, anh Minh vội cầm máy tiến tới. Với kinh nghiệm hơn 5 năm tiếp cận chim nước, anh Minh áp dụng tư thế di chuyển chậm rãi, không tạo ra tiếng động để lại gần nhất có thể. Giữa bãi biển, tiếng sóng hòa cùng tiếng màn trập đập liên tục. Chú chim vẫn không phát hiện ra con người, cứ ung dung bắt mồi. Đầu kia, anh Rin trong tư thế nửa bò nửa đi, đẩy chiếc máy ảnh trên tấm phao. Hụp người xuống, hai ống kính tele bám chặt mục tiêu. Tiếng màn trập giòn tan vang lên liên tục. Về lại lều, NAG Tài Minh cho biết: “Chụp chim hay động vật thì tìm được thần thái của chúng mới quan trọng. Đó là tính khác biệt giữa các tác phẩm của nhiều NAG. Có thể biết luôn tên tác giả chỉ qua tone mầu, độ nét, độ rực của ảnh”.

Nhiếp ảnh gia ngâm mình trong nước để chụp chim.

Nhiếp ảnh gia ngâm mình trong nước để chụp chim.

Ở thực địa nhiều hơn ở nhà

“Các anh đi chụp chim thế này thì vợ con ở nhà ra sao?”, tôi hỏi. “Lo gì, hễ cuối tuần mà thấy chồng lật đật chạy về nhà là vợ giúp chuẩn bị đồ để mang đi. Nhà có món chi gọn gọn thì gói đem theo luôn cho tiện”, anh Minh cười. Quả thật, khi dành trọn đam mê cho chim nước, chim hoang dã, có những NAG đi thực địa liên tục. Rất ít khi thấy họ ở nhà cả tuần. Gói theo một bộ quần áo gọn nhẹ ra bãi biển, đó là trang phục rất hiệu quả.

Tôi theo sát khi các anh bò trườn trên cát. Đang bò thật nhanh bỗng chững lại nằm im bất động. Cả nhóm bò tiếp. Bất ngờ, anh Rin phân công: “Một máy qua bờ cỏ, bên ni một máy. Nằm sát xuống. Nhô đầu lên là nó bay liền đó. Bò ra giữa vũng nước luôn”. Cách nói nhanh, gấp gáp của “anh râu” Võ Rin thúc cả nhóm tản ra ngay lập tức. Ai theo lối đó. Có người ngồi mai phục sau bụi cỏ, chỉ lộ ra phần đầu ống kính như một người lính bắn tỉa trong phim hành động Mỹ. Người khác mặc bộ quần áo mầu nâu sẫm, nhìn qua chẳng biết đâu là đất, đâu là NAG. Gần 20 chú chim lượn qua lượn về, kêu loét choét vang dội. Lúc vào bờ, cánh tay và bàn chân các anh đỏ chót. Dấu vết đó là do cát biển ma sát lên da trong thời gian dài. Họ đã quen vì đây chỉ là một môi trường đơn giản trong khi theo dấu đàn chim.

Vừa chụp đàn Rẽ ngón dài (Long-toed Stint), anh Minh giải thích rằng, các loài chim nước đều tắm một lần trong ngày. Đó là cảnh tượng ít gặp mà lại đẹp. Việc chim tắm là để rửa sạch các loại côn trùng ký sinh trên bộ lông của chúng. Lúc này, chọn đúng góc máy lạ, đồng thời có chứa nội dung khoa học, tìm chú chim nổi bật nhất trong đàn sẽ đánh giá được tay nghề của NAG. Bởi vậy, không lạ khi những người đi chụp chim chỉ thích ở thật lâu ngoài thực địa. Họ dựng những căn lều tạm, che mưa nắng cho anh em cùng nghỉ ngơi, trao đổi trong chuyến đi.

Là chim di cư, có những loài chim dừng chân ở một điểm để bắt mồi rất lâu, có loài đi ngay. Phụ thuộc vào mức độ của nguồn thức ăn mà các đàn chim sẽ quyết định nơi chúng bay về. May mắn, trong chuyến đi cùng các NAG, tôi được chứng kiến tận mắt một số loài chim đẹp, số lượng tương đối. Sinh cảnh nơi chim ghé chân bao quát đủ nhiều thành phần của tự nhiên. Các anh nói vui rằng, việc may mắn như vậy thường ít gặp khi họ đi tìm chim nước.

Thành quả

Có thể nói, cuộc sống của NAG chim nước thường xoay quanh những câu chuyện về thần thái, dáng vẻ các loài chim. Việc sinh hoạt hằng ngày của họ thường bị đảo lộn chỉ vì nghe ở đâu đó có chim lạ ghé về. Thẻ nhớ 128GB, 256GB vừa dùng hết liền lắp thẻ mới, quan trọng là bắt được khoảnh khắc chưa từng gặp của chim. “Xác định làm công việc này, anh em nhiếp ảnh phải có bộ máy ảnh, thẻ nhớ, đầu đọc thẻ cao cấp. Máy tính hậu kỳ ảnh cũng phải tương xứng, đủ sức xử lý ảnh chất lượng rất cao”, NAG Tài Minh cho hay.

Ngoài thực địa chụp được tấm nào ưng ý, các anh liền đánh dấu ngay trên bộ nhớ máy ảnh để về nhà dễ dàng lựa, hậu kỳ ngay trong đêm. Họ dành mọi tâm huyết, sức lực vào một vài tấm ảnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đi chụp ảnh về, các NAG chỉ kịp sao chép vào ổ cứng máy tính để đi tiếp, sau này mới mở ra chọn và miêu tả tấm ảnh. Miêu tả ảnh là một công đoạn quan trọng trong công tác bảo tồn, đánh giá sự phát triển, di chuyển của chim hoang dã, chim nước.

“Một tác phẩm ảnh đẹp về chim chóc luôn kèm theo những yêu cầu liên quan. Đó là tiếp cận gần nhất có thể nhưng không tác động, gây hoảng sợ cho chim. Có những đợt tôi đi rừng kéo dài cả 10 ngày. Về đến nhà thì lấy ảnh ra để đó rồi lại đi tiếp. Từ ngày đi chụp đến nay, tôi đã tìm được khoảng 400 loài chim các loại, trong đó có chim nước. Đến giờ này, con gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) là loài chưa có ai chụp được. Loài này thuộc họ chim trĩ (Phasianidae). Một số khó khăn trong việc chụp ảnh chim là về sinh cảnh, sự chia cắt bởi độ cao…”, anh Minh nói.

Hầu hết những người chụp ảnh về chim thường chia sẻ những câu chuyện nghề, từng kỷ niệm đẹp khi đi tìm chim lên trang cá nhân của mình. Họ đặt mục tiêu mới cho bản thân, khích lệ anh em cùng đồng hành trên chặng đường hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Có NAG đã tổ chức nhiều kỳ triển lãm ảnh cá nhân. Vài cá nhân khác vạch ra con đường đến với khoa học, nghiên cứu chuyên sâu. Tất cả chỉ vì đam mê theo hình bóng chim.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.