Những nẻo đường... cần sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho tới nay, vẫn có nhiều tranh cãi về tác hại và tác dụng của cây cần sa. Không chỉ tại những quốc gia có quan điểm khác nhau về việc trồng và sử dụng loài cây này trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia (trong đó có nước ta) coi cần sa là một loại cây có chứa ma túy và được đưa vào danh mục cấm trồng, mua bán, sử dụng và vận chuyển. Tại Việt Nam, theo Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong đó nghiêm cấm: các hành vi trồng cây có chứa chất ma túy; hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; việc nghiên cứu, chiếm đoạt, giao nhận, quản lý, lưu giữ cũng như tổ chức sử dụng đều là hành vi bị nghiêm cấm. Cây cần sa cũng là loại cây nằm trong danh mục quy định cây có chứa chất ma túy cùng với cây thuốc phiện, cây cô-ca…theo quy định của khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy của nước ta.
Các sản phẩm từ cần sa được bày bán trong một cửa hàng ở Bangkok.

Các sản phẩm từ cần sa được bày bán trong một cửa hàng ở Bangkok.

Ngày 9/6/2022, Thailand chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng với mục đích y học, với điều kiện nồng độ Tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn có trong cần sa) không vượt qua 0,2%. Đón được “cơ hội” làm ăn ở quốc gia này, nhiều “cao thủ trồng cần sa” tới từ khắp các nơi trên thế giới đang chọn nơi này thành khu “tập kết”.

Kỳ 1: Sang “Thái” trồng cần

Xuất ngoại…

Cuối tháng 2, một tay “anh chị” ở Hải Phòng vốn đã nổi danh quãng 20 năm trước gọi điện chào tôi để… xuất ngoại, lý do thật khó tưởng tượng. “Tôi sang Thailand để trồng cần sa” - “có nguy hiểm không?”, trả lời: “bên đó đã có người làm farm (trang trại), tất cả những người trồng cần có gốc Việt Nam cũng đang tập trung sang đó để nghiên cứu trồng cần. Bên đó họ cho phép rồi. Lúc nào rảnh mời các anh sang tìm hiểu…”.

Xuất phát từ Hà Nội, chỉ mất không đầy 2 giờ đồng hồ để bay tới Thủ đô Bangkok, Thailand. “Hoa tiêu” đón chúng tôi tại sân bay Suvarnabhumi rồi đưa vào một khách sạn khá sang trọng ở khu Silom, Thủ đô Bangkok. Đây là một trong những khu tập trung đông đúc khách du lịch của thủ đô nước bạn. “Ở đây là khu vực vui nhất Bangkok, tối sẽ có người đón, đưa các anh đi tham quan thành phố”.

Ngày cuối tuần, sảnh khách sạn Holiday Inn Express Bangkok Siam chật cứng khách du lịch đứng ngồi, ra cửa đã thấy Vũ chờ sẵn. “Có nhiều địa điểm để các anh có thể đi tham quan. Khu phố chợ đêm Patpong, khu Majra, còn cần sa? Ở KhaoSan, tập trung nhiều khu bán cần sa, anh mua thoải mái”, Vũ, cậu hướng dẫn viên do một “người lớn” ở bên Việt Nam giới thiệu đón chúng tôi tại khách sạn. Ở Silom, càng về khuya lại càng đông đúc. Nơi này được đa số khách du lịch lựa chọn mỗi khi tới Bangkok. Vũ học đại học ở Thailand và có thâm niên dẫn khách tại đây hơn chục năm, cậu ta có thu nhập khá ổn nhờ việc dẫn khách du lịch đi “tour” ở thủ đô Bangkok. Đi theo Vũ tới 1 giờ 30 sáng để lê la khắp các khu phố đêm nổi tiếng mới thấy rằng thời điểm này, lượng du khách tới đây thật sự là niềm mơ ước của nhiều quốc gia làm du lịch. Bộ Du lịch Thailand thống kê đã có khoảng 10,4 triệu du khách tới nước này trong năm tháng đầu năm 2023. Dự kiến sẽ đón 25 triệu khách trong năm 2023.

Không khó để tìm thấy các điểm bán cần sa ở Thủ đô Bangkok. Những cửa hàng bên ngoài gắn đèn xanh đỏ bám quanh dòng chữ Drug Store và tấm hình cây cần sa với dòng chữ cannabis luôn luôn sáng đèn. Nhiều cửa hàng mở thêm khu vực dành cho khách ngồi hút cần sa ngay bên cạnh. Khách hàng của họ chủ yếu là người nước ngoài. Ngoài một vài phụ nữ, đa số là đàn ông.

Tại một quầy bán cần sa, cô bán hàng khá nhiệt tình hướng dẫn cho khách. Hàng chục lọ thủy tinh trong đựng nhiều búp cần sa được giới thiệu với rất nhiều tác dụng. Mỗi một loại lại có tác dụng khác nhau. Rất nhiều giống cần sa có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới đều có mặt ở các cửa hàng gắn biển Drug Stores. Những loại được quảng cáo là có nguồn gốc từ nước ngoài sẽ được bán giá đắt hơn loại đã được trồng trong nước. Giá mỗi loại thuốc ở đây được bán tính theo gram, dao động từ 650-800 bạt/gram (tương đương khoảng 450-550 nghìn đồng Việt Nam). Sau khi mua 1 gram, người chủ cửa hàng sẽ dùng máy xay rồi cuốn cho khách hai điếu cần sa.

Đấy là những câu chuyện ghi nhận sơ sơ từ thủ đô Bangkok. Sớm hôm sau, theo “lệnh” của những người đã hẹn, một chiếc xe tới đón chúng tôi tại sảnh khách sạn để đi thăm “farm”. “Các anh nên cân nhắc làm sao để tới trang trại lúc chiều xuống. Nếu đến sớm hơn, nhiệt độ ngoài trời sẽ lên rất cao. Nóng nực khó chịu lắm”, người ở Kanchanaburi nhắn lên cho chúng tôi vậy. Nên chuyến đi phải lùi lại. Quá 12 giờ trưa, đoàn mới khởi hành.

Từ Bangkok xe chạy thêm nhiều giờ đồng hồ tới tỉnh Kanchanaburi (tỉnh miền trung Thailand giáp biên giới với Myanmar). Giao thông từ thủ đô của Thailand tới đây khá thuận lợi. Người ta có thể đi bằng tàu hỏa, xe bus hoặc dễ dàng thuê lấy một chiếc xe riêng.

Trang trại trồng cần sa tại Kanchanaburi.

Trang trại trồng cần sa tại Kanchanaburi.

Gặp “Thầy cúng” trong trang trại

Đi xuyên qua thị trấn, rẽ vào con đường bê-tông nhỏ, chạy xuyên qua những cánh đồng trồng sắn và cỏ voi (một loại cỏ dành làm thức ăn cho bò) đang bắt đầu phát triển, tới một khu vực được quây kín bằng những hàng rào riêng biệt, xe dừng lại ở cánh cổng ghi bằng hai loại ngôn ngữ: Thailand và tiếng Anh. Sau một hồi liên hệ, người bảo vệ có vẻ mặt khá lạnh lùng ra đẩy cánh cửa sắt nặng nề, kín mít để cho xe vào.

Đây là “farm lớn nhất vùng” do một người phụ nữ gốc Thailand đứng tên đầu tư. Người này có mối quan hệ chặt chẽ với một số Việt kiều từ nhiều nước trên thế giới. Họ, những người Việt kiều ấy chủ yếu người gốc Hải Phòng. Trong “farm” lúc cao điểm có hơn 40 người. Có những “kỹ sư” đã gắn bó với “nghề” vài chục năm. Vượt biển sang Hồng Công (Trung Quốc), lang thang trong trại tị nạn 4 năm, thành người tự do ở Canada rồi về vùng giáp biên Thailand làm “chuyên gia”. Một trong số những người đó là cặp vợ chồng chuyên gia được gọi tên là “Thầy cúng”. “Thầy cúng” được đánh giá cao bởi có lời giới thiệu về năng lực và kinh nghiệm thực tế phong phú, từng trải với cây cần sa từ khi ở Canada.

Theo lời giới thiệu sơ giao, tại “farm” này có những chuyên gia đến từ Australia, công nhân thì chủ yếu là người Việt Nam! Vì tính cầu kỳ và phức tạp trong canh tác nên hầu hết không thấy người bản địa tham gia trồng mà chủ yếu họ được thuê công nhật để làm những việc lao động chân tay.

Việc sử dụng toàn bộ người đã rõ “nguồn gốc xuất xứ” cũng còn liên quan tới vấn đề an ninh cho khu vực trồng và chứa cần sa đã thu hoạch. Chưa rõ thống kê về các vụ cướp cần sa tại vùng. Tuy nhiên, các sự cố từng xảy ra trong lịch sử buôn bán ma túy mà một số cá nhân tham gia ở đây đã từng có kinh nghiệm đối mặt trực tiếp tại Cộng hòa Séc, Anh… khiến họ hết sức cảnh giác với các mối nguy hiểm tiềm tàng. Cũng bởi thế, những người làm công tác cảnh giới, an ninh hết sức cảnh giác với người lạ ở chung quanh khu vực. Những người không mấy thân thiết sẽ không được chào đón trong khuôn viên trang trại nếu như không có bảo lãnh từ phía những người có “vai vế” ở farm!

Đã là giữa tháng 5, các trang trại ở Kanchanaburi bắt đầu vào mùa thu hoạch sau khi xuống giống từ tầm tháng 2 năm nay. Nếu đã biết mùi cần sa, có thể dễ dàng nhận thấy cả khu vực đều nồng nặc mùi của loài cây này. Nó tỏa hương không phải do người ta đốt lên mà chính từ những búp cần đang vào mùa thu hoạch. Sáu trong tổng số 18 nhà màng tại farm của “Thầy cúng” chứa những cây trưởng thành luôn toát ra cái thứ mùi hăng hắc đặc trưng của cây cannabis. Những công nhân ở đây có trách nhiệm thu hoạch cây tươi, chất lên xe bán tải đưa vào trong nhà sấy. Từ nhà sấy, khi đã khô, cây được mang vào phòng “kỹ thuật”, tại đó có các chuyên gia phân tích, kiểm tra chất lượng và đánh giá mức độ thành công của “sản phẩm”. Trong căn phòng quan trọng nhất ấy, chỉ có vài người phụ trách được phép xuất hiện. Phòng có một chiếc máy để tách “phấn” - là những thứ bám chung quanh các nụ cần sa, từ đó có thể chế biến thành nhiều sản phẩm liên quan tới cần sa như bánh, kẹo, nước và làm mỹ phẩm. Phần bông cần sa, nơi cung cấp nhựa chính sẽ được “Thầy cúng” và một thanh niên gọi là “T Ba Lan” nghiên cứu để chiết xuất thành tinh chất. T “Ba Lan” đã từng có thời gian sang Ba Lan, Séc và một số quốc gia vùng Đông Âu để tham gia cùng các đàn anh trồng loại cây này.

Trong số ba farm nằm cạnh nhau, farm của “Thầy cúng” rộng nhất và quy mô nhất. Hai trang trại còn lại nằm ở hai bên có diện tích nhỏ hơn. Những người “hàng xóm” cũng không mấy khi sang chơi với nhau vì kỹ thuật trồng cây được giữ kín như bí quyết sinh tử cho nghề trồng cần. Cũng theo lời của các chuyên gia: trang trại của C.T (có 15 nhà màng) ở bên cạnh đang bị “gãy” vì cách chăm sóc cây không phù hợp. “họ bón quá nhiều ure cho cây. Như vậy chứng tỏ chưa có kinh nghiệm trồng cần sa”.

* Cần sa được ghi nhận sớm nhất trong Thần Nông bản thảo kinh, ra đời khoảng năm 2800 trước Công nguyên, cuốn sách được coi như dược điển cổ nhất của người Trung Quốc. Trong đó, cây gai dầu (cannabis) là một vị thuốc trị giảm đau. Ghi chép cổ của người Trung Á, Trung Quốc, cho tới người Hindu ở Ấn Độ, người La Mã cổ đại cũng đều nói tới cây gai dầu như một dược liệu. Trong thần thoại Ấn Độ, thần Shiva còn coi cây gai dầu là món ăn ưa thích, cần sa được mô tả như một vị thuốc có khả năng làm “giảm đi hơi thở nóng bỏng của các vị thần”, tức là có tác dụng giảm sốt.

* Khoảng năm 200 sau Công nguyên, Claudius Galenus, nhà triết học kiêm thầy thuốc người La Mã đã bắt đầu nhận ra tác dụng của cần sa trong việc tạo cơn hưng phấn thần kinh. Cần sa được biết tới rộng rãi ở châu Âu và Mỹ vào những năm giữa thế kỷ 19, khi nhà vật lý học William Brooke O’Shaughnessy, trong thời gian làm việc tại Ấn Độ, đã phát hiện ra những tác dụng giảm đau và chữa các chứng nôn mửa của cây cần sa. Vào cuối những năm 1800, chiết xuất từ cây cần sa đã bắt đầu được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc Mỹ và châu Âu để chữa bệnh dạ dày. Các nhà khoa học phương Tây cũng đã chỉ ra rằng chất THC trong cây cần sa chính là hoạt chất khiến loại cây này có tác động tới thần kinh của con người.

* Việc sử dụng cần sa như một chất gây nghiện cũng đã được đề cập tới ở thời Hy Lạp cổ đại. Một nhà sử học Hy Lạp tên là Herodotus đã mô tả người Scythia (một nhóm người du mục Iran ở Trung Á) hít khói từ hạt và hoa cần sa cháy để tạo hưng phấn. Thuốc phiện (Hashish), làm từ cây cần sa cũng đã phổ biến khắp Trung Đông và châu Á từ những năm 800 sau Công nguyên. Mặc dù kinh Qur’an cấm sử dụng các chất gây nghiện nhưng lại không cấm cần sa.

* Từ năm 1931, cần sa bị coi là bất hợp pháp ở 29 tiểu bang nước Mỹ. Năm 1937, Mỹ áp dụng một đạo luật liên bang, quy việc kiểm soát buôn bán sở hữu, chuyển nhượng các sản phẩm từ cây gai dầu vào tội hình sự, trừ việc sử dụng trong công nghiệp. Năm 1970, Mỹ đưa ra đạo luật kiểm soát các chất gây nghiện, trong đó cần sa được xếp vào các loại ma túy bảng I, cùng với bạch phiến, LSD, thuốc lắc. Đạo luật không cho phép sử dụng cần sa trong mục đích y tế vì nguy cơ bị lạm dụng cao. Đó là một phần của chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Richard Nixon. Mặc dù nhiều báo cáo đề nghị đưa cần sa trở lại danh mục các chất sử dụng trong y tế nhưng Tổng thống Mỹ đã từ chối xem xét.

* Tới năm 1996, California là bang đầu tiên của Mỹ đưa ra luật cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế hạn chế. Sau đó là 29 tiểu bang và lãnh thổ của Mỹ áp dụng luật này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt hai loại thuốc có THC được kê đơn ở dạng thuốc viên là Marinol và Syndros. Tháng 6/2019, 11 tiểu bang và Washington D.C hợp pháp hóa cần sa trong mục đích giải trí.

* Năm 2016, Australia cũng đã cho phép sử dụng cần sa trong mục đích y tế.

* Tháng 12/2013, Uruguay trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa sản xuất, mua bán và sử dụng cần sa, năm 2018, tới lượt Canada. Người trưởng thành ở Canada sẽ được phép mang theo tối đa 30 gram cần sa đến nơi công cộng. Công dân Canada cũng được trồng không quá 4 cây cần sa tại nhà riêng. Mặc dù quyết định này vẫn gây ra tranh cãi ở Canada nhưng vào ngày đạo luật mới có hiệu lực, nhiều người dân đã đổ ra đường ăn mừng, họ còn thiết kế lại quốc kỳ nước này và thay thế hình ảnh lá phong đỏ giữa lá cờ bằng lá cây gai dầu.

* Cho tới nay, nhiều quốc gia cũng đã hợp pháp hoặc bán hợp pháp việc trồng và sử dụng cần sa. Tại Đông Nam Á, Thailand là quốc gia đầu tiên chính thức bỏ cây cần sa khỏi danh sách các chất ma túy năm 2022.

*Lượng THC trong cần sa đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Vào giữa những năm 1990, hàm lượng THC trung bình của những cây cannabis bị tịch thu là khoảng 4%. Đến năm 2014, con số này là khoảng 12%, với một số loại cần sa chứa hàm lượng THC cao tới 37%.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.