Những mùa mưa ruổi dọc biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những căn nhà dựa lưng vào “bức tường” cao su xanh ngắt, nhô lên chúc xuống theo triền dốc. Bạn tôi thốt lên: “Những căn nhà xô lệch không gian!”.
Chúng tôi đang ngồi trú mưa trong một căn nhà như vậy ở cái xóm mà người ta vẫn gọi vui là “Xóm Liều” hay là “Xóm Bầu”. Gọi “xóm” nhưng thực ra đó là đội sản xuất của một công ty cao su ở huyện Đức Cơ. Đội có 43 nữ thì 15 nữ ở vào cái tuổi “tam thập” trở lên. 14 chị có con nhưng đỗ “bến không chồng”. Chỉ còn 1 chị “cầm cự” cùng 6 cô sinh năm 1970…
Họ là những cô gái của vùng đất “Hà Tây quê lụa” tình nguyện vào đây ngay khi mới thành lập nông trường. Lúc bấy giờ, miền đất biên cương cũng hoang hoải trong những cơn mưa ruổi. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê cùng bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống ập đến có lúc tưởng chừng không vượt nổi nhưng họ vẫn động viên nhau gắng sức vượt lên. Hơn 10 năm trôi qua, miền đất hoang dã, xác xơ vì bom đạn đã lùi vào quá khứ. Nhưng nếu trong chiến tranh, máu là cái giá đồng đội phải trả cho chiến thắng thì để có cuộc sống hôm nay, họ cũng có cái giá phải trả giữa thời bình.
14 chị xuất thân không ai giống ai nhưng lại không khác gì nhau về nỗi đời. Chị K. là một trong những người thợ hiếm hoi của công ty đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” 8 năm liền. 4 bức vách của căn phòng khách nhỏ kín đặc những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận danh hiệu.
“Nghệ tinh-thân vinh” nhưng hạnh phúc, hiểu theo cái nghĩa đời thường thì chị còn không bằng một người lính thợ bình thường. Vật chất không thiếu nhưng cuộc sống của mẹ con còn một phía không gì bù đắp được, đó là phía của người chồng, người cha.
Nhưng dù tai tiếng có theo đến tận lúc ấy thì cuộc tình ngắn ngủi của chị vẫn còn “có hậu” . Chị H. quan hệ với một người đã có vợ con ngoài Bắc vào làm thuê. Biết điều đó, chị cũng chỉ tính kiếm đứa con rồi yên phận làm ăn. Nhưng rồi sự yếu mềm của người phụ nữ khiến chị không thể đừng. 2 bé gái ra đời chỉ cách nhau 1 tuổi. Trong lúc chị đang cần một chỗ dựa thì người ấy lại đùng đùng bỏ về Bắc vì lý do chị đẻ toàn con gái (!). Vậy là không chỉ một thân chống chèo với số phận, chị còn bị phạt, bị cắt tiêu chuẩn thi đua!
Ảnh minh họa: Đức Thụy
Ảnh minh họa: Đức Thụy
Dù phải trải qua bao dằn vặt, bao nỗi cay đắng lặng thầm thì cuối cùng các chị cũng làm được nhà, lo cho con cái học hành đầy đủ. Tuy nhiên, phía sau các chị, cả tổng công ty còn gần 100 cô cũng đã đến cái tuổi như xưa kia các chị đã “liều”.
Kh, một cô gái cũng quê Hà Tây, đã 35 tuổi. Khi chúng tôi đến thăm, cô mới ở vườn cao su về tranh thủ ăn vội bát cơm. Kh. kể, căn nhà gỗ rộng chừng 20 m2 này cô tạo dựng đã được 3 năm nay. Cô cũng đã sắm được cả xe máy. Nhìn 4 bức vách treo đầy những giấy khen, bằng chứng nhận, tôi hiểu cô đã nỗ lực lao động như thế nào. Kh. lảng tránh tất cả những câu hỏi của chúng tôi về đời tư và nói: “Chúng em ở đây không dám “liều” như các chị ở xóm trên đâu”.
*
Có một chiều biên giới tôi đã một mình lang thang giữa rừng cao su tĩnh lặng. Không đầu không cuối, những con người với những xúc cảm nhói lòng từ hơn 20 năm trước chợt ùa về. Trên đường trở về Nhà khách UBND huyện, tôi không theo con đường cấp phối cũ mà bất thần rẽ ngang vào một lô cao su. Nhìn những thân cây thẳng, đều tăm tắp, tôi biết nó được trồng vào thời kỹ thuật đã bài bản, tài chính dồi dào. Cuộc sống đã sang trang mới.
Tôi cầm chiếc lá đỏ rực bất chợt sa vào tay mình, lòng bâng khuâng tưởng như tiếng thầm thì từ đất vọng về qua màu sương khói tháng năm…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.