Những người con của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những người lính Công an, về làng là một sự dấn thân đầy niềm kiêu hãnh và tự hào. Về để sống cùng dân, lắng nghe tiếng nói từ dân và trên hết, học được những bài học sâu sắc từ thực tiễn buôn làng...

Khi các anh về làng...

Năm 2019, khi đang là trinh sát Đội An ninh Công an huyện Chư sê, tỉnh Gia Lai, Đại úy Nguyễn Hữu Oai (sinh năm 1991) được tăng cường về làm Trưởng Công an xã Bar Măih, huyện Chư Sê. Cũng như nhiều cán bộ tăng cường về cơ sở, thời gian đầu Đại úy Nguyễn Hữu Oai phải lặn lội đi xuống địa bàn, tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống cũng như tâm tư, tình cảm của bà con các buôn làng. Thấy có Công an chính quy về làng, bà con vừa lạ lẫm, vừa vui mừng. Thế là, vợ chồng cãi nhau cũng gọi công an, con cái chơi bời lêu lổng, không chịu làm ăn cũng nhờ Công an giải quyết.

Đại úy Nguyễn Hữu Oai trò chuyện cùng Trưởng thôn Chroh.

Đại úy Nguyễn Hữu Oai trò chuyện cùng Trưởng thôn Chroh.

Đại úy Nguyễn Hữu Oai kể, ban đầu xuống nói chuyện răn đe một số người liên quan vụ bạo lực gia đình. Sau đó kết hợp với các đoàn thể cùng nhau đi hòa giải. Những việc không tên nhiều không đếm xuể, các anh Công an đôi khi cũng biến mình thành người đi hòa giải, người kết nối những bến bờ hạnh phúc cho dân. Đa số bà con nhân dân trong xã Bar Măih đều làm nghề nông, sáng đi lên nương, tối mới về nên cán bộ, chiến sĩ công an muốn xuống với dân cũng phải chờ đến chiều tối hoặc sáng tinh mơ.

Đại úy Nguyễn Hữu Oai tâm sự: “Vào ngày mùa, anh em ngồi chờ mấy tiếng mới gặp được nhưng bà con đi làm về mệt, không tiếp chuyện, nhiều hôm như thế đành phải lủi thủi ra về rồi sáng mai lại đến”.

Thượng úy Rmah Jú cùng đồng đội chuẩn bị tài liệu để xuống làng.

Thượng úy Rmah Jú cùng đồng đội chuẩn bị tài liệu để xuống làng.

Là một người con của buôn làng, lại được khoác trên mình tấm áo người chiến sĩ Công an, đó là niềm tự hào lớn nhất của gia đình, dòng họ của chiến sĩ trẻ Rmah Jú. Đến với lực lượng Công an một cách tình cờ, Jú nhớ hôm ấy cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của mình gợi ý: “Có muốn làm công an không?”. Được lời như cởi tấm lòng, thế là Rmah Jú quyết định đăng ký thi vào Trường Đại học An ninh nhân dân.

Tốt nghiệp ra trường, Rmah Jú được phân về Đội An ninh của Công an huyện Chư Sê, làm một người lính trinh sát phụ trách địa bàn xã Ia Ko. Hơn một năm về với làng, sống cùng bà con nhân dân, học được rất nhiều bài học từ cơ sở, Thượng úy Rmah Jú được lãnh đạo Công an huyện tin tưởng, phân công về xã Bar Măih giữ chức Phó trưởng Công an xã vào cuối năm 2020.

Trước khi về công tác tại xã, cha của Rmah Jú là thầy thuốc Ksor A Mép đã căn dặn con trai rất nhiều. Cha nói rằng, về với bản làng của mình thì điều đầu tiên phải yêu thương và tôn trọng nhân dân trong làng, phải tận tâm tận lực làm việc, giúp đỡ bà con bằng tất cả khả năng của mình.

Ngày về làng, Thượng úy Rmah Jú còn nhớ có một thiếu niên 15 tuổi tên Y.N hay đi ăn trộm cà phê và gà của bà con trong làng Phăm Ngol. Gia đình cậu bé thuộc diện khó khăn, bố đau bệnh suốt nhưng vợ chồng lại rất thật thà, chất phác, họ sống “đói cho sạch, rách cho thơm” nên thấy con ăn trộm nhiều quá đã chủ động đi báo Công an, nhờ các anh giáo dục giúp. Công an xã đã về làng phối hợp với thôn gặp gỡ tâm sự cùng Y.N, nói cho cậu bé hiểu rằng, lấy của người khác sẽ phạm tội và phải bị xử lý, lúc ấy sẽ rất xấu hổ với các bạn trong làng. Nhắc nhở, cảm hóa nhiều lần mà Y.N vẫn chưa bỏ được thói hư tật xấu, vẫn tiếp tục ăn trộm đồ trong dân, buộc công an xã phải làm hồ sơ đưa Y.N đi trường giáo dưỡng.

Công an chính quy về làng đã truyền một làn gió mới khắp nơi, ngoài việc đảm bảo an ninh, trật tự thôn buôn, cán bộ, chiến sĩ công an còn mang kiến thức pháp luật tuyên truyền, vận động đi đến từng nhà. Theo Thượng úy Rmah Jú, người Jrai ở đây tuổi ngoài 50 tuổi trở đi có rất ít người nói tiếng Kinh thông thạo. Chính vì vậy, khi xuống làng, anh phải nói với bà con bằng tiếng của người dân địa phương, viết giúp bà con cái đơn, tư vấn chuyện con cái học hành, chuyện làm ăn... Họ quý tấm chân tình của người lính trẻ, từ đó lòng họ rộng mở ra, lắng nghe và đón nhận những lời tuyên truyền vận động của lực lượng Công an.

Cuộc sống buôn làng bình yên hơn sau khi có Công an chính quy về.

Cuộc sống buôn làng bình yên hơn sau khi có Công an chính quy về.

Tôi theo Đại úy Nguyễn Hữu Oai và Thượng úy Rmah Jú đi vào trong làng. Mùa này, bà con đều ra đồng làm lúa hoặc đi nương xa, những con đường làng vắng vẻ rất đỗi bình yên. Do đã hẹn trước nên ông Đinh Chroh (47 tuổi), trưởng thôn Tơ Drăh không đi làm rẫy mà ở nhà đón chúng tôi. Trong căn nhà khang trang, ông Đinh Chroh treo trang trọng những tấm giấy khen sau bao nhiêu năm công tác cho buôn làng.

Kể về tháng ngày tuổi trẻ được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là một cán bộ Xã đoàn năng nổ, nhiệt tình, đôi mắt ông Chroh sáng lên một niềm tự hào. Gắn bó với làng hơn nửa đời người, ông biết rõ từng người, hiểu hoàn cảnh từng gia đình. Đó cũng chính là lợi thế giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của trưởng thôn nhiều năm qua. Không những là người uy tín trong làng, ông Chroh còn là nông dân giỏi lao động sản xuất. Ông làm giàu trên chính mảnh đất của làng mình và trở thành tấm gương cho bà con học tập.

Ông Chroh kể, bà con trong làng vốn cần cù chịu khó nhưng quen với lối sản xuất cũ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Ông kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thay vì duy trì trồng lúa trên khu vực đất bị hạn, ông vận động bà con chuyển sang các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập. Do mấy năm nay giá cà phê thấp nên bà con đua nhau chặt bỏ để trồng cây mới, riêng ông vẫn giữ lại vườn cà phê vì ông hiểu được đây là cây trồng chủ lực, giúp kinh tế ổn định. Năm nay giá cà phê đã tăng lên đáng kể, ông Chroh càng tin tưởng ở nhận định của mình. Ông sẽ làm tấm gương cho bà con nhìn vào để học tập.

Theo Đại úy Nguyễn Hữu Oai, nhờ những người có uy tín như trưởng thôn Chroh đã giúp công an xã về với dân và tiếp cận bà con dễ dàng hơn. Với những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước ban hành, công an sẽ truyền đạt qua những người có uy tín và có trình độ như ông Chroh, từ đó mà lan tỏa xuống nhân dân một cách hiệu quả nhất.

Nghe dân nói, nói dân hiểu

Rời xã Bar Măih, chúng tôi đi về xã Bờ Ngoong, cùng huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Trung tá Cao Minh Nghĩa - Trưởng Công an xã, hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm trụ sở mới của Công an xã Bờ Ngoong đã được xây dựng hoàn thiện, đàng hoàng và khang trang. Trung tá Cao Minh Nghĩa thuộc hàng “lão làng” ở cơ sở, có nhiều năm kinh nghiệm từ các buôn làng. Trước khi có đề án đưa công an chính quy về xã, Trung tá Cao Minh Nghĩa đã được điều về đảm nhiệm chức danh Trưởng Công xã Chư Pơng, một xã trọng điểm về an ninh chính trị. Sau 3 năm về xã, tình hình trật tự xã hội được ổn định, Trung tá Cao Minh Nghĩa quay trở về Công an huyện Chư Sê. Dường như có duyên nợ với buôn làng, năm 2019, anh lại trở về làm Trưởng Công an xã Bờ Ngoong.

Trung tá Cao Minh Nghĩa và Phó trưởng thôn Đinh Jun trao đổi công việc.

Trung tá Cao Minh Nghĩa và Phó trưởng thôn Đinh Jun trao đổi công việc.

Với bề dày kinh nghiệm đã tích lũy được, khi về lại cơ sở, Trung tá Cao Minh Nghĩa đã nhanh chóng hòa mình với buôn làng, xắn tay vào làm những việc nhân dân cần lực lượng Công an. Vì rất có uy tín nên hễ con cái trong gia đình hư hỏng hay không nghe lời cha mẹ là bà con mang đến giao cho cán bộ, chiến sĩ công an giáo dục giúp. “Rất nhiều việc “bếp núc” trong dân, dù không phải chức năng nhiệm vụ của Công an nhưng chúng tôi vẫn làm, bởi vì bà con yêu quý mình, họ tin tưởng, mình không giúp sao đành lòng”, Trung tá Cao Minh Nghĩa tâm sự.

Bà con xã Bờ Ngoong ngày nào còn quanh quẩn với lúa rẫy, vườn tạp, nay đã biết tạo nên những vườn cà phê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đời sống thay da đổi thịt, nhận thức tiến bộ hơn xưa, điều đó cũng là nhân tố tích cực khi lực lượng công an chính quy về xã thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật.

Trung tá Cao Minh Nghĩa cho biết, nhờ học tập mô hình làm ăn của người Kinh, các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Bờ Ngoong cũng tiến bộ vượt bậc. Nhờ cây cà phê mà nhiều hộ trở nên khá giả. Những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đời sống phát triển mọi mặt, nhân dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động khó có cơ hội thâm nhập và phát triển.

Những người trước kia suy nghĩ nông nổi, nhận thức lệch lạc đã biết quay đầu trở về, tu chí làm ăn. Theo ông Đinh Jun, phó trưởng thôn Puih Jri, xã Bờ Ngoong, bà con trong làng vốn hiền hòa chịu khó, chăm chỉ làm ăn, do thiếu hiểu biết xã hội bên ngoài và hạn chế về kiến thức pháp luật mà bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Chúng “mồi chài” bà con qua Campuchia, sang Thái Lan sẽ được tạo điều kiện đi các nước thứ ba, để có cuộc sống sung túc hơn. Song, thực tế không phải là màu hồng.

“Mỗi lần họp thôn hay họp làng, công an xã đều kết hợp tuyên truyền, bản thân là người được bà con tin tưởng tôi cũng nói rất nhiều, một số người sau đó đã quay trở về được chính quyền tạo điều kiện cho hòa nhập cộng đồng để làm ăn sinh sống. Giờ đây, họ đã hiểu rõ âm mưu lừa phỉnh của phản động FULRO. Họ thấm thía rằng chỉ có lao động mới đem lại cho người ta cái ăn, cái mặc, họ đã biết nâng niu, quý trọng cuộc sống yên bình cùng với gia đình trên chính quê hương mình. Đây cũng là bài học cho những người có ý định vượt biên để kiếm tìm mảnh đất hứa, để rồi lầm đường lạc lối”, phó trưởng thôn Đinh Jun chia sẻ.

Để có được sự bình yên, phát triển trong các buôn làng Tây Nguyên như hôm nay, có một phần nỗ lực rất lớn của lực lượng an ninh cơ sở và Công an chính quy đóng trên địa bàn các xã.

Thượng tá Nguyễn Văn Thông - Phó trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết, đa số các đồng chí khi về buôn làng không phải là người bản địa nên học ngôn ngữ người dân địa phương là một trong những yêu cầu bắt buộc. Để có thể hòa nhịp nhanh với nhân dân, anh em đã không quản ngại khó khăn, hy sinh cuộc sống riêng của mình tranh thủ xuống làng vào những ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính gặp gỡ, tiếp xúc bà con. Cho đến nay, tất cả cán bộ về cơ sở đều đã bắt nhịp được với buôn làng, lấy được niềm tin yêu của dân. Họ có thể “nghe dân nói, nói dân hiểu”, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thực sự trở thành những người con thân yêu của buôn làng.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.