Những người mẹ anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc về thời khắc nước nhà thống nhất, một cựu chiến binh từng khẳng định: “Chiến thắng huy hoàng này trước hết và trên hết thuộc về những người mẹ Việt Nam”. Các mẹ đã hy sinh cả tuổi xuân và những người thân yêu nhất cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Để rồi, gần nửa thế kỷ trôi qua, vết thương lòng của nhiều bà mẹ vẫn chưa thể nguôi ngoai khi chồng con mãi mãi không thể trở về.

“3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ”

Mỗi khi nghe đến câu hát ấy, chúng tôi lại nhớ tới Mẹ Việt Nam Anh hùng Rơ Măh Myơr (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Bởi lẽ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ lần lượt tiễn 3 người con thân thương của mình lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng cuối cùng chỉ có 1 người trở về.

Người con đầu Rơ Măh Jap trong ký ức của mẹ là chàng trai nhỏ nhắn nhưng lòng đầy dũng cảm. Từ nhỏ, Jap đã theo cha mẹ nuôi giấu cán bộ và tiếp tế cho cách mạng. Lớn thêm, Jap trở thành du kích của xã Ia Pếch (nay thuộc huyện Ia Grai) rồi tham gia lực lượng bộ đội địa phương. Trải qua 90 mùa rẫy, mẹ Myơr chẳng còn nhớ chính xác ngày Jap nhập ngũ, chỉ biết rằng tháng 10-1970 thì gia đình nhận được tin anh bị địch phục kích bắn chết khi đang trên đường đi nhận quân lương cùng đồng đội. “Biết rằng chiến tranh chẳng tránh khỏi những mất mát nhưng khi nghe dân làng báo tin, tim tôi quặn thắt. Nước mắt chực trào ra mà tôi nào dám khóc to, cứ lặng lẽ kìm nén trong lòng để tránh bị địch nghi ngờ, mình lại khó hoạt động”-mẹ Myơr nghẹn ngào kể.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Rơ Măh Myơr (bìa phải; làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) và con gái Rơ Măh Jal. Ảnh: Mộc Trà
Mẹ Việt Nam Anh hùng Rơ Măh Myơr (bìa phải; làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) và con gái Rơ Măh Jal. Ảnh: Mộc Trà


Noi gương cha mẹ và anh trai, 2 người con gái của mẹ Myơr là Rơ Măh Jal cùng Rơ Măh Tinh cũng xung phong gia nhập đội du kích địa phương, quyết tâm đánh đuổi quân thù ra khỏi buôn làng. Tháng 4-1974, giữa lúc chiến trận đang sục sôi thì chị Tinh hy sinh trong trận càn bằng máy bay trực thăng của địch. Mẹ Myơr một lần nữa lại lặng lẽ nuốt lệ vào trong, biến đau thương thành sức mạnh để đánh đuổi giặc thù. Nhắc nhớ với chúng tôi mà đôi mắt mẹ bỗng nhòa đi. Mẹ cứ thế ngồi lặng im, buông ánh nhìn xa xăm về phía cuối làng, nơi vệt nắng chiều đã dần hiu hắt.

Bà Rơ Măh Jal ngồi cạnh bên mẹ cũng không kìm nén được xúc động nói: “Lúc ấy, con bé mới chỉ vừa tròn 16 tuổi. Vì đơn vị tôi hoạt động ở tận Đức Cơ nên cả chục ngày sau, tôi mới hay tin em gái mình hy sinh. Cái chết của anh Jap và Tinh khiến lòng tôi thêm căm thù lũ giặc cướp nước. Cũng trong năm 1974, tôi trúng mảnh đạn pháo, may mắn chỉ bị thương ở chân. Giờ nghĩ lại, hồi đó lỡ mà mất thêm tôi, chắc mẹ không đứng nổi nữa”.

Ngày quê nhà giải phóng, dân làng vui mừng khôn xiết. Mọi người trở về đoàn tụ, động viên nhau làm ăn, xây dựng lại buôn làng. Bà Rơ Măh Jal chạy sà vào lòng mẹ sau bao ngày xa cách. Rồi họ lặng lẽ nhìn nhau, ngậm ngùi khi chợt thấy thiếu vắng bóng hình quen thuộc của anh Jap và chị Tinh. Người con, người anh, người em thân thương của họ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ.

Vài tháng sau đó, mẹ Myơr tiếp tục tiễn chồng về cõi atâu vì cơn bạo bệnh. Vết thương lòng chất chồng, mẹ vẫn cố gắng vượt qua, một mình bươn chải nuôi dạy 6 người con còn lại trưởng thành. Năm 2016, mẹ được UBND TP. Pleiku hỗ trợ xây dựng ngôi nhà tình nghĩa khang trang. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp cũng nhận phụng dưỡng mẹ từ năm 2017. Hiện mẹ đang sinh sống vui vẻ những ngày cuối đời cùng gia đình con gái út Rơ Măh Sik và các cháu.

Anh Rơ Măh Byit-cán bộ Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) chia sẻ: “Tôi rất tự hào về dòng họ của mình, về bà ngoại. Nếu thời chiến, các cô, cậu của tôi đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc thì ngày nay, tôi cũng muốn cống hiến sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Với những cống hiến và hy sinh thầm lặng của mình, mẹ Myơr được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huy chương Kháng chiến hạng nhì; được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ngày 30-6-1978, 2 con của mẹ là liệt sĩ Rơ Măh Jap và liệt sĩ Rơ Măh Tinh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công; còn bà Rơ Măh Jal được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Đau đáu nỗi niềm tìm con

Ở tuổi 102, mẹ Lưu Thị Sinh (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) không còn được minh mẫn. Câu chuyện về đời mẹ và gia đình, chúng tôi chỉ được nghe qua lời kể của con trai mẹ là ông Phan Thanh Hải. Vậy nhưng, mắt mẹ lại ngân ngấn lệ khi chúng tôi đề cập đến chuyện những người con đã anh dũng xông pha chiến trận đánh đuổi giặc thù. Ông Hải bảo, với mẹ, đó vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi đau mất mát khôn nguôi.

Lập gia đình từ năm 1945, mẹ lần lượt sinh 9 người con. Giữa lúc nước mất nhà tan, mẹ tảo tần lo cho các con, đồng thời trở thành hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày các con khôn lớn cũng là lúc chồng mẹ xuất ngũ trở về vì tuổi già, sức yếu. Tiếp bước cha, từ năm 1968 đến năm 1971, 3 người con trai lớn của mẹ là Phan Thanh Quyết, Phan Văn Quang, Phan Thanh Hải lần lượt tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước. Ông Hải chia sẻ: “Dù nhiều lo lắng nhưng lúc ấy, trong lòng mẹ tôi vẫn có một niềm tin mãnh liệt về ngày toàn thắng. Tiễn chúng tôi đi, mẹ chỉ căn dặn duy nhất một câu: Nhớ đánh giặc cho đến lúc đất nước hòa bình rồi hãy trở về. Và chúng tôi cũng lấy điều ấy làm kim chỉ nam khi ra chiến trường”.

Mỗi lần nhắc nhớ về các con đã từng tham gia kháng chiến, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Sinh (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) lại rưng rưng nước mắt. Ảnh: Hồng Thương
Mỗi lần nhắc nhớ về các con đã từng tham gia kháng chiến, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Sinh (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) lại rưng rưng nước mắt. Ảnh: Hồng Thương


Năm 1973, hay tin con trai cả Phan Thanh Quyết lập được nhiều thành tích, trở thành đảng viên và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay tại Mặt trận B3, mẹ Sinh tự hào lắm. Lòng mẹ rộn vui vì dưới sự giáo dục của cách mạng, các con của mẹ đã trưởng thành. Ấy vậy mà vài tháng sau đó, mẹ lại bàng hoàng nhận hung tin người con trai thứ Phan Văn Quang đã hy sinh ở Mặt trận B3. “Anh Quyết viết thư cho tôi báo tin rằng anh Quang đã hy sinh. Khi đó, tôi đang tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, lòng chỉ biết quặn đau. Mẹ tôi ở quê nghe tin thì khóc mấy tháng trời”-ông Hải đưa mắt nhìn mẹ nói. Nghe đến đây, tay mẹ Sinh nắm chặt, giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt hằn rõ vết thời gian. Ông Hải vội quay sang nắm chặt bàn tay gầy gò của mẹ, nhẹ nhàng an ủi.

Năm 1979, 3 người con khác của mẹ tiếp tục tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Lần này, mẹ mất thêm người con trai Phan Văn Giang. “Ngay sau khi Trung Quốc rút quân khỏi biên giới phía Bắc nước ta, tôi lập tức tìm đến đó để đưa thi thể em trai về. Sợ mẹ không chịu được nỗi đau mất mát này, chúng tôi đã đưa mẹ sang nơi khác sống tạm vài ngày, rồi mới an táng Giang tại nghĩa trang của dòng họ”-ông Hải nhớ lại.

Trải qua 2 cuộc chiến, mẹ Sinh có 4 người con may mắn trở về. Họ được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, còn Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vì cuộc sống khó khăn nên các thành viên trong gia đình di chuyển đến định cư tại các tỉnh, thành trong nước. Năm 1987, ông Hải cũng đưa bố mẹ cùng vợ con rời quê hương Thái Nguyên vào Lâm Đồng lập nghiệp. “Năm 1992, bố tôi mất. Cuộc sống ở Lâm Đồng khó khăn nên đến năm 1998, gia đình tôi lại sang Gia Lai. Trong ngần ấy năm, nhiều lần tôi để ý thấy mẹ khóc thầm. Mẹ bảo nhớ các anh chị em của tôi và đau đáu vì mãi tới bây giờ vẫn chưa thể tìm được hài cốt hay phần mộ anh Quang. Đây cũng là điều mà anh em chúng tôi luôn trăn trở”-ông Hải bộc bạch.

…Giữa thời điểm cả nước đang hân hoan hướng về ngày “Tết độc lập” dân tộc, câu chuyện của các Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người đã từng đi qua cuộc chiến càng giúp chúng tôi thêm trân quý giá trị hòa bình. Cuộc sống tươi đẹp hôm nay không chỉ được đánh đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh đi trước mà còn bằng cả sự hy sinh thầm lặng của biết bao người mẹ anh hùng. Đúng như những ca từ mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng từng viết: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang…”.

 

NHẬT HÀO - MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.