Những người 'lái đò' đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Đà Nẵng có một mái trường dạy học sinh từ mẫu giáo đến tận cấp 3. Ở đó có những người “lái đò” đặc biệt tận tụy lấp đầy những “vầng trăng khuyết”, để các em hòa nhập, học tập và trở thành những người có ích cho xã hội.
Bài 1: Cây “sáng kiến” giúp trẻ tự kỉ hòa nhập
Lựa chọn chuyên ngành giáo dục đặc biệt và gắn bó với những học trò khuyết tật trí tuệ ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, gần 12 năm qua thầy Nguyễn Xuân Việt (SN 1980, quê ở Ninh Bình) đã giúp nhiều thế hệ học trò hòa nhập, được đến trường bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Bị trò đánh, cắn… như cơm bữa
Ở Trung tâm, có một lớp học đặc biệt - nơi chỉ một giáo viên kèm một học trò. Đó là lớp của thầy Nguyễn Xuân Việt, giáo viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Học trò lớp thầy Việt là những trẻ rối loạn phổ tự kỉ, tăng động giảm chú ý, rối loạn vận động từ 1 tuổi đến dưới 7 tuổi. Mỗi tiết học giáo dục cá nhân của thầy Việt đều diễn ra với những trình tự quen thuộc, đều đặn.
Đón học trò từ phụ huynh, thầy Việt ôn tồn chào hỏi học sinh, rồi hướng dẫn trò sắp xếp đồ dùng cá nhân như giày, dép, áo, mũ… vào đúng nơi quy định.

Những lớp học 1 - 1 của thầy Việt giúp nhiều học trò tự kỉ hòa nhập, học tập ở những ngôi trường bình thường.
Những lớp học 1 - 1 của thầy Việt giúp nhiều học trò tự kỉ hòa nhập, học tập ở những ngôi trường bình thường.
Sau đó là những câu trò chuyện đơn giản như: “Hôm nay là thứ mấy?, Thời tiết như thế nào?, Em đến trường bằng phương tiện gì?... Xong những thủ tục làm quen, thầy Việt hướng dẫn học trò dán ảnh cá nhân của mình lên bảng rồi bắt đầu tiết học. Những điều đi lặp lại đó, đối với những người bình thường trông có vẻ nhàm chán, nhưng đối với các em, đó là cách để các em hình thành và ghi nhớ các thói quen, cũng như làm quen lại từ đầu để bắt đầu buổi học.
“Cũng là nghề giáo nhưng không giống như những giáo viên hằng ngày lên lớp với bảng đen, phấn trắng, giáo án, những giáo viên chọn con đường dạy trẻ khuyết tật như chúng tôi phải nỗ lực và kiên trì, phải thực sự yêu thương trẻ thì mới có thể bám trụ được với nghề. Để đổi lấy một nụ cười, tiếng gọi, sự tiến bộ rất đỗi bình dị của trẻ đặc biệt như biết gọi ba, gọi mẹ, biết cảm ơn, xin lỗi… Đó lại là niềm vui hạnh phúc và động lực thôi thúc của cả thầy cô và ba mẹ”.
Thầy Nguyễn Xuân Việt
Tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng), thầy Việt bén duyên với những đứa trẻ khuyết tật từ những buổi công tác xã hội, thiện nguyện của trường. Niềm yêu thương và cảm thông với những đứa trẻ kém may mắn đã thôi thúc thầy ở lại Đà Nẵng, trở thành giáo viên ở Trung tâm. Ngày đầu đến lớp, như bao thầy cô giáo trẻ khác, thầy Việt sốc bởi thực tế khác xa những gì mình học.
Những năm đầu, thầy phụ trách dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, các bạn tuy lớn tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành, những kỹ năng cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ, đi vệ sinh đều chưa hình thành.
“Nói thật, tháng đầu đứng lớp tôi chỉ toàn nôn ọe. Mất 2 - 3 tháng, tôi mới quen dần. Thời điểm đó, tôi phải chủ động hỗ trợ các em tất cả mọi điều từ cách ăn, uống, tắm rửa, đại tiện, tiểu tiện… Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình phải làm gì để trẻ biết những việc đó không nên làm, làm sao để trẻ nói ra những điều mình muốn, làm sao để các em biết tự chăm sóc bản thân...”, thầy Việt nhớ lại.

Thầy Việt cũng là thầy giáo duy nhất được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.
Thầy Việt cũng là thầy giáo duy nhất được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.
Năm 2011, khi có quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy được phân công phụ trách công việc đánh giá, giáo dục cá nhân và hỗ trợ cộng đồng, tập trung hỗ trợ các em nhỏ rối loạn phổ tự kỉ.
Những buổi đầu lên lớp 1-1 với trò, việc các em la hét, không chịu hợp tác, không chịu ngồi yên một chỗ không có gì xa lạ. Thầy Việt cũng quen với việc bị trò đánh, đấm, cắn vào tay. Các em rối loạn phổ tự kỉ có rất nhiều hành vi, đa phần là các hành vi hung tính. Thầy hiểu điều đó và tìm cách làm bạn với trò để đồng hành cùng các em thay đổi.
Làm bạn, đồng hành với trò
Ứng dụng phương pháp Dosha-hou (của Nhật Bản) để giúp trẻ tự kỉ hòa nhập, thầy Việt hiểu, muốn giúp đỡ các em, trước hết phải tôn trọng trẻ, làm bạn với trẻ. Khi tạo được lòng tin giữa thầy và trò, trẻ sẽ cảm thấy an toàn, tự tin và hợp tác tốt với giáo viên.
Trong suy nghĩ của thầy Việt, thì “các em như những tờ giấy trắng, ngôn ngữ không có, kỹ năng tương tác chưa có nhưng hành vi lại rất nhiều. Nhiệm vụ của tôi đó là giúp các em hình thành các kỹ năng sống cơ bản, biết diễn đạt những điều mình mong muốn bằng cách đơn giản nhất để có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường”.
Những lớp học của thầy Việt không chỉ gói gọn trong bốn bức tường, lớp học đôi khi là khoảnh vườn trong khuôn viên trường, khu vui chơi, sân trường… Những đồ dùng dạy học cũng được thầy mày mò tái chế từ các loại vỏ chai nhựa, những mảnh gỗ cũ, ống giấy vệ sinh… Những bảng số từ nắp chai rực rỡ màu sắc, những con thú từ lõi giấy vệ sinh, những món đồ chơi “ngọ nguậy”, dễ dàng lắp ráp… lôi cuốn những học trò đặc biệt của thầy vào bài học.
Trong quá trình dạy học, bản thân thầy phải học hỏi và thay đổi rất nhiều trong phương pháp dạy học. Phải để ý sở thích của từng em để làm những thứ đồ chơi kích thích, khơi dậy sự tò mò. Các bạn rối loạn phổ tự kỉ rất thích được vận động, thao tác nên thầy cũng làm thêm nhiều đồ chơi tương tác, vận động gắn liền với các nội dung học để các em dễ tiếp thu.
Có con trai bị tăng động giảm chú ý đang theo học lớp 1 -1 tại Trung tâm với thầy Việt, chị Trịnh Thị T. (quận Liên Chiểu) kể rằng trước đây, con chị thường hay la hét, chạy nhảy, tự cắn vào tay mình và ít giao tiếp với mọi người.
“Sau một thời gian theo lớp của thầy, con thay đổi rất nhiều. Không chỉ biết đọc, biết hát, con còn biết nghe lời người lớn và làm theo khi được yêu cầu, hướng dẫn. Mỗi khi cần gì, muốn gì, con cũng chủ động nói ra. Gia đình tôi thực sự rất mừng”, chị T. cho biết.
Theo cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy Việt là “cây sáng kiến” với nhiều cách làm, phương pháp mới hỗ trợ hiệu quả các em nhỏ chậm phát triển trí tuệ, tự kỉ…
“Học thầy, rất nhiều em tự kỉ đã có thể hòa nhập tốt và học tập ở các trường bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Ngoài những giờ học trên lớp, thầy Việt cũng hỗ trợ, giúp đỡ cho các em khó khăn về tâm lý ở các trường Tiểu học trên địa bàn. Đồng thời, giúp đỡ các thầy cô giáo, dự giờ, khảo sát năng lực của học sinh sau đó tư vấn cho các trường để thực hiện tốt công tác hỗ trợ hòa nhập của trẻ ở trường”, cô Quyên nói.
Theo Giang Thanh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.